TỪ VẾT XƯỚC NHỎ PHẢI CẮT CỤT CHI

Thứ sáu - 18/06/2021 05:33
Viêm loét bàn chân dẫn đến cắt cụt chi là biến chứng dễ gặp ở bệnh nhân đái tháo đường. Cần làm gì để có thể tránh phải tàn phế vì biến chứng này?
TỪ VẾT XƯỚC NHỎ PHẢI CẮT CỤT CHI
“Trong số các biến chứng mạn tính của đái tháo đường thì loét bàn chân do đái tháo đường và cắt cụt chi là những nguyên nhân trực tiếp đe dọa sức khỏe và tâm lý của người bệnh…”  Đây là những thông tin mà chúng ta vẫn thường thấy trong các bài viết về bệnh đái tháo đường và chỉ biết khái niệm chung chung vậy thôi.
Chỉ đi thực tế, chúng tôi mới thấy những vết loét bàn chân do biến chứng đái tháo đường  ngoài sức tưởng tượng. Nhìn những bệnh nhân được nhân viên y tế chăm sóc, cắt lọc, tẩy, rửa, có người bàn chân mất hết 3 ngón và vết loét đang “đe dọa” các ngón còn lại, có bệnh nhân mà mu bàn chân là một vùng khuyết - hổng có thể thấy cả xương, và cũng có bệnh nhân một bên chân chỉ còn mỏm cụt cẳng chân…
Hỏi chuyện, thì hầu  hết các bệnh nhân biến chứng bàn chân đái tháo đường này,  khởi đầu chỉ là những vết thương nhỏ do đạp phải vật cứng, do vết trầy khi mang dép, hoặc đi va vào đồ vật… Vậy mà rồi, vết thương không lành, cứ từ từ tàn phá cho đến mức phải đoạn chi.
 
 BSCK1 Nội tiết Huỳnh Thị Thúy Ái BVQT Minh Anh
BSCK1 Nội tiết Huỳnh Thị Thúy Ái - BVQT Minh Anh
Gặp bác sĩ CK1 nội tiết   Huỳnh Thị Thúy Ái tại BVQT Minh Anh, vừa kịp bác sĩ vừa khám và tư vấn xong một bệnh nhân.

Vào thẳng vấn đề, bác sĩ Thúy Ái cho biết theo một nghiên cứu thì hàng năm  khoảng 2% bệnh nhân đái tháo đường có biến chứng viêm loét bàn chân. Và 15% bệnh nhân đái tháo đường sẽ bị loét tại một thời điểm nào đó trong toàn bộ cuộc đời của họ, trong khi bệnh đái tháo đường là một bệnh phổ biến trong cộng đồng. Theo ước tính của Hiệp hội đái tháo đường thế giới IDF thì năm 2040, Việt Nam sẽ có 6,1 triệu người mắc bệnh này. Với các con số 2% và 15% trên kia, số người bị biến chứng loét bàn chân do đái tháo đường không phải nhỏ. Nguy cơ cắt cụt chi ở bệnh nhân đái tháo đường cao gấp 15-46 lần so với người không bị bệnh . Trên phạm vi toàn thế giới cứ 30 giây lại có một bệnh nhân đái tháo đường bị cắt cụt chi.

Khi được hỏi vì sao, từ một vết loét nhỏ ở bàn chân bệnh nhân đái tháo đường lại dẫn đến viêm loét, cắt cụt chi? Bác sĩ Thúy Ái giải thích:
 
Bệnh đái tháo đường gây ra nhiều biến chứng trên tim, mạch máu, mắt, thận, thần kinh… Viêm loét bàn chân bắt nguồn từ các biến chứng này, mà cụ thể là mạch máu và thần kinh.
 
Tổn thương thần kinh ngoại biên là một biến chứng thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường, ảnh hưởng đến thần kinh cảm giác, vận động và tự chủ. Khi thần kinh cảm giác bị ảnh hưởng thì bàn chân sẽ không còn nhạy cảm với các kích thích đau thông thường, vì vậy các vết loét thường khởi đầu từ những vết trầy, xước nhỏ. Tổn thương thần kinh vận động gây yếu cơ, teo cơ hoặc liệt nhẹ, gây ra sự biến dạng bàn chân, làm xuất hiện những điểm tăng áp lực, từ đó  tạo nên các vết chai, dễ bị tổn thương, rách, dẫn đến viêm tổ chức, lâu dần thành loét bàn chân.
 
Mặt khác, tổn thương thần kinh gây thay đổi ở da, giảm độ ẩm, giảm tính chất tự vệ của da đối với sự xâm nhập của vi sinh vật. Da khô nứt nẻ tạo điều kiện cho nhiễm khuẩn bàn chân.
Song song với tổn thương thần kinh ngoại biên, người bệnh đái tháo đường dễ bị xơ vữa động mạch, các mạch máu bị hẹp hoặc tắc sẽ làm giảm lượng máu đến bàn chân. Điều này làm các vết loét dễ biến chứng và khó điều trị.

Ngoài ra còn một số nguyên  nhân khác gây loét bàn chân như :
Mang giày , vớ quá chật.
Người bệnh đái tháo đường có sức đề kháng kém, vết thương lâu lành.
Béo phì cũng là nguyên nhân làm tăng áp lực lên bàn chân.
Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ biến chứng thần kinh ngoại biên rất sớm trên bệnh nhân đái tháo đường, nguy cơ loét bàn chân ở đối tượng này tăng gấp 2-3 lần so với người không hút thuốc lá.
H2 Nguy cơ nhiễm khuẩn bàn chân trên bệnh nhân đái tháo đường
Nguy cơ nhiễm khuẩn bàn chân trên bệnh nhân đái tháo đường rất lớn




DẤU HIỆU NHẬN BIẾT
 
Nếu chú ý kỹ một chút, bệnh nhân hay người nhà sẽ nhận biết những thay đổi sau đây là dấu hiệu của biến chứng bàn chân đái tháo đường:
 
Móng chân bị đổi màu
Da khô
Rối loạn cảm giác tại bàn chân
Hay đau, mỏi chân không đi được xa
Sưng phồng bất thường và kéo dài tại bàn chân
Xuất hiện quá nhiều nốt chai chân.

PHÒNG TRÁNH VIÊM LOÉT BÀN CHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG
 
Cuối cùng để tránh bị viêm loét bàn chân dẫn đến cắt cụt chi, điều tốt nhất bác sĩ Thúy Ái cho rằng: người bệnh đái tháo đường cần kiểm soát tốt đường huyết và phải biết chăm sóc tốt bàn chân của mình.  

Có thể nêu ra các chăm sóc như sau:
 
Hàng ngày, tự kiểm tra từ trên xuống dưới bàn chân. Chọn nơi có ánh sáng tốt, sử dụng một gương soi để quan sát lòng bàn chân, hoặc có thể nhờ người thân kiểm tra giùm bàn chân nếu không nhìn thấy rõ.
 
Việc kiểm tra bao gồm cả những kẽ chân, kẽ móng chân xem có vết xước, vết chai sạn, vết rộp hay không…Kiểm tra da có bị khô nứt, bị đỏ, nóng hay bị căng khi sờ bất cứ vùng nào của bàn chân.

Kiểm tra sự phát triển của móng chân có bất thường, móng có quặp vào trong hay không.
 
Vệ sinh bàn chân sạch sẽ để tránh nhiễm khuẩn. Dùng xà phòng nhẹ và nước ấm để rửa chân mỗi ngày, chú ý lau thật khô, nhẹ nhàng, không cọ xát mạnh.
Nếu da quá khô có thể sử dụng các loại kem giữ ẩm da, đặc biệt chú ý vùng gót chân, không thoa lên kẽ chân.
H4 Kiểm tra, chăm sóc bàn chân cần được chú ý ở bệnh nhân đái tháo đường
Kiểm tra, chăm sóc bàn chân cần được chú ý  ở bệnh nhân đái tháo đường
 

Cắt móng tay, móng chân thường xuyên. Chú ý cắt móng thẳng ngang, tránh cắt quá sát phần da và không cắt vào khóe móng.

Luôn mang giày dép để tránh dẫm lên các vật sắc nhọn. Không nên mang dép kẹp vì có thể gây loét ở giữa ngón cái và ngón thứ hai.

Tránh mang giày quá chật vì dễ gây các vết phồng rộp ở da; luôn mang vớ khi cần phải mang giày để tránh phồng chân.

Cần kiểm tra giày trước khi mang để đảm bảo không có bất cứ vật nào trong giày như cát bụi, côn trùng… có thể gây tổn thương đôi chân.

Có một số cơ ở làm giày y khoa  theo đặc điểm bàn chân, điều này sẽ tránh được việc trầy xước bởi các vết chai sần, độ lồi của bàn chân người bệnh .

Không ngồi bắt chéo chân quá lâu.

Cử động ngón chân trong 5 phút 2-3 lần trong ngày. Đi bộ, đạp xe đạp ngày 30 phút, tuần 3 - 5 ngày tùy điều kiện  sức khỏe bệnh nhân.

Khi bị các tổn thương da hay có cục chai sần bàn chân không tự xử lý tại nhà mà phải đến cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị và hướng dẫn chăm sóc để tránh biến chứng nặng hơn.

Có như vậy bệnh nhân đái tháo đường mới có thể tránh được biến chứng viêm loét bàn chân, nguy cơ dẫn đến cắt cụt chi.


 

Tác giả bài viết: KHẮC PHƯƠNG - BVQT Minh Anh

Tổng điểm nội dung là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá

  Ý kiến khác

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Bạn cần hỗ trợ?