1. Đôi nét về bệnh suy tạng ở Việt Nam
Theo Viện Chiến lược và Chính sách Y tế, Bộ Y tế, nhóm bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường và bệnh phổi tắc nghẽn (COPD)… là thách thức lớn của thế kỷ 21 làm suy giảm sự phát triển kinh tế, đe dọa tiến trình thực hiện các mục tiêu phát triển trên toàn thế giới và của Việt Nam. Các cuộc khảo sát đều ghi nhận sự gia tăng đáng kể của tỉ lệ mắc tăng huyết áp của người dân sống ở khu vực thành thị và nông thôn trong giai đoạn 2015-2021.
Theo thống kê, nước ta hiện có khoảng 17 triệu người bị tăng huyết áp, tức là cứ 4 người trưởng thành có một người mắc bệnh tăng huyết áp. Đặc biệt, trong 17 triệu người mắc tăng huyết áp ở cộng đồng, trên 50% chưa được phát hiện và trên 70% chưa được điều trị.
2. Ăn mặn, uống ngọt- thủ phạm gia tăng suy thận ?
Duy trì chức năng thận tốt là điều quan trọng đối với sức khỏe nói chung vì các cơ quan đặc biệt này lọc chất thải và điều chỉnh cân bằng chất lỏng trong cơ thể chúng ta. Lựa chọn chế độ ăn uống có tác động lớn đến sức khỏe thận và hai thành phần cơ bản có trong nhiều loại thực phẩm thường được xem xét kỹ lưỡng: đường và muối.
Muối hay natri clorua có thể làm tăng lượng chất lỏng trong cơ thể khiến tim bạn phải làm việc nhiều hơn, dẫn đến tăng huyết áp theo cơ chế natri dư thừa trong cơ thể có thể dẫn đến giữ nước, làm tăng thể tích máu trong động mạch và cuối cùng là làm tăng huyết áp. Lạm dụng quá nhiều muối có thể dẫn đến tăng huyết áp, gây áp lực lên thận và lâu ngày có thể dẫn đến bệnh thận mãn tính (CKD) và trong những trường hợp nghiêm trọng là suy thận.
Theo khuyến cáo của Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA), những người bị huyết áp cao không nên tiêu thụ quá 1500mg natri mỗi ngày, tương đương khoảng 2/3 thìa cà phê muối.
Tiêu thụ quá nhiều đường có liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe, bao gồm béo phì, tiểu đường và bệnh tim mạch. Đề cập tới sức khỏe thận, tác động trực tiếp của đường ít rõ nét hơn, nó không gây hại trực tiếp cho thận, nhưng tiểu đường có thể dẫn đến tổn thương thận theo thời gian.
Theo tư vấn của bác sĩ chuyên khoa thận, bệnh tiểu đường không được kiểm soát có thể dẫn đến bệnh thận do tiểu đường, một tình trạng mà thận không thể lọc chất thải hiệu quả khỏi máu, có khả năng dẫn đến suy thận. Lượng đường hay đường huyết trong máu cao có thể gây tổn thương cho các mạch máu thận. Cụ thể hơn, khi lượng đường trong máu đạt đến một lượng nhất định, thận sẽ bắt đầu thải lượng đường dư thừa vào nước tiểu. Nếu không được kiểm soát, bệnh tiểu đường có thể gây tổn thương thận, khiến thận không thể thực hiện chức năng lọc chất thải trong máu. Điều này có thể dẫn đến suy thận. Do đó, điều quan trọng là phải hạn chế lượng đường nạp vào để duy trì sức khỏe tổng thể, bao gồm cả sức khỏe thận.
Cả đường và muối đều có thể có tác động tiêu cực đến sức khỏe thận, nên điều quan trọng cần lưu ý là ăn uống cân bằng, điều độ. Loại bỏ hoàn toàn một trong hai loại khỏi chế độ ăn uống là không cần thiết và không thực tế. Thay vào đó, hãy tập trung vào việc duy trì phương pháp tiếp cận cân bằng.
Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện nay có khoảng 7 triệu người Việt mắc bệnh tiểu đường. Tỷ lệ biến chứng lên đến 55%, chủ yếu là biến chứng tim mạch, mắt, thần kinh và thận. Nguyên nhân là do chưa có kiến thức đủ để phòng ngừa và chăm sóc bệnh như không tuân thủ phác đồ điều trị, chế độ ăn uống và vận động chưa phù hợp… Theo các bác sĩ, nguyên nhân chính của sự gia tăng các loại bệnh không lây nhiễm, điển hình là cao huyết áp, bệnh tim mạch, đái tháo đường là do lối sống và thói quen ăn uống. Trong đó, chế độ ăn thừa muối và natri có mối tương quan mật thiết tới tăng huyết áp cũng như các bệnh lý tim mạch.
Trung bình một người trưởng thành tiêu thụ 8,1g muối mỗi ngày nhưng người Việt chúng ta không ý thức được lượng muối đang nạp vào là nhiều hay ít. Theo chuyên gia Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nếu ăn một bát phở bò tái chín, lượng muối trong đó đủ cung cấp cho cơ thể trong một ngày, khoảng trên 3,34g muối; nếu là bò sốt vang cung cấp gần 483 kcal, chứa tới 4,6g muối.
Đối với người lớn, WHO khuyến cáo lượng natri dưới 2000mg/ngày, tương đương với lượng muối dưới 5 g/ngày (dưới một thìa cà phê). Đối với trẻ em từ 2–15 tuổi, WHO khuyến cáo nên điều chỉnh liều dùng cho người lớn xuống dựa trên nhu cầu năng lượng của trẻ
3. Chế độ ăn uống tốt cho thận
Nguyên tắc chung là giảm tiêu thụ đồ uống có đường, thực phẩm chế biến nhiều muối và món tráng miệng nhiều đường.
- Theo dõi lượng natri nạp vào cơ thể: Chú ý đến mức natri trong chế độ ăn uống bằng cách đọc nhãn thực phẩm và tránh ăn quá nhiều muối khi chế biến. Chọn thực phẩm tươi, nguyên chất thay vì chế biến sẵn.
- Uống đủ nước : Uống đủ nước là điều cần thiết để hỗ trợ chức năng thận.
- Duy trì chế độ ăn uống cân bằng: Bao gồm nhiều loại trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, protein nạc và chất béo lành mạnh để cung cấp cho cơ thể các chất dinh dưỡng thiết yếu.
Khi nói đến sức khỏe thận, cả đường và muối đều nên được tiêu thụ ở mức độ vừa phải. Trong khi lượng đường nạp vào quá nhiều có thể góp phần gây ra các tình trạng như tiểu đường, béo phì, hại cho gan, tim mạch… Còn muối nếu lâu ngày có thể gây hại cho thận, làm tăng huyết áp và gây căng thẳng cho thận.
Bằng cách duy trì chế độ ăn cân bằng, mọi người nên ưu tiên thực phẩm nguyên chất, chưa qua chế biến. Hãy nhớ rằng, những thay đổi nhỏ trong lối sống có thể giúp thận khỏe mạnh và bạn khỏe mạnh hơn rất nhiều.
- Nên khám sức khỏe định kỳ: Để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời thì việc khám bệnh định kỳ rất quan trọng. Bệnh nhân suy thận khi phát hiện cần điều trị đúng cách, đúng chuyên khoa, và đúng bác sĩ để ngăn chặn sớm các biến chứng có thể xảy ra.
Tác giả bài viết: BVQT Minh Anh
Ý kiến khác