Thức đêm liên tục xem World Cup, người đàn ông bị liệt cơ mặt
Theo trang tin Chuyện lạ xứ người (ODC) Rumani, một thanh niên Trung Quốc phải trả giá bằng sức khỏe vì liên tục thức xem World Cup 2022. Đó là một thanh niên tên Cao (26 tuổi) phải điều trị chuyên khoa dài ngày vì liệt cơ mặt.
Cao, hiện sống tại Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc), đã không ngủ đêm trong cả tuần cố xem tất cả trận đấu vòng bảng. Cuối cùng đã phải nhập viện trong tình trạng không thể cử động cơ mặt. Dù Trung Quốc không đủ điều kiện tham dự kỳ World Cup này, Cao vẫn muốn theo dõi giải đấu bóng đá lớn nhất hành tinh. Cao đã lái xe thẳng về nhà sau giờ làm việc, xem các trận đấu từ khoảng 18h đến rạng sáng hôm sau, rồi đi làm luôn sau đó.
Chuyện bắt đầu xảy ra vào ngày 30/11/2022, “ tôi ngủ khoảng 2 tiếng sau khi xem các trận đấu. Khi tỉnh dậy thấy rất mệt nhưng cú nghĩa là bình thường và có ngủ một chút ở văn phòng. Song, tình trạng này dường như không cải thiện, đột nhiên mặt bị liệt và lệch sang một bên và không thể cử động mí mắt. Các triệu chứng ngày càng tồi tệ nên phải vào Bệnh viện Đa khoa Vũ Hán để được điều trị chuyên khoa”, Cao nói với báo giới sau khi nhập viện.
Qua khám bệnh, bác sĩ cho rằng tình trạng thiếu ngủ, cộng với thời tiết lạnh giá và gió mạnh đã gây ra tình trạng tê liệt khuôn mặt. Đồng thời, khuyên những người hâm mộ bóng đá khác không học Cao cho dù còn trẻ, nhưng nếu thức quá lâu, liên tục sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là khi múi giờ lệch nhau.
Mất ngủ kinh niên và những hệ lụy cần biết
Mất ngủ là chứng rối loạn giấc ngủ phổ biến, khó đi vào giấc ngủ, ngủ không sâu hoặc cả hai. Theo báo cáo, một phần ba dân số thế giới không ngủ đủ giấc mỗi đêm, ít nhất 7 giờ. Thường xuyên bị khó ngủ hay còn gọi là mất ngủ cấp tính. Mất ngủ mãn tính hay mất ngủ kinh niên kéo dài ít nhất 3 tháng, còn được gọi là chứng rối loạn mất ngủ kinh niên. Những người bị mất ngủ kinh niên thường phải mất khoảng 30 - 90 phút mới bắt đầu giấc ngủ được và chỉ ngủ được 3 – 4 tiếng mỗi đêm. Khi đã đi vào giấc ngủ họ thường xuyên bị tỉnh giấc, gặp mộng mị, ngủ chập chờn,...
Có hai dạng mất ngủ mãn tính nguyên phát và thứ phát. Mất ngủ nguyên phát không phải do các tình trạng y tế hoặc thuốc, hiện khoa học vẫn chưa hiểu hết nguyên nhân. Nó có thể liên quan đến những thay đổi của một số hóa chất trong não, nhưng nghiên cứu vẫn chưa có bằng chứng khẳng định. Mất ngủ thứ phát là do các vấn đề y tế, như căng thẳng về cảm xúc, chấn thương và các vấn đề sức khỏe đang diễn ra; do lối sống; hoặc dùng một số loại thuốc và dược phẩm.
Triệu chứng mất ngủ kinh niên
Mất ngủ mãn tính có thể gây ra các triệu chứng vào ban đêm lẫn ban ngày và có thể cản trở khả năng tiếp tục các công việc hàng ngày của người trong cuộc. Các triệu chứng có thể bao gồm khó ngủ, thức suốt đêm, thức dậy quá sớm, buồn ngủ ban ngày hoặc uể oải, không cảm thấy được nghỉ ngơi sau một đêm ngủ, cáu gắt, thay đổi tâm trạng, chẳng hạn như cảm thấy chán nản, khó tập trung, giảm trí nhớ, gia tăng sai lầm và tai nạn…
Nguyên nhân mất ngủ kinh niên thường liên quan đến một tình trạng bệnh lý. Do một số loại thuốc và chất kích thích, do lối sống. Chẳng hạn như mắc bệnh hô hấp, suy tim sung huyết, tiểu đường, trào ngược axit, cường giáp, đau cơ xơ hóa, mãn kinh, tiểu không tự chủ, căng thẳng thể chất và tinh thần, lo lắng…. cho đến mắc bệnh nan y, do dùng thuốc và chất kích thích.
Điều trị chứng mất ngủ kinh niên
Một số lựa chọn điều trị tại nhà và chuyên nghiệp có sẵn, tuy nhiên việc điều trị còn tùy thuộc vào nguyên nhân gây mất ngủ:
Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT), liên quan đến việc giáo dục về giấc ngủ và thói quen ngủ nghỉ tốt hơn. Một số chiến lược của CBT tập trung đặc biệt vào chứng mất ngủ, có tên CBT-I, bao gồm nhận thức, kiểm soát kích thích, hạn chế giấc ngủ, thư giãn, dùng thuốc như một số loại thuốc kê đơn và thuốc hỗ trợ giấc ngủ không kê đơn (OTC) và thuốc theo toa như zolpidem, eszopiclone, zaleplon, doxepin… về thảo dược có rễ cây nữ lang, trà hoa cúc…
Các biện pháp khắc phục tại nhà cho mất ngủ mãn tính như tránh cafein, đặc biệt là cuối ngày, tránh sử dụng rượu và hút thuốc lá trước khi đi ngủ, tránh ăn quá no vào bữa tối, tham gia vào hoạt động thể chất thường xuyên. Nên hạn chế ngủ quá nhiều ban ngày, ngủ và thức vào thời điểm nhất định, tránh sử dụng máy tính, điện thoại thông minh, TV hoặc các thiết bị công nghệ khác một giờ trước khi đi ngủ, giữ cho phòng ngủ tối hoặc sử dụng mặt nạ ngủ và duy trì nhiệt độ phòng ngủ thoáng mát, yên tĩnh và có ánh sáng phù hợp. Ngâm chân bằng nước ấm pha muối hoặc gừng trước khi đi ngủ để giúp máu lưu thông tốt hơn.
Tác giả bài viết: BVQT Minh Anh
Ý kiến khác