Đột quỵ hay tai biến mạch máu là một bệnh lý nan y, nguy hiểm và để lại nhiều di chứng nặng nề, tỷ lệ tử vong cao. Do cơ chế bệnh sinh phức tạp, nên việc xử lý huyết áp ở bệnh nhân đột quỵ đóng vai trò quan trọng.
Đôi nét về huyết áp và tăng huyết áp
Huyết áp là áp lực của máu tác động lên thành động mạch. Huyết áp được tính bằng đơn vị mmHg và được xác định bằng cách đo bằng máy hay thủ công. Huyết áp có hai chỉ số là 120/80mmHg (bình thường). Tăng huyết áp hay cao huyết áp là khi chỉ số này lớn hơn hoặc bằng 140/90 mmHg. Theo Hội Tim mạch học Quốc gia về chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp thì tiền tăng huyết áp khi nằm trong khoảng 120-139/80-89 mmHg, mức bình thường thường dưới 120/80 mmHg.
Nguyên nhân tăng huyết áp rất đa dạng và đến nay người ta vẫn chưa hiểu hết. Ở nhóm lớn tuổi không có nguyên nhân (tăng huyết áp vô căn hay nguyên phát); khoảng 10% tình trạng có nguyên nhân, còn gọi là tăng huyết áp thứ phát. Tăng huyết áp nguyên phát (vô căn) có thể hiểu là không xác định được nguyên nhân (khoảng 90%) còn tăng huyết áp thứ phát là khi xác định có một nguyên nhân trực tiếp như viêm nhiễm, nhất là viêm cầu thận, suy thận mãn v.v.
Cách mới tối ưu hóa huyết áp ở bệnh nhân đột quỵ
Trước tiên, xử lý huyết áp liên quan đến phân loại tổn thương não là xuất huyết não hay thiếu máu cục bộ. Cho đến nay quan điểm về xử lý huyết áp ở bệnh nhân đột quỵ chảy máu não vẫn còn nhiều tranh luận. Vì vậy, việc kiểm soát huyết áp nên được điều chỉnh tùy theo sinh lý bệnh, từng bệnh nhân và không có phác đồ tuyệt đối cho tất cả. Chẩn đoán đúng là vấn đề quan trọng dựa trên các đặc điểm lâm sàng, hình ảnh não, đánh giá mạch thần kinh và xét nghiệm tim mạch nói chung.
Đối với đột quỵ do thiếu máu cục bộ, việc giảm huyết áp cấp tính có thể đe dọa sự tưới máu ở những vùng quan trọng này. Còn tăng huyết áp trong đột quỵ do xuất huyết là do các nguyên nhân phổ như người bệnh vốn đã tăng huyết áp, bệnh mạch máu amyloid, lạm dụng thuốc và dị dạng mạch máu. Ngoài ra còn có, xuất huyết dưới nhện, dạng phụ của đột quỵ xuất huyết não, nguyên nhân là do phình và vỡ động mạch nằm ở đáy não và chảy máu do dị dạng mạch nằm gần bề mặt não.
Ở những bệnh nhân bị xuất huyết trong não, huyết áp thường tăng cao và tăng huyết áp có liên quan đến việc tăng nhanh kích thước khối máu tụ, suy giảm thần kinh và tiên lượng xấu hơn. Việc quản lý tăng huyết áp rất phức tạp bởi nguy cơ giảm áp lực tưới máu não ở bệnh nhân hạ huyết áp nội sọ và lợi ích tiềm năng là giảm chảy máu thêm.vv
Theo một nghiên cứu mới của ĐH Georgia, Mỹ (UoG), việc điều trị tích cực bệnh tăng huyết áp ở bệnh nhân đột quỵ có thể gây hại nhiều hơn là lợi trong thời gian dài. Trên 60% bệnh nhân đột quỵ nhập viện cấp cứu ở Mỹ đều mắc chứng tăng huyết áp, và nhiều nghiên cứu cho thấy huyết áp cao tại thời điểm đột quỵ có thể làm tăng tỷ lệ tử vong và tàn tật cho bệnh nhân. Nhưng việc hạ quá mức huyết áp bằng thuốc thực sự gây phản tác dụng, chống lại phản ứng bảo vệ của cơ thể do lưu lượng máu đi vào các mô não bị ảnh hưởng.
Theo Changwei Li, tác giả của nghiên cứu cho biết, đây quả là một vấn đề nan giải lâm sàng. Vì vậy có thể duy trì mức huyết áp cao hơn một chút so với bình thường, khoảng 140/90 mmHg so với mức chuẩn 120/80 mmHg. Hiện tại, điều trị tăng huyết áp cho bệnh nhân đột quỵ cấp tính thường dựa trên kinh nghiệm lâm sàng và đánh giá của bác sĩ và không có hướng dẫn cụ thể về việc duy trì mức huyết áp tối ưu ở nhóm bệnh nhân này.
Chìa khóa của vấn đề là tìm ra sự cân bằng giữa việc duy trì lưu lượng máu đến não và giảm các tác động tiêu cực ngắn và dài hạn. Để giúp xác định mức huyết áp tối ưu, nhóm nghiên cứu ở UoG đã tìm hiểu mối quan hệ giữa huyết áp trong khi đột quỵ và kết quả sức khỏe ngắn lẫn dài hạn cho hơn 4.000 bệnh nhân đột quỵ và nhóm đối chứng để so sánh.
Những người này được theo dõi sự thay đổi huyết áp ở cả nhóm điều trị và đối chứng trong tuần đầu nhập viện và so sánh sức khỏe của họ sau 1 tuần, 3 tháng, 1 năm và 2 năm sau đột quỵ ở các bệnh nhân có quỹ đạo huyết áp khác nhau. Kết quả, các nhà khoa học phát hiện thấy những bệnh nhân có huyết áp tâm thu được duy trì ở mức 140 mmHg thì có ít tác động tiêu cực hơn về sức khỏe, chẳng hạn như đột quỵ thứ hai, tử vong hoặc bệnh tim mạch.