COPD - căn bệnh mạn tính làm hư tổn phế nang - tắc nghẽn phế quản, khiến việc hô hấp trở nên khó khăn. Ở mức độ nặng, bệnh nhân gần như không còn sức lực để có thể làm việc gì.
Trong lần làm phim về hô hấp, chúng tôi được giới thiệu một bệnh nhân nam đang điều trị tại gia.
Vợ bệnh nhân dắt chúng tôi đến căn phòng phía sau nhà. Căn phòng được hắt sáng bởi một cửa sổ lớn nhìn ra khoảng đất trống. Đập vào mắt chúng tôi là một không gian bề bộn, trên một cái bàn để la liệt thuốc là bộ khí dung, cạnh đầu giường là chiếc bình oxy sơn xanh. Qua chiếc bình làm ẩm đang sủi bọt khí, một dây thở oxy gọng kính trắng đục nối với mũi bệnh nhân. Nói chung bệnh nhân không thể sống mà không có các thiết bị hỗ trợ này. Và không biết tự bao giờ, thế giới đối với ông chỉ vỏn vẹn 16m vuông căn phòng…
Qua câu chuyện đứt đoạn vì hơi thở ngắn, chúng tôi có thể tóm tắt lời kể của ông như vầy:
Ông là môt soạn giả viết tuồng, ông hút thuốc từ năm 21 tuổi, đầu tiên chỉ là thói quen, sau trở thành nghiện. Mỗi lần muốn viết là phải có thuốc, càng viết nhiều thì càng hút nhiều. Rồi bệnh lúc nào không biết, chỉ thấy cơ thể có khác lạ, làm việc mau mệt hơn, ban đầu thì chỉ thấy ngứa ngứa cổ, lâu lâu phải hắng giọng, khạc có chút đàm, rồi ho nhiều hơn… Làm việc mà dùng lực thì thở không nổi, cơ thể nó suy dần, giờ nội chuyện đi dăm ba, bảy bước là thấy mệt rồi.
Hiện tại ông đang điều trị, cố gắng tránh các đợt kịch phát phải vào bệnh viện cấp cứu.
Ông là một bệnh nhân COPD mà người bình dân hay gọi là bịnh Cóp.
Trao đổi với bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Bích – BVQT Minh Anh, thì bác sĩ cho biết trong bệnh lý hô hấp có bệnh Viêm phế quản mạn tính gây hẹp đường thở và bệnh Khí phế thủng gây tổn thương phế nang. Cả hai bệnh này liên quan mật thiết với nhau, là điều kiện đễ dẫn đến bệnh COPD.
Theo mô tả của y học, phổi chúng ta được tạo thành từ hơn 300 triệu túi khí nhỏ gọi là phế nang. Những túi khí này thường co giãn. Khi người ta hít vào, túi khí mở rộng như những quả bóng nhỏ. Thở ra thường là thụ động (không mất công sức) khi phế nang được đưa về trạng thái bình thường, trở lại kích thước ban đầu.
Trong khí phế thủng, các vách của phế nang bị tổn thương và mất tính co giãn. Khiến quá trình thải CO2 và hấp thu O2 sẽ trở nên khó khăn hơn do không khí bên ngoài đi vào cơ thể bị cản trở, không khí trong cơ thể thoát ra ngoài cũng không được thông suốt. Mặt khác với sự kết hợp của viêm phế quản mạn tính, đường thở bệnh nhân bị chít hẹp, khiến tình trạng hô hấp tồi tệ hơn.
Khói thuốc lá là nguyên nhân chính của COPD. Ô nhiễm môi trường trong nhà với khói bếp rơm, rạ, củi, than ( đặc biệt là than tổ ong ) ... gây nên khoảng 20% các trường hợp COPD trên thế giới. Ô nhiễm không khí với khói của các nhà máy, khói của các động cơ giao thông, khói, bụi nghề nghiệp cũng là các yếu tố nguy cơ gây bệnh.
Các triệu chứng thường gặp ở người bệnh COPD là ho, khò khè, tiết chất nhày dai dẳng và khó thở. Ở giai đoạn đầu, các triệu chứng thường nhẹ, bệnh nhân thường bỏ qua và nghĩ rằng đây là triệu chứng bình thường do hút thuốc lá. Điều nguy hiểm là bệnh không phát tác liền, mà cứ diễn tiến một thời gian dài, vì vậy đến ngay cả khi khó thở khi đi lên cầu thang, hoặc di chuyển đồ vật người ta vẫn chủ quan, không để ý... và cho rằng đây là biểu hiện thông thường do tuổi già. Cho đến khi phải đi bác sĩ, thì phổi đã bị tổn thương không thể hồi phục được.
Để xác định COPD, những ai thuộc diện nguy cơ ( hút thuốc lá, làm việc trong môi trường khói bụi…) hoặc có các triệu chứng ho dai dẳng, khạc đàm, khó thở… nên đến bệnh viện để thăm khám và đo hô hấp ký kiểm tra độ dãn nở của phổi, khả năng trao đổi khí CO2 và O2 , phát hiện hẹp cơ năng của phổi v.v….
COPD là bệnh lý không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng có nhiều phương pháp để điều trị, với mục đích làm giảm các triệu chứng của bệnh, đẩy lùi, làm chậm sự phát triển bệnh, ngăn ngừa biến chứng. Do là bệnh phải điều trị kéo dài suốt đời nên bệnh nhân cần tuân thủ điều trị nghiêm ngặt, trong đó ngoài chế độ thuốc, còn là chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, thể dục, chủng ngừa cúm v.v…