Chiều qua 07/2 các bác sĩ Bệnh viện quốc tế Minh Anh thực hiện kỹ thuật bơm xi măng sinh học điều trị xẹp đốt sống ngực – thắt lưng cho bệnh nhân Trần Thị T (85 tuổi), ngụ phường 13, quận 6, TP HCM.
Bác sĩ xác định vị trí đốt sống xẹp trên máy X quang
Vì sao xẹp đốt sống?
Xẹp thân đốt sống là một biến chứng nguy hiểm do loãng xương, thường gặp ở những phụ nữ sau mãn kinh, người già trên 60 tuổi hay ở một số trường hợp hay dùng những loại thuốc giảm đau có tác dụng phụ làm loãng xương như corticoid. Ngoài ra, có những chấn thương cột sống nhẹ do va đập hoặc vận động nặng hoặc cũng có thể tự phát do sức nặng của cơ thể cũng có thể gây ra xẹp đốt sống hay còn gọi là gãy lún đốt sống.
Khi một người bị bệnh lý loãng xương hoặc chấn thương, đốt sống bị lún xuống sẽ làm bệnh nhân đau nhức mình mẩy và gặp khó khăn trong sinh hoạt. Có người thậm chí còn không thể vận động được, phải nằm liệt một chỗ.
Trước đây, cũng đã có những phương pháp phẫu thuật điều trị xẹp đốt sống, nhưng chỉ áp dụng cho các trường hợp bị xẹp đốt sống do chấn thương và phương pháp tiến hành chỉ là mổ mở và dùng dụng cụ chuyên dụng để làm cho đốt sống chắc chắn trở lại. Nhưng, mổ mở mất nhiều thời gian và dễ gây nhiều tai biến. Trong khi đó, các trường hợp bị loãng xương thì phải sống chung với đau đớn suốt phần đời còn lại. Với những trường hợp vừa xẹp đốt sống do chấn thương vừa bị loãng xương thì không có cách phẫu thuật nào hiệu quả do xương của bệnh nhân giòn, dễ vỡ.
Bơm xi măng sinh học là một thủ thuật ít can thiệp. Sau khi đã xác định chính xác đốt sống bị tổn thương và nguyên nhân gây tổn thương, bác sĩ đặt bệnh nhân nằm sấp, gây tê tại chỗ + tiền mê, sát khuẩn, quan sát đốt sống cần bơm xi măng trên màn hình máy Xquang, rồi chọc kim chuyên dụng xuyên chân cung vào thân đốt sống và bơm xi măng sinh học vào, theo dõi qua màn hình tăng sáng. Số lượng xi măng được đưa vào nhiều hay ít tùy theo từng trường hợp cụ thể. Thông thường những trường hợp chấn thương thường chỉ phải bơm xi măng vào 1 đốt sống, còn những trường hợp bị loãng xương phải bơm xi măng vào nhiều đốt sống. Tuy nhiên với những trường hợp đa chấn thương kèm lún đốt sống thì điều trị đa chấn thương trước khoảng 2 tuần thì có thể tiến hành kỹ thuật này.
Bơm xi măng sinh học
Việc bơm xi măng sinh học vào thân đốt sống vừa có tác dụng gắn lại các chỗ gãy xương siêu nhỏ, vừa làm cho thân đốt sống trở nên ổn định, vững chắc, làm giảm sức nén cơ học và tăng sức chịu đựng cho thân đốt sống, giúp cho bệnh nhân giảm đau và phục hồi ổn định cột sống. Đây là một phương pháp ít xảy ra tai biến kỹ thuật hoặc biến chứng. Các kết quả sau điều trị trên thế giới cho thấy, sau khi được bơm xi măng, bệnh nhân hầu như không còn cảm thấy đau.
Tuy nhiên, với kỹ thuật bơm xi măng sinh học điều trị xẹp ống sống tuyệt đối không chỉ định cho những trường hợp bị chấn thương làm vỡ thành thân đốt sống, cũng như những trường hợp bị lún đốt sống do khối u đã di căn. Đây cũng là kỹ thuật khó, đòi hỏi bác sĩ phải là người đã thuần thục phẫu thuật bệnh lý cột sống bằng phương pháp mổ mở, từ đó mới xác định chính xác đường đi của kim, tránh tai biến và phải có trang thiết bị cần thiết.
Bệnh nhân có thể được xuất viện sau phẫu thuật 2 ngày, chi phí cho mỗi ca phẫu thuật chỉ tương đương 1/3 nếu thực hiện bằng kỹ thuật tương tự tại Singapore, hoặc cao hơn nữa tùy theo mỗi quốc gia.