Bác sĩ chỉ ra những sai lầm phổ biến khi cho trẻ uống thuốc

Thứ hai - 03/04/2023 14:19
Thuốc dành cho trẻ em giúp điều trị hoặc kiểm soát các vấn đề sức khỏe con trẻ, vì vậy khi dùng phải đảm bảo an toàn. Tuy nhiên trong thực tế có những lỗi khá phổ biến dẫn đến ‘lợi thành hại’, đặc biệt là liều lượng.
bs nguyen thi bich thuy
BSCKI. NGUYỄN THỊ BÍCH THỦY
Trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện Quốc tế Minh Anh

Pha sai tỷ lệ oresol khiến trẻ tử vong

Đó là ca bệnh của một bé trai 15 tháng tuổi ở Vĩnh Phúc tử vong do co giật, tổn thương não, vì uống oresol sai cách khi điều trị tiêu chảy. Báo chí trong nước đưa tin về ca bệnh này kèm theo lời cảnh tỉnh khi dùng thuốc chữa bệnh cho trẻ. Uống oresol bù nước do tiêu chảy là việc cần làm, nhưng trong trường hợp này bệnh không thuyên chuyển mà nguy kịch hơn. Qua khai thác từ gia đình người bệnh cho thấy bé trai này bị tiêu chảy, đi ngoài liên tục 30 phút/lần. Chuyện bắt đầu bằng việc sợ mất nước, gia đình đã pha oresol quá đậm và ép con uống hết. Hậu quả xuất hiện tình trạng sốc, co giật, vào viện não đã tổn thương.

Các bác sĩ phát hiện, cha mẹ đã pha dung dịch oresol quá đậm, không đúng tỉ lệ khuyến cáo. Một gói oresol được hướng dẫn pha với 200ml nước đun sôi để nguội nhưng người nhà lại  pha trong 50ml nước. Đây là nguyên nhân khiến hàm lượng muối trong máu tăng vọt, gây sốc, co giật, tổn thương não... và đã không thể qua khỏi. Trước đó, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai từng gặp các ca bệnh tương tự, do trẻ uống oresol được pha quá đậm đặc. Đó là bé 8 tháng tuổi vào viện trong tình trạng tiêu chảy cấp, trẻ lơ mơ, ngủ nhiều, rối loạn ý thức, li bì, mất nước nặng.

Theo phụ huynh bệnh nhi này, con họ bị tiêu chảy, biết phải uống oresol bù nước nhưng không làm sao ép con uống được nhiều, mỗi lần vài ba thìa nhỏ gây sốt ruột. Vì thế, gia đình đã pha ít nước lại, mong con uống được cả gói để... bù nước.

Những sai lầm cần tránh khi cho con trẻ uống thuốc

Đây là những sai lầm phổ biến nhưng dễ tránh, vì vậy các bậc cha mẹ nên tham khảo, nắm chắc, đặc biệt là về liều lượng khi dùng thuốc cho trẻ. Nếu cho trẻ uống nhầm thuốc hoặc có sự cố xảy ra, hãy gọi ngay cho cấp cứu hoặc đưa trẻ đến phòng cấp cứu gần nhất càng sớm càng tốt.

1. Không tuân theo lịch trình dùng thuốc

Bác sĩ nhi khoa thường khuyến cáo lịch trình dùng thuốc, lượng thuốc trong khung thời gian chính xác để thuốc phát huy tác dụng mà không gây tác dụng phụ. Nếu không theo lịch trình, các liều thuốc quá gần nhau hoặc cho con dùng nhiều liều hơn mức an toàn trong 24 giờ là rất nguy hiểm.

2. Vô tình lặp lại liều lượng

Do quên thời điểm cho trẻ uống thuốc, hoặc bỏ liều nên khi dùng đã tăng liều gấp đôi. Nên viết ra giấy để theo dõi nhằm tránh uống quá nhiều trong một khoảng thời gian ngắn hoặc vượt quá số liều tối đa mỗi ngày. Nếu quên uống liều trước đó, thì đừng cho trẻ “truy lĩnh” uống tăng gấp đôi liều để bù phần đã bỏ qua.

3. Không kiểm tra liều lượng thuốc mới

Khi cho trẻ dùng một loại thuốc mới, đừng nghĩ liều lượng giống với thuốc cũ, chẳng hạn như thuốc kháng sinh. Luôn kiểm tra và đọc nhãn thuốc để biết liều lượng chính xác khi dùng thuốc mới.

4. Sử dụng thuốc sai mục đích

Nếu cho trẻ uống thuốc ngoài mục đích được chỉ định có thể gây ra những hậu quả không lường trước, nguy hiểm tới tính mạng. Ví dụ, một số cha mẹ cho trẻ uống Benadryl hoặc một loại thuốc tương tự để làm trẻ buồn ngủ trước khi lên máy bay hoặc đi một chuyến ô tô dài, nhưng loại thuốc này có thể khiến một số trẻ tăng động hơn thay vì buồn ngủ.

Vì hóa chất cơ thể của mỗi người là khác nhau nên không thể dự đoán được phản ứng bất lợi.Thuốc kháng sinh có vẻ an toàn để tái sử dụng, nhưng có hàng chục loại kháng sinh cho các cho các loại bệnh khác nhau. Cho trẻ dùng sai thuốc kháng sinh sẽ không giúp trẻ khỏi bệnh mà còn làm tăng nguy cơ kháng thuốc trong tương lai.

5. Chỉ dùng thuốc theo độ tuổi

Thông tin về liều lượng thuốc dùng cho trẻ em trên nhãn thường bao gồm cả độ tuổi lẫn cân nặng. Điều quan trọng, ngoài độ tuổi phải dùng liều chính xác dựa trên cân nặng. Chỉ dựa vào độ tuổi, thì khi trẻ nhẹ cân so với tuổi mà dùng liều quá cao có thể gây ra tác dụng phụ. Hoặc dùng liều quá thấp cho trẻ nặng cân hơn so với tuổi sẽ hạn chế tác dụng của thuốc.

6. Bỏ qua hướng dẫn bảo quản thuốc

Một số loại thuốc cần được bảo quản trong tủ lạnh để phát huy hiệu quả trong khi những loại thuốc khác nên được bảo quản ở nhiệt độ phòng. Một số loại thuốc nên uống cùng với thức ăn để tránh buồn nôn trong khi những loại thuốc khác lại uống khi đói. Luôn đọc và làm theo hướng dẫn để bảo quản thuốc đúng cách để duy trì hiệu quả thuốc khi sử dụng.

7. Quên kiểm tra nhãn

Điều này phổ biến hơn đối với cha mẹ có con dùng nhiều loại thuốc hoặc cha mẹ có nhiều con dùng nhiều loại thuốc khác nhau. Trước khi cho bất kỳ đứa trẻ nào uống thuốc, hãy đọc kỹ nhãn để dùng đúng chủng loại. 
 

Tác giả bài viết: BVQT Minh Anh

Tổng điểm nội dung là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá

  Ý kiến khác

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Bạn cần hỗ trợ?