“Gió qua cửa hẹp” ! Chắc trong chúng ta, không ít người đã từng nghe tiếng gió lùa qua khe cửa - chúng rít như thế nào, và ngáy ngủ cũng y như vậy.
Ngáy được hiểu một cách đơn giản là tiếng thở “ồn ào” trong khi ngủ. Những âm thanh ồn ào của tiếng ngáy xảy ra khi có sự tắc nghẽn một phần đối với luồng không khí đi qua các lối đi ở phía sau miệng và mũi. Khu vực này là phần đóng, mở của đường thở - nơi lưỡi và họng trên gặp vòm hầu mềm và lưỡi gà.
Ngáy xảy ra khi các cấu trúc này va vào nhau gây rung trong khi thở. Với eo họng quá hẹp, sẽ tạo tiếng ngáy lớn, giống như cánh cửa càng hẹp, tiếng rít của gió càng lớn.
Người ngáy thì không cảm nhận được tiếng ngáy, nhưng người xung quanh thì cảm nhận rất rõ. Đó là nỗi phiền toái của người phải ngủ chung với người ngáy ngủ. Người viết bài này đã từng chịu đựng tiếng ngáy khi ngủ cùng phòng với anh bạn đi công tác chung. Tiếng ngáy của anh ta, ban đầu đều đều rồi bổng nhiên rống lên như giàn nhạc giao hưởng lên đoạn cao trào, xong đột ngột tắc tị, im như tờ một lúc và sau đó lại ngáy đều, rồi rú lên, rồi tắt ngắm, theo một chu kỳ không đổi. Thật đáng sợ!
Để tìm hiểu kỹ về cái việc ngáy ngủ đáng sợ này, tôi đã tìm đến Bác sĩ CK2 Nguyễn Thị Ngọc Bích thuộc Bệnh viện quốc tế Minh Anh – người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực ngáy ngủ.
Ngáy có thể gây hại nhiều hơn là chỉ làm phiền người xung quanh - đây là cảnh báo của bác sĩ Bích - nó có thể dẫn đến chất lượng và số lượng giấc ngủ kém (dễ gây tai nạn khi lao động hoặc tham gia giao thông) khi ngáy là dấu hiệu của một tình trạng nghiêm trọng hơn, được gọi là NGƯNG THỞ KHI NGỦ do tắc nghẽn.
Ngưng thở khi ngủ (Obstructive Sleep Apnea – OSA) là sự rối loạn trong giấc ngủ, trong đó có hiện tượng ngưng thở hơn 10 giây hay giảm thông khí lặp đi, lặp lại nhiều lần trong đêm kèm triệu chứng ngủ ngáy và ngủ ngày quá mức.
Theo bác sĩ Bích thì tại Bệnh viện quốc tế Minh Anh đã điều trị nhiều trường hợp ngáy ngưng thở khi ngủ rồi . Có những bệnh nhân cận kề cái sống – cái chết như một số trường hợp điển hình sau:
Bệnh nhân H - Sinh 1962. Nhập viện cấp cứu vào BVQT Minh Anh ngày 21/02/2016.
Bệnh nhân đi nhiều bệnh viện với chẩn đoán : Rối loạn thần kinh CRNN, Nhồi máu cơ tim… Điều trị nhiều tháng không đỡ. Đặc biệt là bệnh nhân ngủ đêm, người nhà phải canh chừng để đánh thức bệnh nhân khi những cơn ngưng thở xuất hiện trong lúc ngủ . Đỉnh điểm vào một ngày của tháng 02/2016, bệnh nhân mệt, ngưng thở kéo dài, đau ngực, được điều trị cấp cứu tại một bệnh viện, sau đó thấy không khả quan, nên được người nhà chuyển sang cấp cứu BVQT Minh Anh, với dấu hiệu choáng tim, huyết áp tụt, tim loạn nhịp thất…. Bệnh nhân được điều trị cấp cứu ổn. Khai thác tiền sử bệnh, bệnh nhân bị ngủ ngáy, bệnh tim loạn nhịp, có nhiều cơn ngưng thở, ECG nhồi máu cơ tim trước vách.
Được đo đa ký hô hấp, bệnh nhân có chỉ số AHI 79,8 /h, và được chỉ định điều trị đặc thù HỘI CHỨNG NGƯNG THỞ. Kết quả bệnh nhân khỏe, tỉnh táo hơn, đêm ngủ không còn những cơn ngưng thở, bệnh nhân xuất viện. Hai tháng sau khi xuất viện , bệnh nhân tái khám thấy hết mệt, huyết áp ổn định bình thường, hết ngưng thở về đêm, AHI còn 10,6 / h, các xét nghiệm về tim mạch trở về bình thường. Từ đó đến nay, bệnh nhân tái khám 3 – 6 tháng một lần, các chỉ số tốt, ổn định. Người nhà không phải thức canh bệnh nhân nữa, không phải mổ tim như dự định trước đây. Một kết quả tuyệt vời.
Trường hợp thứ hai, cũng do Hội chứng ngưng thở lúc ngủ gảnh hưởng đến chất lượng sống và công việc hàng ngày của bệnh nhân mà không chẩn đoán sớm.
Bệnh nhân P. sinh 1980. Anh này là nhà kinh doanh, chủ tịch hội đồng quản trị một doanh nghiệp khá lớn. Bệnh nhân có bệnh đái tháo đường, hay ợ hơi, ợ chua, mệt mỏi, trí nhớ giảm sút nhiều, ảnh hưởng đến công việc làm ăn, đi khám điều trị một vài nơi không khỏi. Bệnh nhân cho rằng do áp lực công việc, nên tự giảm cường độ làm việc, điều trị đái tháo đường, điều trị stress…nhưng không thấy hiệu quả.
Khi đến Bệnh viện quốc tế Minh Anh, khai thác tiền sử, phát hiện bệnh nhân ngủ ngáy, đo đa ký hô hấp phát hiện chỉ số AHI 61,4/h. Bệnh nhân được điều trị đặc thù Hội chứng ngưng thở lúc ngủ. Sau 1 tuần, bệnh nhân khỏe hơn nhiều, cảm giác minh mẫn, tỉnh táo hơn, hết đau đầu. Sau 3 tháng, chỉ số AHI trở về hoàn toàn bình thường, đường huyết và đường niệu ổn định. Công việc kinh doanh trở lại ổn định, không còn thấy áp lực công việc.
Trường hợp thứ 3 là một trường hợp đặc biệt hi hữu.
Bệnh nhân nữ tên K – Sinh 1938.
Ngày 31/01/2018, bệnh nhân khi vừa xuất viện tại một cơ sở y tế ngoại thần kinh, trên đường về nhà, đến Tây Ninh, bệnh nhân tái phát, ngất xỉu không còn biết gì. Người nhà phải đưa quay trở lại TP.HCM và cấp cứu tại bệnh viện quốc tế Minh Anh.
Nguyên bệnh nhân K. rất mập, ngủ ngáy lớn, nhưng điều đặc biệt là bệnh nhân cứ 3 – 4 ngày lại phải cấp cứu vào bệnh viện do ngất xỉu, không thở được. Bệnh nhân đã điều trị tại bệnh viện ngoại thần kinh, viện tim mạch với chẩn đoán tai biến mạch máu não, theo dõi nhồi máu cơ tim …nhưng tình trạng cứ 3 – 4 ngày lại ngủ say không tỉnh phải thường xuyên cấp cứu. Bệnh nhân hầu như không đi lại được nếu không có xe lăn.
Khi điều trị tại BVQT Minh Anh, khai thác tiền sử bệnh, biết bệnh nhân có ngủ ngáy, chỉ định đo đa ký hô hấp, thì cho thấy chỉ số ngưng thở, giảm thở ở bệnh nhân tăng cực cao, AHI: 80,3 /h. Sau khi định được bệnh, được điều trị bằng CPAP, bệnh nhân ổn định và ra viện . Sau 1 tháng, bệnh nhân trở lại tái khám, bệnh nhân hết hẳn những cơn ngủ mê phải cấp cứu. Sau 3 tháng, bệnh nhân tái khám , chỉ số AHI trở về mức độ bình thường, tự đi lại được, không phải dung thuốc thần kinh và tim mạch nữa, huyết áp ổn định với liều 1 viên amlor / ngày. Đặc biệt bệnh nhân không hề phải đi bệnh viện cấp cứu như trước nữa. “Thật tuyệt vời khi được bác sĩ ở đây điều trị” , con trai bệnh nhân nói vậy.
Trên đây là các trường hợp rất điển hình của bệnh lý HỘI CHỨNG NGƯNG THỞ KHI NGỦ mà dấu hiệu chỉ điểm là “ NGÁY”, vốn thường bị bỏ qua, và ngay đến khi nó gây hậu quả nguy hiểm đến tính mạng, người ta cũng vẫn không nghĩ đến. Qua người viết bài, bác sĩ Bích hy vọng ai có vấn đề, hoặc người thân có vấn đề “ gió qua cửa hẹp” sẽ lưu ý, quan tâm, chứ đừng “Đêm nằm thì ngáy o o. Chồng yêu, chồng bảo ngáy cho vui nhà” mà hại nhau.
THÔNG TIN THAM KHẢO :
Chỉ số ngưng thở giảm thở AHI ( viết tắt của Apnea-Hypopnea Index) là chỉ số được dùng để đánh giá mức độ nặng của hội chứng ngưng thở khi ngủ, dựa trên tổng số lần ngưng thở hoàn toàn hoặc giảm thở một phần xảy ra trong một giờ ngủ. Một lần ngưng thở được tính nếu thời gian ngưng thở này kéo dài khoảng 10 giây và gây ra tình trạng thiếu oxy trong máu. Có ba mức độ
Nhẹ: 5 < AHI <= 15 khoảng ngừng thở trong 1 giờ ngủ
Trung bình: 15 < AHI < =30 khoảng ngừng thở trong 1 giờ ngủ
Nặng: AHI >30 khoảng ngừng thở trong 1 giờ ngủ
Phân loại này rất hữu ích trong việc xác định khả năng bị các triệu chứng khác liên quan (bao gồm cả triêu chứng buồn ngủ quá mức ban ngày), nguy cơ gây ra các hậu quả nghiêm trọng khác (như cao huyết áp, tiểu đường, đột quỵ..) cũng như việc đáp ứng điều trị với máy thở áp lưc dương CPAP.