Căng thẳng dưới góc nhìn của bác sĩ
Căng thẳng (stress) là thuật ngữ được nhắc nhiều gần đây khi nền kinh tế hội nhập, đổi mới. Rất đa dạng như áp lực cuộc sống, tiền bạc, mối quan hệ gia đình, bè bạn, công việc… cho đến thiên tai, dịch bệnh, và cả những lý do bất khả kháng ít ai ngờ tới. Căng thẳng ở mức hợp lý có thể là một điều tốt, tạo nên động lực và mang đến những lợi ích tích cực trong cuộc sống và công việc mà nhiều người cho rằng nó là chất xúc tác tăng tính cạnh tranh hữu dụng.
Căng thẳng theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là bất kỳ loại thay đổi nào gây ra căng thẳng về thể chất, cảm xúc hoặc tâm lý. Nó là phản ứng của cơ thể đối với trước bất cứ điều gì đòi hỏi sự chú ý hoặc hành động. Mọi người đều trải qua căng thẳng ở một mức độ nhất định, tuy nhiên, mỗi người lại phản ứng với căng thẳng khác nhau và tác động tổng thể sức khỏe cũng khác nhau.
Hầu hết chúng ta ít nhiều đều trải qua cảm giác căng thẳng và lo lắng khiến ta thấy thất vọng. Lo âu là một cảm giác sợ hãi, lo lắng hoặc không thoải mái, có thể xảy ra ở những người không thể xác định các yếu tố gây căng thẳng trong cuộc sống. Căng thẳng và lo lắng không phải lúc nào cũng mang ý nghĩa xấu. Ở chiều tích cực, nó giúp chúng ta vượt qua các thử thách hoặc tình huống nguy hiểm và có thêm kinh nghiệm, và là động lực để hoàn thành công việc. Tuy nhiên, ở chiều tiêu cực nếu “quá tải” sẽ hại nhiều hơn lợi, dấu hiệu bệnh lý và các vấn đề nghiêm trọng, cả thể chất lẫn tinh thần.
Bí quyết giúp giảm căng thẳng cuối năm, ngày Tết
Bất cứ ai đã từng trải qua cảm giác căng thẳng và lo lắng đều phải xem lại mọi thứ, thay đổi lối sống, tìm hiểu các yếu tố gây ra căng thẳng là điều cần làm trước tiên. Giữa bộn bề công việc, gia đình và các cam kết khác, đều có thể dẫn đến căng thẳng. Để loại bỏ các yếu tố kích hoạt căng thẳng, nên tìm ra nguyên nhân như công việc, tiền bạc, mối quan hệ gia đình, hôn nhân, con cái hay công sở… Nếu xác định được cụ thể hãy tìm cách “thoát” ra hoặc ít ra là giảm thiểu chúng.
Nếu không xác định nguyên nhân chính, hãy thử viết nhật ký. Ghi lại thời điểm lo lắng nhất và xem có phù hợp với khuôn mẫu nào, sau đó tìm cách loại bỏ hoặc giảm thiểu. Nên dành thời gian để thư giãn, nếu không sức khỏe tinh thần và thể chất bị ảnh hưởng. Ngoài ra cũng có thể áp dụng nhiều cách làm khác, như áp dụng chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh; ngủ đủ giấc; bố trí thời gian tập thể dục thường xuyên, kể cả khi Tết đến; thư giãn cơ bắp; sắp xếp thời gian thực hiện công việc, nhất là những thói quen sở thích. Khi stress, cơ bắp sẽ bị căng, có thể tự nới lỏng bằng cách thư giãn, mát xa, tắm nước nóng hoặc tắm vòi hoa sen, ngủ đủ, tập thở sâu…
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Hàn Quốc, trị liệu bằng hương thơm khi hít một số mùi hương, tinh dầu nhất định, các phân tử sẽ di chuyển từ dây thần kinh khứu giác đến não và ảnh hưởng đến hạch hạnh nhân, trung tâm cảm xúc của não. Liệu pháp mùi hương làm thay đổi sóng não và hành vi, giúp bạn thư giãn và dễ ngủ hơn. Ngoài ra, xoa bóp bằng dầu thơm kết hợp với hít hương tinh dầu giúp giảm các triệu chứng của căng thẳng như đau đầu, mệt mỏi và làm dễ chịu, dễ ngủ hơn.
Việc sử dụng rượu hoặc các chất kích thích để ngăn ngừa cảm giác căng thẳng và lo lắng nhất thời không được khuyến khích, thậm chí có thể dẫn đến tình trạng nghiện ngập nhất là vào dịp cuối năm vui vẻ, ăn uống lu bù… Nên dành thời gian cho sở thích, cố gắng làm điều gì đó mỗi ngày khiến bạn cảm thấy dễ chịu và điều đó sẽ giúp bạn giảm bớt căng thẳng. Không nhất thiết phải mất nhiều thời gian, thậm chí 15 đến 20 phút cũng có tác dụng. Đa dạng như đọc sách báo, nghe nhạc, thực hiện một dự án nghệ thuật, chơi gôn, xem phim, chơi với bạn bè, con cái…
Tuy chưa phải là hết nhưng cũng nên chấp nhận, mọi thứ không thể hoàn hảo cho dù cố gắng đến đâu. Chúng ta không thể kiểm soát hết mọi thứ trong cuộc sống của mình vì vậy hãy tự giúp mình và ngừng nghĩ có thể làm được rất nhiều. Và đừng quên duy trì khiếu hài hước, tiếng cười quả là “liều thuốc”, giúp chúng ta thấy thư giãn, dễ chịu và yêu đời hơn.
Tác giả bài viết: BVQT Minh Anh
Ý kiến khác