“Bệnh từ ở miệng mà vào; Họa từ ở miệng ào ào tuôn ra…”
Đó là lời dịch dân dã câu nói Hán Việt mà ông cha thường nói: “Bệnh tòng khẩu nhập, Họa tòng khẩu xuất”. Ý nghĩa ở đây ai cũng hiểu: Bệnh tật của con người ta phần nhiều là do ăn uống (vào miệng). Và không ít người gặp họa bởi lời ăn tiếng nói (từ miệng ra). Ở đây chỉ xin nói về cái sự ăn.
Theo như bác sĩ CK1 Nguyễn Thị Bích Thủy – Trưởng khoa khám bệnh BVQT Minh Anh , thói quen trong ăn uống là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh ở người Việt Nam. Bệnh từ miệng là những bệnh xuất phát từ việc ăn uống hằng ngày của mỗi chúng ta. Rất nhiều bệnh lây qua đường ăn uống như : tả, lỵ, tiêu chảy, thương hàn, viêm gan A.
Đặc biệt là kể từ khi bác sĩ người Úc Barry Marshall kiếm được con vi khuẩn Helicobacter Pylori vào năm 1984, là nguyên nhân thực sự của tình trạng loét dạ dày, người Việt mới bắt đầu nhìn nhận lại thói quen ăn uống của mình. Vì vi khuẩn này hoàn toàn có khả năng lây lan từ người mang vi khuẩn sang người lành qua đường miệng - miệng: Đây là đường lây truyền chủ yếu của vi khuẩn HP, lây lan do tiếp xúc nước bọt hay dịch tiết đường tiêu hóa của người mắc bệnh và người lành. Thông thường trong gia đình có người nhiễm HP thì khả năng những người khác cũng nhiễm là rất cao.
Với thói quen gắp chung đĩa, chấm chung chén nước chấm trong bữa ăn của người Việt Nam, cũng như gắp thức ăn mời nhau đã giải thích tại sao không ít người cứ tái đi, tái lại bệnh lý viêm dạ dày. Bác sĩ Bích Thủy đưa ra nhận định như vậy.
Hành vi có nguy cơ bệnh lây từ miệng – miệng cũng rất là phong phú có thể liệt kê thêm ra đây:
- Trà sữa, sinh tố có 1 ống hút mà học sinh cả đám uống cùng.
- Uống bia mời nhau uống chung ly, thậm chí "em uống chỗ nào anh uống đúng vị trí đó!!!!"
- Càng cao tuổi, hoặc đương sự vị trí là “xếp” thì trong bữa tiệc càng được chăm sóc tận tình bằng cách gắp cho, tặng luôn con HP mà không biết.
- Ăn kiểu "tình thương mến thương", ăn nửa đưa nhau nửa ...
Theo thống kê của Hội khoa học Tiêu hóa Việt Nam, nước ta có tới 26% dân số mắc bệnh viêm loét dạ dày tá tràng. Còn ung thư dạ dày, thì theo Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế (IACR) trong hai năm qua, Việt Nam ghi nhận 182.563 ca mắc mới ung thư. Trong đó các loại ung thư phổ biến nhất hiện nay gồm ung thư gan đứng đầu ( 14,5%), kế đến là ung thư phổi ( 14,4%), ung thư vú ở phụ nữ ( 11,8%) , ung thư dạ dày đứng thứ tư với tỷ lệ 9,8%.
Người Nhật, quốc gia nổi tiếng về sống khỏe, sống thọ, ngoài dinh dưỡng khoa học, họ có một nguyên tắc bất di, bất dịch trên bàn ăn, đó là không dùng đũa cá nhân gắp đồ ăn trong đĩa chung, vì nó sẽ vô tình làm lan truyền vi khuẩn của các bệnh truyền nhiễm trong đầu đũa và đĩa thức ăn chung. Thay vào đó, người Nhật dùng đũa chung cho đĩa thức ăn đó để gắp.
Hiện nay, tại nước ta cách ăn uống hợp vệ sinh như vậy đã được thực hiện trong các nhà máy, công ty...Người lao động được cung cấp suất ăn công nghiệp trong một khay riêng. Hoặc ở một số nhà hàng, tiệc cưới, người phục vụ bàn sẽ dùng một bộ muỗng nĩa để chia phần ăn cho từng thực khách, và mỗi người có một chén nước chấm riêng không chung đụng. Thấy ai cũng khen là hợp vệ sinh, là văn minh nhưng vì sao chưa có nhiều hộ gia đình áp dụng cách ăn uống này tại nhà?
Có một nhận định như vầy: Thay đổi cách ăn uống bấy lâu nay với nhiều người hẳn là việc khó vì “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”, tuy nhiên, các nhà hoạch định xã hội cần có những chính sách truyền thông, khuyến khích, từ đó người dân sễ chấp nhận, biết ý thức bảo vệ sức khỏe cho bản thân cũng như những người “ ngồi cùng mâm”. Vâng, dẫu khó nhưng trong một xã hội ý thức nâng cao thì việc gì có ích cũng sẽ sớm được đồng thuận.