Cân nặng sơ sinh cao mừng hay lo?

Thứ ba - 18/04/2023 09:38
Thông thường, trẻ sơ sinh chào đời là niềm vui của mọi người trong gia đình, nhưng có ca sinh trẻ ra đời quá khổ khiến mẹ bầu trăn trở. Nhẹ cân hay thừa cân ở trẻ sơ sinh ẩn chứa những nguy cơ gì là câu hỏi của nhiều bậc cha mẹ quan tâm.
bs ho thi hai van (2)
Chuyên khoa Nội; Phụ sản
Phụ trách Phòng khám Phụ khoa
Bệnh viện Quốc tế Minh Anh

Đôi nét về "thai to quá mức"

Khi sinh, một trong những điều đầu tiên mọi người muốn biết, ngoài tên của em bé ra là cân nặng. Ngay cả trước khi em bé chào đời, cha mẹ có thể bắt đầu lo lắng về sự tăng trưởng và phát triển của bé khi còn trong bụng mẹ, đặc biệt khi biết sắp có một em bé phát triển to hơn bình thường ra đời.

Thuật ngữ "thai to quá mức" (fetal macrosomia) được sử dụng để mô tả trẻ sơ sinh lớn hơn nhiều so với mức trung bình. Hơn 9 trong số 10 trẻ sinh đủ tháng (37 đến 40 tuần) có cân nặng từ 2,5kg đến 4,5kg. Nếu từ 4,5kg trở lên khi mới sinh thì được gọi là lớn hơn bình thường. Điều này còn được gọi là  "thai to quá mức" hay lớn so với tuổi thai (LGA). Ngược lại, nếu dưới 2,5kg, thì được coi là nhỏ hơn bình thường.

Một trong những ca sinh nặng cân nhất ở Việt Nam là trường hợp bé trai vừa lọt lòng nặng 7,1 kg của  chị Nguyễn Thị Kim Liên (mẹ bé Trần Tiến Quốc) sinh ngày 14/10/2017, tại Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) bằng phương pháp sinh mổ. Và đến nay Tiến Quốc vẫn phát triển bình thường, khỏe mạnh. Gần đây nhất, ngày 2/1/2022  Bệnh viện Hùng Vương, TP.HCM đã đỡ sinh thành công cho một sản phụ sinh thường với bé trai cân nặng hơn 5,1 kg của sản phụ Trương Thị Nhanh, sinh năm 1984, ở quận Tân Phú, TP.HCM. Chị Nhanh sinh con lần ba, siêu âm dự đoán thai lớn ngoài 3 kg, bất ngờ đẻ thường bé trai nặng 5,15 kg. Do thai khỏe mạnh, và đủ sức vượt cạn nên chị được bệnh viện chỉ định sinh thường. Bệnh viện cũng đã chuẩn bị dự phòng các tình huống thai nhi bị kẹt vai, người mẹ bị băng huyết.

Tại sao lại có hiện tượng "thai to quá mức"?

Hiện tượng "thai to quá mức" có nhiều nguyên nhân, như do yếu tố di truyền, sức khỏe của người mẹ hoặc trong một số trường hợp hiếm gặp là tình trạng bệnh lý khiến thai nhi phát triển quá nhanh. Ví dụ:

·       Chiều cao và tầm vóc của cha mẹ em bé

·       Là bé trai (bé trai có xu hướng lớn hơn bé gái)

·       Có anh chị em lớn hơn (cơ hội thai to tăng lên sau mỗi lần mang thai). Lần mang thai trước đó trong đó em bé nặng ký

·       Quá tuổi thai trên 2 tuần

·       Người mẹ bị tiểu đường khi mang thai

·       Người mẹ tăng cân nhiều khi mang thai hoặc bị béo phì

·       Người mẹ từ 30 tuổi trở lên

·       Trong một số trường hợp, không có nguyên nhân rõ ràng và không thể giải thích được.

Hệ lụy từ "thai to quá mức"

Với người mẹ, phải đối mặt với nhiều vấn đề, bao gồm:

- Chuyển dạ mất nhiều thời gian hơn nên tăng biến chứng, phải sinh mổ và gây thương tích khi sinh cho mẹ hoặc bé.

- Tổn thương âm đạo, do em bé quá lớn nên  có thể làm rách âm đạo của người mẹ hoặc các cơ giữa âm đạo và hậu môn, các cơ đáy chậu.

- Băng huyết sau sinh, do em bé quá lớn nên ngăn cơ tử cung của người mẹ co bóp bình thường sau khi dẫn đến chảy máu quá mức.

- Vỡ tử cung, biến chứng này có thể đe dọa tính mạng của người mẹ 

Còn đối với trẻ, việc sinh ra với trọng lượng nặng khiến trẻ có nhiều khả năng bị béo phì trong thời thơ ấu. Trẻ cũng có nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa như lượng đường trong máu thấp hoặc cao hơn bình thường, huyết áp cao, cholesterol bất thường… và khi trẻ lớn lên tăng nguy cơ mắc các bệnh như tiểu đường và bệnh tim mạch, vàng da… 

Làm gì để giảm thiểu khả năng sinh con năng cân ?

Phải nói ngay rằng, mọi người không thể làm gì để tránh sinh con to hay nhỏ. Nhưng chăm sóc bản thân khi mang thai là điều quan trọng đối với mọi phụ nữ ở tuổi sinh sản. 

Bất kể kích thước khi sinh của chúng như thế nào, cân nặng của trẻ luôn được theo dõi chặt chẽ sau khi chúng được sinh ra để đảm bảo chúng khỏe mạnh và phát triển bình thường. Bé bú tốt, số lượng tã ướt và phân bé thải ra hàng ngày cũng có thể cho thấy rằng em bé khỏe mạnh.

Những em bé thuộc diện "thai to quá mức" có thể được sinh ra bằng phương pháp sinh thường, qua đường âm đạo, nhưng tốt nhất là nên sinh ở các trung tâm y tế để tiếp cận các dịch vụ y tế chuyên khoa, đề phòng trường hợp bất trắc.  Trẻ sinh ra với cân nặng cao cần được theo dõi các tình trạng sức khỏe như béo phì và tiểu đường khi chúng lớn lên.

Những bà mẹ mắc bệnh tiểu đường hay còn gọi tiểu đường thai kỳ nên tư vấn để kiểm soát đường huyết trong giai đoạn thai kỳ, Khi trẻ chào đời cũng cần kiểm tra đường huyết cho bé và áp dụng cách chăm sóc tốt để hạn chế nguy nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, nguy cơ béo phì hoặc thừa cân, cũng như các vấn đề khác liên quan đến quá trình trao đổi chất. 

Thường thì bạn không thể làm gì để tránh sinh con to hay nhỏ. Nhưng chăm sóc bản thân khi mang thai là điều quan trọng đối với tất cả phụ nữ. Bạn nên xem xét:

·       Tránh xa thuốc lá, kể cả hút thụ động

·       Duy trì chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh

·       Duy trì cân nặng hợp lý, nếu thừa cân, giảm cân trước trước khi có ý định sinh em bé

·       Nếu bị tiểu đường, hãy cố gắng kiểm soát đường huyết thông qua tư vấn bác sĩ.

·       Tránh rượu bia, ma túy

·       Nếu còn băn khoăn nên tư vấn bác sĩ sản khoa hoặc chuyên gia khi mang thai, vượt cạn, và chăm sóc em bé cũng như bản thân giai đoạn thai kỳ và sau khi sinh.
 

Tác giả bài viết: BVQT Minh Anh

Tổng điểm nội dung là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá

  Ý kiến khác

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Bạn cần hỗ trợ?