Suy thận là căn bệnh mà nhiều người lo ngại nếu không may mắc phải. Nhận biết sớm có vai trò rất quan trọng trong việc điều trị.
Hôm nay chuyên đề Sống Khỏe của BVQT Minh Anh cùng BSCK2 Nguyễn Thị Ngọc Bích sẽ tiếp tục với bệnh lý tại thận - cơ quan bài tiết chính của hệ tiết niệu. Đề tài cũng hết sức được quan tâm vì những vấn đề nó gây ra cho người bệnh.
Theo bác sĩ Bích suy thận có 2 dạng: suy thận cấp và suy thận mạn, mà trong chuyên môn hay gọi là tổn thương thận cấp và bệnh thận mạn.
Suy thận cấp là sự suy giảm nhanh chức năng thận trong vài ngày đến vài tuần. Sau điều trị có thể phục hồi hoàn toàn hoặc một phần chức năng thận.
Còn suy thận mạn, đó là một quá trình tiến triển dài và không phục hồi. Mục tiêu điều trị nhằm làm chậm diễn tiến của bệnh và hạn chế những biến chứng có thể xãy ra.
Suy thận hầu hết sẽ làm tổn thương các nephron (một đơn vị cấu trúc của thận) khiến thận không thể loại bỏ chất thải ra khỏi cơ thể. Nếu không điều trị hoặc điều trị thất bại sẽ gây mất chức năng thận.
Nguyên nhân:
Về nguyên nhân, đầu tiên là do thận không nhận đủ lượng máu cần thiết để hoạt động. Một số bệnh lý như bệnh tim mạch, xơ gan, suy gan, tăng huyết áp, nhiễm trùng huyết có thể làm cản trở máu đến thận. Mất nước, bỏng, dị ứng, sử dụng thuốc kháng viêm cũng có thể gây ra tình trạng này.
Việc bài tiết nước tiểu bị cản trở do sỏi thận, phì đại tuyến tiền liệt chẳng hạn cũng là nguyên nhân gây suy thận.
Một số nguyên nhân khác có thể kể đến như: bệnh đái tháo đường, bệnh viêm cầu thận, thận đa nang, trào ngược bàng quang v.v…
Triệu chứng:
Vì thận có khả năng bù trừ rất tốt, nên ở giai đoạn đầu nên bệnh thường không có triệu chứng. Cho tới khi xuất hiện các tổn thương thận nặng nề, lúc đó người bệnh phải vào bệnh viện để được kiểm tra và điều trị:
Buồn nôn, nôn, chán ăn
Mệt mỏi, hay ớn lạnh
Trí nhớ không tập trung
Một số thay đổi khi đi tiểu: nước tiểu có bọt, lượng nước tiểu nhiều hoặc ít hơn v.v…
Đặc biệt là biểu hiện dễ thấy nhất là phù ngoại vi. Có thể phù kín đáo. Chân hơi nặng nề, đi dép cảm thấy chật hơn, ấn lõm nhẹ vùng mắt cá chân, da kém đàn hồi, xanh mái, khô. lòng bàn tay mất vẻ hồng hào, thỉnh thoảng hay bị hoa mắt chóng mặt ...Người bệnh cảm thấy mình mập ra dù không ăn uống bồi bổ gì đáng kể. Mập nhưng thể trạng không tốt.
Điều trị:
Suy thận cấp tính và suy thận mạn tính mức độ phục hồi chức năng thận sẽ là khác nhau. Trong trường hợp suy thận cấp tính, sau quá trình điều trị tích cực, chức năng thận sẽ được khôi phục một phần hoặc thậm chí là hoàn toàn nếu điều trị sớm.
Trong trường hợp suy thận mạn, tình trạng suy giảm chức năng thận nặng, chức năng thận không thể khôi phục lại như lúc đầu dù được áp dụng các biện pháp điều trị tích cực. Việc điều trị chủ yếu là giúp kiểm soát các dấu hiệu và triệu chứng, giảm các biến chứng và làm bệnh tiến triển chậm lại.
Đến giai đoạn chức năng thận đã giảm dưới 50%, thì người bệnh bắt buộc phải điều trị thay thế thận bằng các biện pháp như thẩm phân phúc mạc, chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận để tiếp tục duy trì sự sống.