1. Nhận biết các dạng rối loạn giấc ngủ
Có nhiều dạng rối loạn giấc ngủ, tất cả đều ảnh hưởng đến chất lượng và thời lượng giấc ngủ mỗi đêm. Có ba loại chứng khó ngủ được phân loại dựa trên nguyên nhân là rối loạn giấc ngủ nội tại, rối loạn giấc ngủ bên ngoài và rối loạn giấc ngủ nhịp sinh học.
► Rối loạn giấc ngủ nội tại
Rối loạn giấc ngủ nội tại là do một số loại vấn đề bên trong cơ thể. Nói ngắn gọn, cơ chế điều hòa giấc ngủ bên trong cơ thể đang bị trục trặc, chảng hạn như:
· Mắc Hội chứng chân không yên (RLS), cảm giác bắt đầu ở cẳng chân nhưng có thể gây đau hoặc khó chịu ở bất kỳ đâu trong chân nếu cử động chân khiến khó ngủ.
· Chứng ngưng thở lúc ngủ: Rối loạn này xảy ra khi đường hô hấp trên bị nghẽn khi ngủ, gây thức dậy để thở. Đôi khi còn ngáy to, tạo cảm thấy mệt mỏi hoặc uể oải vào ban ngày.
· Mất ngủ: Rối loạn này có thể cấp tính hoặc mãn tính, kéo dài hàng tuần hoặc hàng tháng. Có hai dạng là mất ngủ nguyên phát và thứ phát. Nếu thứ phát là do nguyên nhân bên ngoài, như căng thẳng hoặc thuốc. Do mất ngủ ban đêm nên ban ngày luôn cảm thấy quá mệt mỏi, suy giảm chất lượng cuộc sống.
· Chuyển động chân tay định kỳ trong giấc ngủ (PLMS). Chứng rối loạn giấc ngủ này khiến người trong cuộc giật mình, nhất là tay chân khi ngủ. Nguyên nhân vẫn chưa được biết nhưng hiện tượng giật thường đánh thức người đang ngủ và sau đó khiến họ cảm thấy mệt mỏi trong ngày.
► Rối loạn giấc ngủ bên ngoài
Rối loạn bên ngoài được gây ra bởi một cái gì đó trong môi trường giấc ngủ như ánh sáng, giường chiếu không phù hợp, lạ nhà, lạ giường , tiếng ồn, nóng bức, ăn uống muộn, thức quá khuya, lạm dụng chất kích thích, ngủ ngày nhiều…
►Rối loạn giấc ngủ nhịp sinh học
Thông thường, điều này ảnh hưởng đến những người làm việc theo ca, hay di chuyển nơi sinh sống ra nước ngoài. Những người làm việc ca đêm hoặc có lịch trình không đều đặn có thể cảm thấy khó đi vào giấc ngủ. Bạn cũng có thể gặp phải tình trạng rối loạn giấc ngủ do lệch múi giờ.
2. Các triệu chứng của chứng khó ngủ là gì?
Các triệu chứng rối loạn giấc ngủ phụ thuộc vào nguyên nhân cụ thể. Tuy nhiên, có một số dấu hiệu phổ biến cần chú ý:
· Mất hơn nửa giờ để ngủ vào ban đêm.
· Không thể ngủ và thức dậy thường xuyên suốt đêm.
· Thức dậy quá sớm vào buổi sáng và không thể ngủ lại được.
· Cảm thấy quá mệt mỏi trong ngày.
· Người bên cạnh không ngủ được do bạn ngáy to, hoặc cử động chân tay khi ngủ.
· Khi chìm vào giấc ngủ hoặc chợp mắt, bạn có những giấc mơ sống động và có cảm giác như thật.
· Khi mới thức dậy vào buổi sáng, người mệt mỏi như thể không thể di chuyển hoặc cơ thể nặng trĩu.
Thiếu ngủ có thể gây ra tình trạng cáu gắt, phản ứng chậm, khó đưa ra quyết định, rối loạn học tập ở trẻ em; sinh bệnh trầm cảm, suy giảm trí nhớ, thay đổi tính cách, béo phì, mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch…
3. Chứng khó ngủ điều trị thế nào?
Điều trị rối loạn giấc ngủ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra chứng mất ngủ. Bác sĩ của bạn có thể khám, giúp xác định nguyên nhân và kê thuốc để giúp các triệu chứng trở nên tốt hơn. Cũng có thể được hưởng lợi từ liệu pháp hành vi nhận thức để loại bỏ căng thẳng và lo lắng xung quanh việc cố gắng ngủ.
Các bác sĩ khuyên người lớn nên cố gắng ngủ từ bảy đến chín tiếng mỗi đêm, tuy nhiên thời lượng mỗi người khác nhau.
Sau khi biết được nguyên nhân gây khó ngủ, bác sĩ khuyên mọi người nên thực hiện các biện pháp như : Vệ sinh giấc ngủ (Sleep hygiene), nói đơn giản hơn là đi ngủ và dậy đúng giờ; không dùng các chất kích thích; nên có các bài tập thể dục sôi nổi vào buổi sáng sớm; tránh xa các hoạt động gây kích thích; nên massage hoặc ngâm chân nước ấm khoảng 20 phút trước khi đi ngủ.
Về ăn uống nên dùng một số loại thức ăn bổ dưỡng điều trị mất ngủ như trà hoa cúc, bột yến mạch hoặc thịt gà vào bữa tối, một cốc mật ong ấm trước khi ngủ,....giúp khắc phục bệnh mất ngủ mãn tính. Ngoài ra có thể dùng thuốc, Đông hay Tây y nhưng phải đi khám và dùng theo phác đồ của bác sĩ, không tự ý dùng, lâu ngày có thể phụ thuộc vào thuốc, hoặc để lại những phản ứng phụ ngoài mong muốn.
Tác giả bài viết: BVQT Minh Anh
Ý kiến khác