Hội chứng rối loạn tiêu hóa
- Thứ sáu - 07/01/2022 11:11
- In ra
- Đóng cửa sổ này
1.Rối loạn tiêu hóa có nguy hiểm không?
Rối loạn tiêu hóa là biểu hiện của sự xáo trộn quá trình tiêu hóa trong cơ thể. Tuy không phải là một bệnh lý nhưng lại là hậu quả của một số nguyên nhân nhất định và nếu tình trạng này kéo dài và không được chữa trị đúng cách thì người bệnh rất có thể sẽ mắc phải các chứng bệnh liên quan đến tiêu hóa, trong đó điển hình là ung thư đường ruột.
2.Ai dễ bị rối loạn tiêu hóa?
Rối loạn tiêu hóa là vấn đề về sức khỏe thường gặp ở tất cả các độ tuổi. Tuy nhiên những người mắc các bệnh lý về hệ tiêu hóa như bệnh lý về gan, dạ dày, viêm đại tràng cấp tính, viêm ruột; tiểu đường dễ bị rối loạn tiêu hóa hơn người có sức khỏe tốt.
Thói quen sinh hoạt không đảm bảo khoa học, ăn uống không hợp lý, thường xuyên sử dụng rượu bia, lạm dụng thuốc kháng sinh; Tâm lý căng thẳng, thường xuyên lo lắng, áp lực cũng ảnh hưởng đến hoạt động co bóp của nhu động ruột, ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa thức ăn… cũng là những yếu tố làm tăng nguy cơ rối loạn tiêu hóa.
3. Những triệu chứng rối loạn tiêu hóa
Sẽ có những cơn đau bụng lâm râm, quặn từng cơn hay thậm chí là đau dữ dội là các biểu hiện thường thấy của rối loạn tiêu hóa. Cơn đau có thể liên tục, âm ỉ suốt ngày hoặc co thắt từng đợt. Cơn đau có thể xảy ra ở vùng bụng trên, vùng dạ dày, vùng bụng dưới. Ban đầu nhẹ, sau đó lan rộng và nặng hơn, đặc biệt là sau khi ăn đồ cay nóng, đồ chua hoặc bị ngộ độc thực phẩm.
Sình bụng, đầy hơi là một trong những triệu chứng điển hình của rối loạn tiêu hóa: luôn cảm thấy bụng căng, khó chịu đặc biệt là sau khi ăn xong. Thức ăn không được tiêu hóa hết, ứ đọng trong ống tiêu hóa gây nên tình trạng này Các rối loạn tại dạ dày và tá tràng thường gây nên tình trạng ợ hơi, ợ nóng, đắng hoặc hôi miệng, buồn nôn, nôn mửa.
Triệu chứng nặng của rối loạn tiêu hóa cấp tính là hiện tượng bị tiêu chảy. Người bệnh sẽ cảm thấy rất mệt mỏi do cơ thể bị mất chất dinh dưỡng và mất nước. Trong trường hợp này, tốt nhất là bổ sung nước và đến cơ sở y tế để được chăm sóc và điều trị.
Cảm thấy đau bụng từng cơn, lúc thì táo bón, lúc lại bị tiêu chảy nhiều lần trong ngày hoặc tính chất phân thay đổi.
Chán ăn: Khi bị các vấn đề về tiêu hóa, bệnh nhân thường có cảm giác đắng miệng, không muốn ăn uống gì.
4. Những nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa
Do thực phẩm bị nhiễm bẩn, nhiễm độc: là nguyên nhân thường thấy gây rối loạn tiêu hóa cấp tính, tức là sau khi bị và được điều trị, hệ tiêu hóa hồi phục lại trạng thái ban đầu.
Do chế độ và thói quen ăn uống không hợp lý: ăn uống quá nhiều chất béo, chất đạm hoặc tinh bột, trong khi lại ăn ít rau củ quả, sẽ rất dễ bị rối loạn tiêu hóa. Ăn không đúng bữa, ăn thức ăn để lâu ngày sẽ dẫn đến tình trạng đầy hơi, trướng bụng, ọc ạch khó chịu. Ngoài ra, ở một số người có thói quen ăn quá nhanh, vừa ăn vừa làm việc, xem tivi, ăn quá nhiều gia vị cũng có thể gây ra tình trạng rối loạn tiêu hóa.
Do dùng thuốc kháng sinh: dùng quá nhiều thuốc kháng sinh hoặc dùng kháng sinh tùy tiện và lạm dụng làm mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột. Thuốc kháng sinh cũng rất dễ gây phản ứng phụ là tiêu chảy, đặc biệt đối với trẻ nhỏ. Hoặc dùng kháng sinh liều cao kéo dài cũng dễ gây tiêu chảy, nặng hơn được gọi là viêm đại tràng giả mạc. Do vậy, không được tự ý uống thuốc kháng sinh, khi chưa có đơn thuốc, chỉ định của bác sĩ.
Do uống nhiều rượu, bia: lượng cồn trong rượu, bia làm tăng khả năng co bóp của dạ dày, acid dịch vị cũng tiết ra nhiều hơn, gây mất cân bằng trong hệ sinh thái vi sinh đường ruột. Dẫn đến tình trạng chướng bụng, đầy bụng, buồn nôn, nôn, thậm chí không ăn uống được, rối loạn đại tiện vào ngày hôm sau.
Do liên quan đến một số bệnh lý:
Có thể đến từ các vấn đề sức khỏe như bệnh gan mật, hội chứng trào ngược dạ dày - thực quản, hội chứng dạ dày - tá tràng, viêm ruột, viêm đại tràng cấp, mãn tính… Đặc biệt là dấu hiệu liên quan đến bệnh lý về gan: khi chức năng gan suy giảm, nhiễm độc hoặc mắc bệnh lý sẽ không thể thực hiện tốt các vai trò của mình, đặc biệt là khả năng khử độc, giảm khả năng chuyển hóa và giảm tiết mật gây rối loạn tiêu hóa với các biểu hiện: táo bón, chán ăn, mệt mỏi, ợ hơi, khó tiêu.
5. Cách phòng tránh rối loạn tiêu hóa
Để giúp hệ tiêu hóa ổn định và cân bằng, phòng tránh rối loạn tiêu hóa. Chúng ta cần thực hiện ăn chín, uống sôi, tránh ăn thức ăn đã để nhiều giờ hoặc đã để qua đêm mà không được bảo quản cẩn thận, hạn chế ăn thức ăn chế biến sẵn ngoài đường phố, những nơi không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thực phẩm dùng hàng ngày cần có nguồn gốc rõ ràng, chọn mua thực phẩm còn tươi mới, có màu sắc tự nhiên, không nên mua các loại thực phẩm có màu sắc quá khác biệt (rau quá xanh, thịt quá thẫm màu,…)
Xây dựng chế độ ăn uống điều độ, không nên ăn quá nhiều bữa, quá no, nên ăn nhiều rau xanh, củ quả, tránh lạm dụng rượu cùng các chất kích thích khác. Uống đủ nước và duy trì một chế độ tập luyện mỗi ngày cũng là cách tốt để chúng ta có một hệ tiêu hóa khỏe mạnh.
Rối loạn tiêu hóa tuy thường gặp nhưng không nên chủ quan. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, tâm lý, thậm chí sẽ dẫn đến nhiều bệnh nguy hiểm. Vì thế, nếu có các dấu hiệu bất thường của quá trình tiêu hóa hãy đến BVQT Minh Anh với đầy đủ trang thiết bị hiện đại, đội ngũ BS chuyên khoa tiêu hóa tận tâm - giỏi nghề sẽ giúp chẩn đoán - điều trị và xử lý những rắc rối về sức khoẻ của bạn và người thân...