Cholesterol là gì? thế nào là nồng độ cholsesterol cao? Tại sao cao? Gây biến chứng gì? Làm sao để phòng tránh ?
Trong bài viết về biến chứng viêm loét bàn chân đái tháo đường có chi tiết bệnh nhân đái tháo đường dễ bị xơ vữa động mạch. Mà nhắc đến xơ vữa động mạch, người ta hay đề cập đến cholesterol.
Cholesterol hầu như là từ ngữ đề cập thông dụng nhất sau khi có kết quả khám sức khỏe tổng quát ở một cá nhân “Em bị cholesterol, bác sĩ bảo phải kiêng cử nhiều lắm…”
Vẫn theo chủ đề về rối loạn chuyển hóa, hôm nay chúng ta sẽ cùng BSCK1 Nội tiết Huỳnh Thị Thúy Ái – BVQT Minh Anh sẽ tìm hiểu kỹ về cholesterol, thế nào là nồng độ cholsesterol cao? Tại sao? Gây biến chứng gì? và làm sao để phòng tránh ? qua trang SỐNG KHỎE của BVQT Minh Anh.
Trước tiên phải hiểu bản chất của cholesterol không phải là xấu. Cholesterol là một thành phần quan trọng của cơ thể có trong máu và tất cả các loại tế bào. Một số cholesterol được tạo ra bởi cơ thể, một số được cung cấp bởi thức ăn. Gan và các tế bào khác của cơ thể tạo nên khoảng 75% cholesterol máu, 25% còn lại do thức ăn cung cấp.
Có 2 loại cholesterol: LDL hay còn gọi là một loại cholesterol “xấu” và HDL cholesterol hay còn gọi là một loại cholesterol “tốt” . Cả hai loại cholesterol này cùng với triglycerides và Lp(a) cholesterol tạo nên cholesterol toàn phần.
(triglycerid là chất được tạo ra khi các axit béo sau khi hấp thu qua gan, được gan chuyển hóa thành cholesterol, lượng axit béo tự do không được gan chuyển hóa sẽ dư thừa và trở thành triglycerid)
Tất cả được xác định bằng cách xét nghiệm máu.
Và trong phiếu kết quả xét nghiệm sinh hóa, sẽ có các chỉ số cholesterol toàn phần, LDL, HDL. Sẽ tốt nếu:
Cholesterol toàn phần: giá trị bình thường là < 200 mg/dL.
LDL: giá trị tối ưu là dưới 100 mg/dL.
HDL: giá trị tối ưu là > 60 mg/dL.
Triglicerid : bình thường < 150 mg/ dL
Khi có quá nhiều LDL cholesterol lưu thông trong máu, nó có thể gây tắc động mạch, làm tăng nguy cơ bệnh mạch vành và đột qụy. Vì thế LDL là một cholesterol xấu.
Còn HDL cholesterol, các chuyên gia y khoa cho rằng HDL giúp đưa cholesterol quay trở lại gan để loại bỏ khỏi cơ thể, giúp giảm hình thành các mảng xơ vữa động mạch, vì thế nồng độ cao của HDL giúp cơ thể bảo vệ chống lại cơn đau tim cấp. Vì vậy nếu nồng độ của HDL thấp, thấp hơn 40 mg/dL sẽ làm tăng nguy cơ bệnh tim. Cho nên HDL là cholesterol tốt, cần thiết cho cơ thể.
NỒNG ĐỘ CHOLESTEROL MÁU CAO LÀ GÌ?
Nói về nồng độ cholesterol máu, phải đề cập đến triglycerides.
Triglyceride cũng là một loại chất béo nhưng có vai trò khác với cholesterol. Cơ thể sử dụng cholesterol để làm nguyên liệu hình thành nên tế bào và nội tiết tố, còn triglyceride được cơ thể sử dụng để tạo năng lượng. Nếu cơ thể nhận được nhiều năng lượng hơn so với mức cần thiết, phần năng lượng dư thừa sẽ được chuyển thành triglyceride dự trữ trong tế bào mỡ. Nếu nồng độ triglyceride cao sẽ làm gia tăng nguy cơ của nhiều vấn đề sức khỏe. Khi triglycerides cao > 1000mg/dL nguy cơ viêm tụy cấp rất cao. Yhọc cho thấy người có triglycerides cao thì thường có nồng độ cholesterol toàn phần cao, trong đó có nồng độ LDL (xấu) cholesterol cao và HDL (tốt) cholesterol thấp. Nhiều bệnh nhân tim mạch và đái tháo đường có nồng độ triglycerides cao.
Nồng độ cholesterol máu bao gồm ba chỉ số: cholesterol toàn phần, HDL cholesterol, và LDL cholesterol. Khi nồng độ cholesterol cao có khả năng làm xơ vữa động mạch, nhất là động mạch vành tim và động mạch não dẫn đến tăng huyết áp, đột quỵ não, nhồi máu cơ tim có nguy cơ tử vong nếu không cấp cứu kịp thời. Trên thế giới bình quân cứ 2 giây có một người tử vong vì bệnh tim mạch. Cứ 5 giây có một người tử vong do nhồi máu cơ tim.
Đa số trường hợp có nồng độ cholesterol cao không biểu hiện triệu chứng gì, do đó rất nhiều người không phát hiện ra, cho đến khi xảy ra các biến chứng như nhồi máu cơ tim hay đột quỵ…
Những trường hợp sau đây sẽ đối mặt với nguy cơ mắc cholesterol cao:
Thừa cân hoặc béo phì.
Chế độ dinh dưỡng không lành mạnh ( nhiều chất béo, ít chất xơ, rượu, bia… )
Không luyện tập thể dục thường xuyên.
Hút thuốc lá.
Đái tháo đường, cao huyết áp, hội chứng thận hư, hoặc thiểu năng giáp trạng.
Tiền sử gia đình mắc cholesterol cao( di truyền )
Tuổi tác
Tóm lại, cholesterol là chất có vai trò quan trọng trong sự phát triển và hoạt động sống của con người, tuy nhiên khi nồng độ cholesterol quá cao sẽ dẫn đến nhiều bệnh lý nguy hiểm. Vì thế hiểu về cholesterol và chủ động điều hòa cholesterol trong cơ thể, tăng cholesterol tốt và hạn chế cholesterol xấu là việc cần thiết.
Và theo các nguyên nhân gây tăng cholesterol trong máu như trên, chúng ta có thể kiểm soát được nếu thay đổi lối sống như :
Kiểm soát cân nặng tránh quá cân, béo phì, giảm thức ăn giàu năng lượng, hạn chế ăn mỡ động vật, thịt động vật chưa lọc mỡ, da và nội tạng động vật, sữa béo, lòng đỏ trứng, thức ăn nhanh.…
Ăn nhiều rau, hoa quả, ngũ cốc, dầu thực vật không bão hòa …
Tăng cường hoạt động thể lực 3-4 lần/ tuần, mỗi lần trung bình 30 phút, không ngồi lâu quá 90 phút.
Không nên uống quá nhiều rượu bia, không hút thuốc lá.
Điều trị bệnh lý nền tích cực.
Với các yếu tố không thay đổi được như tuổi tác hoặc di truyền, người bệnh nên thực hiện lối sống lành mạnh để giảm nguy cơ và thường xuyên thăm khám để sàng lọc bệnh sớm.