Đại cương về hạ thân nhiệt
Hạ thân nhiệt là tình trạng thường xảy ra ở trẻ sơ sinh đẻ non, người già có bệnh lý nền nhiễm lạnh, đuối nước hoặc bệnh lý toàn thân, bệnh thần kinh hay thiểu năng giáp ức chế trung tâm điều hòa nhiệt độ. Hạ hay giảm thân nhiệt được định nghĩa là nhiệt độ cơ thể dưới 35 °C (95 °F).
Các triệu chứng phụ thuộc vào nhiệt độ, nhẹ thì run rẩy và rối loạn tâm thần, vừa thì lú lẫn và nếu nghiêm trọng, có thể có tự cởi quần áo nghịch lý, khiến tăng nguy cơ ngừng tim.
Hạ thân nhiệt trung bình hay nặng thường xảy ra ở những nhiệt độ dưới 32,2 độ C. Khi nhiệt độ dưới bình thường, cơ thể không còn khả năng sinh đủ nhiệt để hoạt động hiệu quả. Ở người cao tuổi, khả năng kiểm soát và điều chỉnh nhiệt độ cơ thể bị giảm đi so với người trẻ tuổi. Ngoài ra còn lý do dinh dưỡng kém, có bệnh lý nền mạn tính và dùng nhiều loại thuốc nên dễ bị tổn thương khi trời lạnh. Cũng có trường hợp do uống quá ít nước và dễ mất nước, ăn mặc không đủ ấm và tiết kiệm mua thiết bị sưởi ấm.
Ở trẻ em, thường là sơ sinh đẻ non còn những người già bị đau nặng như viêm phổi hay suy thận, mắc bệnh tim mạch không ổn định là nhóm có nguy cơ bị hạ nhiệt cao hơn. Nhóm người dùng ma túy hay uống rượu, chấn thương không chăm sóc thích hợp cũng dễ bị hạ thân nhiệt.
Riêng nhóm cao niên do sức khỏe kém nên cơ thể ít đáp ứng với những thay đổi nhiệt độ ở da và trung tâm, dẫn đến phản ứng run lạnh được bắt đầu ở một nhiệt độ thấp hơn. Run lạnh nơi người già là do không phát sinh lượng nhiệt bình thường làm cho sự mất hay nhận nhiệt xảy nhanh hơn. Ngoài ra, tốc độ chuyển hoá cũng chậm hơn nên nhiệt bị tổn thất cao hơn và cuối cùng dẫn đến dễ mắc bệnh hơn.
Triệu chứng và cách chẩn đoán ?
Rét run lúc đầu, nhưng chấm dứt ở dưới mức 31°C, cho phép nhiệt độ cơ thể giảm nhanh hơn. Rối loạn chức năng thần kinh trung ương tiến triển khi thân nhiệt giảm, cơ thể không cảm thấy lạnh trước khi xuất hiện triệu chứng lẫn lộn, kích thích, ảo giác và hôn mê. Đồng tử không phản xạ, nhịp tim chậm và cuối cùng ngừng thở do ngưng tim.
Chẩn đoán hạ thân nhiệt gồm đo nhiệt độ trung tâm (core temperature) của cơ thể, xem xét nhiễm độc, phù niêm, nhiễm khuẩn huyết, hạ đường huyết và chấn thương. Chẩn đoán tốt nhất là đo nhiệt độ trung tâm thay vì nhiệt độ ở miệng. Nên dùng nhiệt kế điện tử đo ở trực tràng và thực quản sẽ có độ chính xác cao.
Các xét nghiệm bao gồm công thức máu, glucose, điện giải đồ, ure máu, creatinin và khí máu, đo điện não đồ (EEG)... Nếu nguyên nhân không rõ ràng, các xét nghiệm để phát hiện các yếu tố góp phần được thực hiện, bao gồm đo nồng độ cồn và sàng lọc các loại thuốc và chức năng tuyến giáp. Nhiễm khuẩn và chấn thương sọ não hoặc chấn thương xương phải được xem xét.
Điều trị hạ thân nhiệt và cách phòng tránh
Điều trị hạ thân nhiệt nhẹ gồm dùng đồ uống ấm, mặc quần áo ấm và hoạt động thể chất. Ở nhóm bị hạ thân nhiệt vừa phải, nên dùng chăn sưởi và truyền dịch ấm. Những người bị hạ thân nhiệt vừa hoặc nặng nên di chuyển nhẹ nhàng. Trong trường hợp nghiêm trọng, oxy hóa màng ngoài cơ thể (ECMO) hoặc bắc cầu tim phổi có thể hữu ích. Ở những người không có mạch, hồi sức tim phổi (CPR) được chỉ định cùng với các biện pháp trên. Làm ấm lại thường được tiếp tục cho đến khi nhiệt độ của một người lớn hơn 32 °C (90 °F). Nếu không có sự cải thiện tại thời điểm này hoặc mức kali trong máu lớn hơn 12 mmol/lít bất cứ lúc nào, có thể ngừng hồi sức.
Về phòng ngừa cần sưởi ấm thích hợp và tránh tiếp xúc với lạnh. Duy trì nhiệt độ phòng ở mức 24 độ C. Nên lắp nhiệt kế phòng , dùng hệ thống sưởi có hiệu quả, khép kín các cửa nhà. Nên duy trì độ ẩm phòng, tránh không khí quá khô khiên hô hấp khó khăn, nhưng cũng nên tránh không khí quá ẩm ướt. Nghiêm cấm sử dụng máy sưởi chạy bằng dầu hỏa, đốt than vì tạo ra nhiều khí carbon monoxide (CO) gây nguy hiểm. Ngoài ra cũng nên mặc quần áo đủ ấm và thoải mái để tránh mất nhiệt, nhưng không gây khó khăn trong sinh hoạt.
Ngoài mặc đủ ấm thì cần ăn uống đầy đủ vào buổi sáng, không nên bỏ bữa sáng . Ban đêm khi đi ngủ, cần có chăn nệm đủ ấm, đi tất chân và duy trì nhiệt độ phòng đủ ấm …
Người gia, trẻ em nên uống đủ lượng nước trong mùa đông, uống 6-8 ly nước ấm một ngày, ngay cả khi không cảm thấy khát nước. Tránh đồ uống có cồn, caffeine, ăn nhiều bữa trong ngày. Chủ động vận động thích hợp để tăng lưu lượng máu và tăng nhiệt độ cơ thể, kể cả hoạt động trong phòng.
Trường hợp người cao tuổi sống một mình thì nên tự chăm sóc cho bản thân như ăn uống đầy đủ, mặc ấm. Nên giữ liên lạc thường xuyên với gia đình, bạn bè, hàng xóm. Nếu sống một mình cần đăng ký các chi tiết cá nhân với các tổ chức quản lý người cao tuổi để khi cần có thể được theo dõi thường xuyên nhất là khi trái gió trở giời, thời tiết lạnh.
Tác giả bài viết: BVQT Minh Anh
Ý kiến khác