BỆNH VIỆN QUỐC TẾ MINH ANH

https://www.minhanhhospital.com.vn


Bảo quản thức ăn - cái chạn - tủ lạnh

Thực phẩm được lưu trữ là những thực phẩm tươi sống hay đã chín. Nếu trữ không đúng cách có thể bị biến thành chất độc gây nguy hại cho sức khỏe.
Bảo quản thức ăn - cái chạn - tủ lạnh
"Cái chạn". Các con tôi không hình dung ra nó là cái gì. Giới trẻ 8x, 9x hầu như không biết vật dụng này, dù rằng nó là vật rất thân thiết và gắn bó với nhiều thế hệ gia đình người Việt Nam.
Cái chạn hay chạn bát, chạn bếp - tên gọi thôi cũng hiểu rằng nó được đặt ở đâu rồi. Chạn là cái tủ đựng đồ ăn, chức năng của nó giống như cái tủ lạnh ngày nay, chỉ là không trữ lạnh được.
Ở thành phố, cái chạn còn được  gọi là gạc-măng-giê ( garde manger) được đóng bằng gỗ, nông thôn người ta làm bằng tre,  dùng để cất giữ thức ăn, có một ngăn riêng đóng lưới ngăn ruồi, nhặng, chuột, bọ.
"Cái chạn nhà tôi được mẹ mua ở Ô Chợ Dừa thuê xích lô chở về. Chạn được đóng bằng gỗ, sơn xanh khá đẹp mắt. Tầng trên cùng được gắn lưới sắt mắt nhỏ, thoáng mát, cánh cửa có khóa gỗ xoay ngang khá cẩn thận. Tầng giữa có ngăn úp bát, tầng dưới cùng là nơi đựng tương cà mắm muối...
Mẹ tôi thường cất vào ngăn trên cùng của chạn liễn mỡ, hũ đường, lọ muối vừng và chút đồ ăn còn dở như vài miếng tóp mỡ, ít đậu sốt cà chua, niêu cá kho... Anh em tôi đi học về thường lấy cơm nguội trong nồi, lục chạn ăn với thức ăn còn thừa."
(Trích "Cái chạn bát trong miền ký ức" - Vy Anh)
 
Dần dần cái chạn trong mỗi gia đình được thay thế  bằng những chiếc tủ lạnh tiện nghi sang trọng. Ai đi đầu về, hầu như động thái đầu tiên là mở tủ lạnh  lấy chai nước mát lạnh ra giải khát.
 
Tủ lạnh hết sức quen thuộc, nhưng không phải người nào cũng sử dụng đúng cách , nhất là trong việc bảo quản thức ăn. Không ít người cứ nghĩ đồ mua về hay đồ ăn thừa bỏ vào tủ lạnh là xong.
 
Để sử dụng hiệu quả tủ lạnh, bảo quản tốt thức ăn, bảo vệ sức khỏe, những lưu ý sau đây rất cần được chúng ta tham khảo.
 
Thời tiết oi bức, nắng nóng mùa hè là nguyên nhân khiến thực phẩm dễ bị ôi thiu gây nên nhiều trường hợp bị ngộ độc thực phẩm. Do vậy thực phẩm đã qua chế biến, vừa sử dụng xong cần phải đun sôi trở lại, để nguội rồi bỏ vào tủ lạnh, không được để ở ngoài ở nhiệt độ bình thường quá 2 giờ.
Với thực phẩm tươi sống, khi  mua về cần được sơ chế ngay và để vào tủ lạnh. Khi trữ đông các thực phẩm cần cho vào các hộp chuyên dụng giúp cho các loại mùi thức ăn không bị ám vào nhau.
Cần phân loại thức ăn theo thời gian. Những thức ăn có hạn sử dụng hết trước nên được bỏ ra phía cửa tủ, để bạn không bị quên và quá hạn sử dụng, gây lãng phí thực phẩm.
Nhãn thức ăn có thể là tên loại thức ăn, cách chế biến ngon hoặc thậm chí là ngày hết hạn. Ghi nhãn thức ăn sẽ giúp bạn dễ phân loại, sắp xếp và sử dụng thực phẩm hơn.
Dọn dẹp tủ lạnh ít nhất 1 lần trong mỗi tuần để đảm bảo sự sạch sẽ và gọn gàng của tủ. Điều này sẽ hạn chế vi khuẩn cũng như mùi hôi phát sinh bên trong tủ, giúp thực phẩm được bảo vệ tốt hơn.
Thực phẩm đã lấy ra khỏi ngăn đông đá thì phải dùng luôn. Đã rã đông rồi lại cho vào ngăn đông đá là một trong các lý do hàng đầu gây nhiễm độc thực phẩm.
Phần lạnh nhiều nhất trong ngăn mát tủ lạnh là mặt kính sát với ngăn rau củ, đây là nơi có nhiệt độ thấp nhất. Do đó, đây cũng là nơi thích hợp cho những món ăn dễ hư như thịt, cá. Ngăn gần với phần đông đá nhất là nơi dành cho các món ăn chỉ cần nhiệt độ “mát” như sữa chua, bánh ngọt.
Hộc tủ dưới cùng là khu vực dành riêng cho rau củ. Nên loại bỏ phần lá xanh không cần dùng của nhiều loại rau củ, như cà rốt, củ cải, su hào... trước khi cho vào ngăn này. Rau củ nên được bao bọc, đặc biệt bằng vải thưa thấm chút nước hay giấy nhựa loại có đục lỗ li ti thì tốt nhất.
Ngăn trên cùng của cửa tủ lạnh là nơi để phù hợp của các món ăn cần nhiệt độ thấp nhưng không được đông cứng như trứng, bơ, mứt. Ngăn kế tiếp phía dưới là nơi phù hợp cho gia vị, cà phê với điều kiện là thực phẩm được bảo quản trong hộp, lon... đậy thật kín.
Do ngày nay thực phẩm không phải hiếm nhưng một số gia đình thường mua quá nhiều thực phẩm và tích trữ vào tủ lạnh điều này khiến cho các thực phẩm hao hụt các dưỡng chất và vitamin.
Chỉ nên dự trữ vừa đủ, không để thực phẩm quá lâu trong tủ lạnh. Có điều kiện thì vẫn nên mua thêm các thức ăn tươi để bổ sung cho bữa ăn hàng ngày... Nhiều nghiên cứu cho thấy thịt, cá để trong tủ lạnh càng lâu càng dễ biến chất, giảm hàm lượng dinh dưỡng và sinh ra nhiều chất gây hại cho sức khỏe người dùng.
 
Để kết thúc bài này, xin tiếp tục hoài niệm cùng bài viết của bạn Vy Anh
 
" Đôi khi ngồi hàn huyên với nhau, chúng tôi lại tự hỏi: Ngày ấy sao chúng ta không cần tủ lạnh nhỉ? Đơn giản thôi, bởi đồ ăn làm gì có nhiều như bây giờ mà cất. Các bà mẹ luôn tính toán để thức ăn vừa hết trong ngày. Hầu như không có thức ăn nào lưu cữu quá 2 ngày.
Thức ăn để trong chạn, đóng cửa lại thì mèo, chuột không vào được nhưng lũ kiến vẫn kéo đàn vào đánh chén. Để khắc phục việc này, các nhà thường kê 4 cái chân chạn lên 4 cái bát mẻ đổ ngập nước pha dầu luyn. Thế là kiến đành chịu thua.
Thời gian trôi, giờ đây những loại tủ lạnh hiện đại, to đẹp đã thay thế cho chiếc chạn bát năm nào. Nhưng tôi tin, bất cứ ai đã từng sống qua một thời xa xưa ấy đều không thể quên chiếc chạn bát “thần thánh”. Đó không chỉ là nơi cất giữ thức ăn, bát đũa... mà còn thể hiện sự vén khéo, tình yêu thương của những người mẹ dành cho cả gia đình."
 

Nguồn tin: Minh Anh tổng hợp

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Bạn cần hỗ trợ?