Thông tin từ Bộ Y tế, sáng 15/7 ghi nhận 805 ca dương tính nCoV, gồm 801 ca trong nước và 4 ca nhập cảnh được cách ly ngay.
Riêng tại TP.HCM, số ca mới đã nâng tổng số ca nhiễm tại TP này lên 19.405.
Đó là những con số vừa cập nhật sáng nay, cho thấy tình hình dịch bệnh covid - 19 vẫn đang diễn tiến phức tạp. Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe mọi người cần tuân thủ thực hiện "5K: Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế" và không ra khỏi nhà khi không thực sự cần thiết.
Tối 13.7, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh có văn bản khẩn gửi TP.Thủ Đức, các quận, huyện, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP và các đơn vị liên quan về việc triển khai các biện pháp thực hiện cách ly tại nhà đối với trường hợp F0, F1 trong giai đoạn hiện nay.
Với biện pháp cách ly tại nhà đối với trường hợp F0, F1, tác giả Hà Phan có bài viết hết sức đáng chú ý được đăng tải trên VietNamNet, chúng tôi xin được giới thiệu lại cùng các bạn bài viết này.
KHI F0 VỀ NHÀ
Bên cạnh những con số chẳng ai mong muốn vẫn tăng chóng mặt ở TP.HCM thì dường như những trục trặc và sơ suất một hai ngày đầu đang được nắn chỉnh đúng hướng hơn.
Vài ngày nữa, khi những chuẩn bị để thực thi thí điểm F0 tại nhà ở TP.HCM hoàn tất để bắt đầu triển khai thì không ít người dương tính không triệu chứng, đúng đối tượng, đủ điều kiện sẽ chẳng phải bắt buộc đến các bệnh viện (BV) Dã chiến đang thực sự quá tải.
Sẽ bớt dần những cảnh cả TP đôn đáo đủ cách tìm lập thêm BV Dã chiến cho cả những F0 khỏe mạnh vẫn có thể “múa bụng, đá cầu” trong ấy. Nhưng khi mà Covid vẫn lây lan khủng khiếp, nguy cơ vẫn có thể ập đến bất cứ lúc nào thì F0 chưa triệu chứng sẽ được ở nhà đem đến niềm vui kèm cả những lo âu.
Nhiều người cứ nói thôi đành sống chung với Covid như Singapore đang làm hay Anh sẽ "mở toang" vào cuối tháng nên F0 về nhà cũng chẳng có gì đáng ngại! Nhưng cả TP.HCM chưa đầy 10% dân số tiêm mũi đầu, cả nước cũng chỉ trên dưới 5% thì sao lại đi so với Anh đã 86% hay hơn 40% ở Singapore? Chỉ khi nào vắc xin đủ cho cộng đồng đạt được tỷ lệ miễn dịch cần thiết thì sống chung không phải là thảm họa như nhiều nước đã từng mắc phải.
Đành rằng tỷ lệ tử vong chỉ nhỉnh hơn 0,5%, chuyển nặng chưa đến 20% số ca nhiễm nhưng không siết chặt, bỏ giãn cách thì cha mẹ, ông bà chúng ta, những người luôn sẵn bệnh nền liệu có trụ nổi khi dương tính và tốc độ lây lan của chủng Delta tàn phá? Bây giờ với từng ấy ca, hệ thống y tế còn cầm cự được nhưng thêm vài chục ngàn ca nữa chuyển nặng với một mớ bệnh nền thì sẽ như thế nào đây?
Tại TP.HCM, 19 bệnh viện dã chiến đã hoạt động và đang thiết lập thêm 5 bệnh viện nữa. 24 bệnh viện này có công suất 44.890 giường, điều trị cho hơn 16.000 bệnh nhân trong khi đến trưa 14/7 số F0 ở TP này đã vượt quá 18.000. Hiện nay trung bình, 25 đến 28 bác sĩ phục vụ cho 2.300 bệnh nhân. Một bác sĩ bạn tôi thốt lên "Kinh khủng hơn rất nhiều so với lần tôi đi chống dịch lần trước".
Đó có lẽ là lý do chính để Bộ Y tế buộc phải thí điểm tại TP.HCM khi cho F1 rồi F0 không triệu chứng, đủ điều kiện ở nhà. Điều đó có khi đáng lo hơn đáng mừng vì người Việt chúng ta thường sống với ông bà, cha mẹ và nguy cơ lây nhiễm khá cao. Hy vọng ngành y sẽ có cách thức phù hợp, thận trọng đúng mức và bản thân F0 cũng sẽ ý thức được những nguy cơ ấy.
Chẳng riêng gì Việt Nam hay nhiều nước phương Tây sớm áp dụng giải pháp này từ đầu mùa dịch mà một số nước Đông Nam Á gần đây cũng chính thức áp dụng điều trị tại nhà đối với trường hợp bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Họ buộc phải làm thế không chỉ vì giảm tải cho hệ thống y tế đang nguy ngập với ca nhiễm tăng chóng mặt mà những gì đã xảy ra cho thấy có khi F0 ở nhà lại tốt cho tất cả.
Sẽ bớt dần hình ảnh những em bé F0 chập chững một mình bước lên xe vào BV hay cả nhà chẳng ai có biểu hiện gì lại phải vào những khu cách ly tập trung có thể khiến bệnh nặng hơn. Cũng sẽ không còn cảnh đã quá tải mà ngành y phải phân bổ thêm lực lượng để lo cho những người hoàn toàn tự làm mọi việc cho chính mình trong ngay ngôi nhà của họ. Thay vào đó nguồn lực, trang thiết bị và y bác sĩ sẽ được tập trung cho các ca trở nặng, buộc phải nằm viện.
Chuyện gì mới, điều gì đột nhiên khác trước chắc chắn sẽ gây cả nghi ngại lẫn lo âu. F0 về nhà ủng hộ nhiều mà phản đối cũng không ít. Riêng mình tôi chỉ muốn việc gì đáng và tốt cho cái chung thì nên làm, dù là thí điểm thì cũng phải đi mới thành đường.
Có thể có khó khăn hay chuệch choạc ban đầu và không loại trừ sẽ lại phải điều chỉnh hay thay đổi, nhưng nhìn những con số "Các bệnh viện điều trị Covid-19 đang quá tải, lực lượng y tế tại chỗ không đủ đáp ứng thực tế. Trung bình 1.000 giường bệnh cần khoảng 200 nhân viên y tế. TP cần thêm khoảng 1.500 bác sĩ cùng 5.500 điều dưỡng” thì quả là khó còn cách nào khả dĩ hơn.
Hôm nay dân chúng lại xao xác, chộn rộn vì tin đồn sai sự thật TP.HCM “phong thành” từ 0g ngày 15/7, dòng người lại nối đuôi ngoài siêu thị và hàng hóa có nơi lại khan hiếm tạm thời. Nhưng không phải chẳng có những tín hiệu vui trước mắt, khoảng sáng ngoài kia chiến dịch tiêm vắc xin lớn nhất lịch sử sắp bắt đầu, Bộ Y tế sẵn sàng chi viện 10.000 y bác sĩ cho TP.HCM và Chính phủ chỉ đạo dành nguồn lực lớn cho TP này chống dịch. Dù còn chút trăn trở và có cả lo âu nhưng tôi vẫn thích nhìn những vệt trắng trên bức tranh u tối mà chúng ta tạm thời phải chịu nhưng vẫn đang cùng nhau tìm mọi cách bỏ dần...
HÀ PHAN