Hiểm họa chó cắn nguy hiểm không kém dịch bệnh

Thứ bảy - 17/06/2023 08:16
Hiện nay bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu trong khi đó chó không tiêm phòng, thả rông khá phổ biến. Nếu bị chó cắn, nhất là trẻ nhỏ mà không xử lý đúng cách và kịp thời có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
bs nguyen thi bich thuy
BSCKI. NGUYỄN THỊ BÍCH THỦY
Trưởng khoa Khám bệnh

1. Những vụ chó cắn thương tâm xảy ra gần đây

Cuối tháng 3/2023, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tiếp nhận điều trị cho hai ca nhi nguy kịch, do chó cắn phát bệnh dại và hậu quả cả hai đã tử vong.

Đó là bé L.B.T. (hơn 3 tuổi, ở  huyện Quế Phong, Nghệ An) xuất hiện các triệu chứng nôn kèm co giật nên được gia đình đưa vào bệnh viện huyện. Người thân của bé T. cho biết bé thường xuyên tiếp xúc với chó, mèo. Trước khi xuất hiện các triệu chứng, gia đình có một con chó chết không rõ nguyên nhân. Trường hợp thứ hai là cháu V.Q.H. (9 tuổi, ngụ huyện Tân Kỳ) được người thân đưa vào Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cấp cứu ngày 10/3 với chẩn đoán bị bệnh dại. Cũng như bé T., cháu H. không tiêm phòng vắc xin sau khi tiếp xúc động vật bị bệnh và cũng không qua khỏi.

Mới đây nhất, hôm 22/5, tại xã Đồng Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình, cháu N. G. H (SN 2020) ở thôn Thuận Hoan, xã Đồng Hóa vừa tử vong do bị chó dại cắn. Trước đó khoảng 1 tháng, cháu bị chó của gia đình nuôi cắn vào vùng mặt và 4 ngày sau, con chó này bị chết. Sau khi bị chó cắn, cháu H được gia đình chăm sóc, điều trị vết thương nhưng không đưa cháu đi tiêm vắc-xin bệnh dại. Sau khi bị sốt cao gia đình đưa cháu đến Bệnh viện đa khoa huyện Tuyên Hóa để khám và được chẩn đoán bị bệnh viêm ruột. Sau điều trị cháu không hạ sốt mà tiếp tục lên cơn co giật, nói nhảm và có biểu hiện cào cấu, cắn người. Cho dù đã nỗ lực cứu chữa nhưng sau đó cháu đã tử vong và được xác định là do bệnh dại.

2. Đôi nét về tình trạng bị chó, mèo cắn

Tại nhiều quốc gia người ta đã ban hành đạo luật để kiểm soát nuôi thú cưng nhằm hạn chế bệnh dại khi động vật vượt tầm kiểm soát.  Bệnh dại truyền từ động vật lây sang người qua nước bọt bị nhiễm virus dại, qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh. Khi đã mắc bệnh dại và lên cơn, dù là động vật hay con người đều dẫn đến tử vong.

anh chup man hinh 2022 05 05 luc 19 33 03 317

Bệnh dại tiến triển theo hai thể, thể liệt hay hội chứng Landly và thể cuồng. Bệnh trải qua giai đoạn tiền triệu chứng, từ 1 đến 4 ngày trước khi chuyển sang giai đoạn viêm não. Khi đã phát bệnh, bệnh thường kéo dài từ 2- 6 ngày trở lên và dẫn đến tử vong do liệt cơ hô hấp.

3. Những điều cần làm  khi trẻ bị chó cắn ?

Hầu như tất cả các vết chó cắn làm rách da đều có nguy cơ nhiễm trùng do vi khuẩn sống trong miệng chó truyền sang. Một số vết thương tự lành mà không cần khâu nhưng các vết cắn trên mặt có thể gây giảm thẩm mỹ. 

Vết thương cần  được làm sạch hoàn toàn và sau đó được bác sĩ kê đơn thuốc kháng sinh co-amoxiclav trong 5 ngày để ngăn chặn nhiễm trùng. Cách tốt nhất là làm sạch vết thương và thực hiện tiêm phòng ngay. Rửa vết thương bằng phòng dưới vòi nước chảy liên tục trong thời gian từ 10-15 phút. Nếu không có xà phòng, có thể rửa tạm vết thương bằng nước sạch dưới vòi chảy liên tục 15 phút. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh dại. 

Ngoài ra, có thể rết thương cần được rửa sạch với cồn 70% hoặc dung dịch cồn iod hoặc các dung dịch tương tự nếu có. Sau đó đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt. Tránh băng bó, đắp thuốc kín vết thương, tránh khâu vết thương vì có thể khiến virus dại xâm nhập dễ dàng hơn.

Tiêm vắc-xin chính là biện pháp ngăn ngừa bệnh dại một cách  chủ động và toàn diện nhất. Mọi người nên chủ động tìm đến các cơ sở, trung tâm uy tín để tiêm phòng theo đúng lịch và đúng liều để ngăn ngừa bệnh một cách tốt.

Uốn ván: Nếu trẻ đã được tiêm tất cả các loại vắc-xin thông thường và vắc-xin cuối cùng được tiêm trong vòng 10 năm sau khi bị cắn, thì trẻ đã được bảo vệ khỏi bệnh uốn ván. Một số vết chó cắn có thể có nguy cơ mắc bệnh uốn ván cao hơn, và trong trường hợp này, hoặc nếu trẻ chưa được tiêm vắc-xin định kỳ, bác sĩ sẽ khuyên nên tiêm nhắc lại uốn ván và tiêm thêm một mũi phòng uốn ván.

Bệnh dại:  Ngay cả ở nơi  'không có rủi ro' về bệnh dại ở chó, thì khi trẻ bị chó cắn cần  báo cho bác sĩ hoặc y tá của bạn biết để họ có thể kiểm tra xem con bạn có cần tiêm phòng bệnh dại hay không .

Về chẩn đoán xác định: Dựa vào kết quả xét nghiệm kháng thể miễn dịch huỳnh quang trực tiếp (IFA) từ mô não hoặc phân lập virus trên chuột hay trên hệ thống nuôi cấy tế bào để chẩn đoán bệnh. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể lấy kết quả xét nghiệm miễn dịch huỳnh quang của các mảnh cắt da đã làm đông lạnh lấy từ dìa tóc ở gáy người bệnh hoặc chẩn đoán huyết thanh bằng phản ứng trung hoà trên chuột hay trên nuôi cấy tế bào. Ngày nay, với kỹ thuật mới có thể phát hiện được ARN của virus dại bằng phản ứng PCR hoặc phản ứng RT-PCR.
 
 

Tác giả bài viết: BVQT Minh Anh

Tổng điểm nội dung là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá

  Ý kiến khác

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Bạn cần hỗ trợ?