Nhận biết sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết (SXH) là bệnh nhiễm trùng cấp tính do virus Dengue gây ra, chính vì vậy nó còn có tên gọi là sốt Dengue (Dengue fever). Lây truyền qua trung gian muỗi vằn, hút máu người bệnh rồi truyền sang cho người lành. Bệnh thường xuất hiện vào mùa mưa, thời tiết thất thường. SXH diễn biến khá thất thường và có các triệu chứng dễ nhầm lẫn với các bệnh khác.
Biểu hiện chính của SXH là sốt và xuất huyết. Cụ thể, trong 2-3 ngày đầu, sốt cao liên tục, đau đầu kèm theo mỏi mệt, triệu chứng SXH chỉ phân biệt được bằng xét nghiệm. Từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7, bệnh bắt đầu giảm nhưng có thể xuất hiện các biến chứng như tăng tính thấm thành mạch gây đậm đặc máu, giảm tiểu cầu, nổi mẩn đỏ ở các mức độ khác nhau. Một số bệnh nhân bắt đầu có các chảy máu bất thường do giảm tiểu cầu như chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da, nôn ra máu hay đi ngoài phân đen.... Từ ngày thứ 7 bắt đầu hồi phục, có thể xuất hiện các nốt ban trên da và ngứa, có thể tồn tại một vài ngày. Nói ngắn gọn hơn, SXH thường có biểu hiện chính là sốt cao đột ngột từ 39 - 40oC, liên tục trong 2 - 7 ngày và không thuyên giảm khi dùng thuốc hạ sốt. Sau đó chuyển sang giai đoạn xuất huyết, diễn ra sau khi sốt bắt đầu giảm.
Các dạng sốt khác
· Sốt xuất huyết với sốt phát ban
Sốt xuất huyết và sốt phát ban (SPB) đều có triệu chứng ban đầu giống nhau là sốt cao nhưng về bản chất lại khác nhau. Sốt phát ban (Typhoid fever), có dấu hiệu sốt và nổi ban đỏ, do nhiều loại virus gây ra, chủ yếu là do virus sởi và virus gây bệnh rubella (Salmonella serotype Typhi bacteria). Sốt phát ban thường gặp ở trẻ nhỏ, lây lan qua con đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mũi họng của người bệnh khi ho hoặc hắt hơi phả ra.
Sau khoảng thời gian ủ bệnh, thường là 7 ngày, trẻ bắt đầu xuất hiện những biểu hiện đặc trưng. Sốt phát ban thường có những cơn sốt đa dạng từ 38 - 40oC, sốt theo từng cơn sau đó chuyển sang nổi ban đỏ xuất hiện trong vòng 12 - 24 giờ sau sốt. Một đặc điểm có thể phân biệt SPB với các loại sốt khác, là ban trong sốt phát ban sẽ biến mất tức thì nếu thực hiện căng da tại vùng nổi ban. Nếu vết ban đỏ vẫn còn hoặc biến mất rất chậm thì có thể là sốt xuất huyết nổi mẩn đỏ. Dấu hiệu phát ban xuất hiện trong khoảng 3 đến 5 ngày rồi lặn hẳn.
Ngoài ra, SPB còn có một số biểu hiện kèm theo như chảy nước mũi, hắt hơi, mệt mỏi, uể oải, đỏ mắt, trẻ chán ăn, quấy khóc, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, đau họng, sưng hạch cổ. Hầu hết các trẻ bị sốt phát ban từ ngày thứ 4 trở đi sẽ giảm sốt dần, ăn uống được. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, sốt phát ban có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe trẻ, nhất là nhóm trẻ có sức đề kháng kém, suy dinh dưỡng, trẻ dưới 12 tháng tuổi, thể trạng suy nhược.
· Sốt xuất huyết với sốt thường
Không như SXH, sốt thường là biểu hiện tăng nhiệt độ cơ thể tạm thời để phản ứng lại với bệnh. Các yếu tố ngoại lai đến từ môi trường, chẳng hạn như cảm nắng, cảm lạnh, thuốc hoặc hóa chất, cũng có thể là nguyên nhân gây ra sốt. Khi sốt thường xảy ra, thân nhiệt thường không cố định mà dao động trong ngày, thường cao hơn vào buổi chiều, nếu nhiệt độ cơ thể vượt quá 37,5 độ C thì được xem là sốt.
Giải pháp phòng ngừa, điều trị SXH
Đến nay chưa có thuốc đặc trị cho SXH, vì vậy để giảm bớt các triệu chứng thì nên uống nhiều nước và dùng thuốc để hạ sốt. Giống như sốt siêu vi, nếu SXH không được điều trị kịp thời có thể kéo theo hàng loạt biến chứng nguy hiểm, như sốc do mất máu, biến chứng ở mắt, suy tim hoặc suy thận, tràn dịch màng phổi, hôn mê, tụt huyết áp và đau đầu dữ dội. Riêng phụ nữ mang thai nếu SXH thì nguy cơ sẩy thai cao hơn nhóm người khác, nhất là những tháng đầu thai kỳ. Dù là SPBn hoặc sốt do virus thông thường, khi lui sốt nghĩa là bệnh đã khỏi dần. Tuy nhiên, riêng SXH Dengue khi sốt lui lại là lúc bắt đầu giai đoạn biến chứng nguy hiểm, cần phải đến cơ sở y tế để khám, xét nghiệm theo dõi hàng ngày để phát hiện và xử lý những biến chứng sớm.
Phòng bệnh SXH rất quan trọng. Nên ăn uống đầy đủ, giữ gìn vệ sinh cá nhân cũng như môi trường, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, hạn chế tiếp xúc với người bệnh, dùng khăn giấy che mũi và miệng khi ho, hắt hơi hoặc xì mũi. Ngăn ngừa muỗi vằn đốt, dùng thuốc chống côn trùng, loại bỏ môi trường giúp muỗi sinh sôi và phát triển như vệ sinh nhà cửa thường xuyên, phát quang bụi rậm, dọn dẹp nơi nước đọng…. và ngủ trong mùng mền, kể cả ban ngày.
Tác giả bài viết: BVQT Minh Anh
Ý kiến khác