Bệnh hiếm gặp khiến trẻ nhỏ cũng có thể bị liệt

Thứ ba - 21/02/2023 13:22
Theo y văn thế giới, hiện có bệnh lý hiếm gặp, tỷ lệ mắc khoảng 1/1 triệu người. Đó là căn bệnh Transverse myelitis (viêm tủy ngang) hay TM. Bệnh gây tổn thương vận động, cảm giác của cơ thể do vùng tủy đó đảm nhận dẫn đến liệt bất ngờ, nặng có thể gây tử vong.
bsck2 nguyen thi ngoc bich
BSCKII. NGUYỄN THỊ NGỌC BÍCH
Giám đốc Y khoa Bệnh viện Quốc tế Minh Anh

Bé gái 7 tuổi Việt Nam bất ngờ liệt tứ chi vì bệnh TM

Theo nguồn tin trong nước, đầu tháng 1/2023 , BV Nhi đồng 1 (TPHCM) đã tiếp nhận và  điều trị cho một bệnh nhi mắc phải căn bệnh hiếm gặp nói trên, rất may qua khỏi và kịp về nhà đón Tết Nguyên đán.

Chuyện bắt đầu sau khi sốt nhẹ và đau thắt lưng, bé gái 7 tuổi bất ngờ liệt tứ chi, không thể tự thở, phải chuyển tới bệnh viện cấp cứu. Đó là bé N.H.D. (7 tuổi, quê Bình Định) hoàn toàn khỏe mạnh, bị  sốt nhẹ, và kêu đau thắt lưng, tay chân. Sau đó tình trạng yếu tứ chi tăng dần.Thời điểm nhập viện, bé liệt tứ chi, sức cơ 0/5, không tự thở được, phải đặt nội khí quản. Xét nghiệm và chụp MRI cho thấy bệnh nhi có tình trạng viêm tủy kéo dài nhiều đốt xương, lý do gây liệt tứ chi và cơ hoành.

Bé được điều trị corticoid liều cao và thở máy. Nhưng sau 19 ngày tình trạng vẫn không cải thiện, bé được chuyển vào khoa Hồi sức Nhiễm. Ekip điều trị quyết định thay huyết tương và sau 3 tuần điều trị với tổng cộng 5 lần thay huyết tương cùng hỗ trợ hô hấp, kháng viêm steroid, dinh dưỡng và điều trị nhiễm khuẩn, bé đã rút được ống thở và sức cơ tứ chi hồi phục dần, sau đó chuyển sang luyện tập  hồi phục cơ. Nhờ sự nỗ lực và kiên cường, quá trình luyện tập của bé đã đạt kết quả và tiến triển tích cực.

Bệnh viêm tủy ngang là gì ?

Theo trang tin y học Hopkinsmedicine (Mỹ), viêm tủy ngang (TM) là chứng rối loạn do viêm tủy sống với các đặc trưng bởi các triệu chứng và dấu hiệu rối loạn chức năng thần kinh ở các vùng vận động và cảm giác ở cả hai bên của tủy sống.

Bệnh TM dường như không mang tính di truyền, có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào, lứa tuổi nào. Nhưng tập trung ở nhóm người trong độ tuổi từ 10 đến 19 và từ 30 đến 39 tuổi. Khoảng 25% trường hợp ảnh hưởng đến trẻ em. Có bốn triệu chứng cổ điển của viêm tủy ngang: yếu ở cánh tay/chân; các triệu chứng cảm giác như tê hoặc ngứa ran, đau và khó chịu,  rối loạn chức năng bàng quang hoặc các vấn đề về nhu động ruột. Sự phân bố của các triệu chứng đó có thể đối xứng hoặc không đối xứng ảnh hưởng đến chân, tay hoặc cả hai.

Từ ngang (transverse) là nói về rối loạn chức năng ở một cấp độ cụ thể trong tủy sống, tuy nhiên thuật ngữ này có thể gây hiểu lầm vì không phải lúc nào cũng có tổn thương giải phẫu hoàn toàn trên tủy sống, mà là viêm khu trú có thể tạo ra rối loạn chức năng tủy sống không đối xứng dưới mức bị ảnh hưởng trong khi chức năng ở trên mức độ như vậy là bình thường. Vì vậy, thuật ngữ viêm tủy (myelitis) đi kèm thường có ý nghĩa chủ đạo hơn.

Nguyên nhân gây TM

Nguyên nhân của 60% các trường hợp TM vẫn chưa được biết mặc dù có sự hiện diện của các cơ chế viêm. Tuy nhiên, 40% còn lại có liên quan đến các rối loạn tự miễn dịch như bệnh đa xơ cứng, viêm dây thần kinh thị giác, bệnh lupus ban đỏ hệ thống, hội chứng Sjogren và bệnh sacoit. Thuật ngữ vô căn (idiopathic) có nghĩa, không rõ nguyên nhân, đã được sử dụng trong quá khứ trong các tình huống không thể xác định được nguyên nhân. Tuy nhiên, việc không chứng minh được rối loạn, cơ chế hoặc tác nhân gây bệnh có thể là kết quả của việc chẩn đoán sớm không thành công hoặc là kết quả của các yếu tố gây bệnh biến mất nhanh chóng, chẳng hạn như trong các trường hợp nhiễm virus hoặc rối loạn sau nhiễm trùng.

Biểu hiện của bệnh TM

Các triệu chứng của viêm tủy ngang có thể phát triển trong vòng vài giờ hoặc vài ngày (khởi phát đột ngột) hoặc trong 1-4 tuần. Các triệu chứng của TM có xu hướng xảy ra tại hoặc bên dưới vùng tủy sống bị tổn thương. Ví dụ, nếu vùng tủy sống bị tổn thương nằm ở lưng giữa bên dưới cánh tay, thì chân và khả năng kiểm soát bàng quang/ruột của bạn có thể sẽ bị ảnh hưởng, nhưng cánh tay thì không. TM thường ảnh hưởng đến cả hai bên cơ thể , nhưng đôi khi nó chỉ ảnh hưởng đến một bên (điều này phổ biến hơn ở những người mắc bệnh đa xơ cứng).

Vào thời điểm tồi tệ nhất, 50% người bị TM mất hoàn toàn cử động của chân, 80% đến 94% người bị tê hoặc cảm giác bất thường (ngứa ran hoặc châm chích) và hầu hết mọi người đều bị rối loạn chức năng bàng quang ở một mức độ nào đó. Cũng có trường hợp, các triệu chứng này cải thiện hoặc biến mất hoàn toàn sau khi điều trị, trong khi những người khác gặp các biến chứng vĩnh viễn.

3. Điều trị viêm tủy ngang thế nào?

Hiện chưa có phương thức điều trị hữu hiệu cho bệnh TM, các mục tiêu điều trị TM hướng tới:

·       Điều trị nguyên nhân, chẳng hạn như nhiễm trùng, nếu có.

·       Giảm viêm tủy sống .

·       Làm giảm hoặc giảm các triệu chứng, chẳng hạn như đau.

·       Quản lý các biến chứng lâu dài.

·       Điều trị gồm điều trị cấp tính (ngắn hạn) tình trạng viêm và nguyên nhân của nó cũng như kiểm soát lâu dài các biến chứng TM có thể gây ra.

Liệu pháp điều trị bắt đầu thường là kê toa Corticosteroids trong suốt những tuần đầu tiên.  Sau  đó  duy trì chức năng cơ thể người bệnh để hy vọng sự tự hồi phục hoàn toàn hoặc một phần của hệ thần kinh. Một số trường hợp phải dùng máy hô hấp để hỗ trợ hay phục hồi chức năng để ngăn ngừa hoặc giảm đau ở người bệnh tê liệt. Khi có các dấu hiệu phục hồi khả năng điều khiển các chi, liệu pháp vật lý được áp dụng để cải thiện sức khỏe của cơ, phối hợp với vận động.

Thực tế, có tới hơn 30% các trường hợp viêm tuỷ ngang không hồi phục và phải sử dụng xe lăn hay người trợ giúp các công việc thường ngày trong suốt quãng đời còn lại. Do đó, để bảo vệ sức khỏe và ngăn ngừa biến chứng là rất quan trọng. Để làm tốt điều này, người bệnh cần đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị khi có các triệu chứng bất thường.
 

Tác giả bài viết: BVQT Minh Anh

Tổng điểm nội dung là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá

  Ý kiến khác

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Bạn cần hỗ trợ?