Nấm da đầu phòng tránh thế nào ?

Thứ sáu - 05/01/2024 08:58
Mưa phùn ẩm ướt mùa đông, lại trùm kín đầu do lạnh là điều kiện thuận lợi để các loại bệnh về da phát triển, trong đó có nấm da đầu, bệnh lý tuy không chết người nhưng gây khó chịu, giảm chất lượng cuộc sống và nhiều bất an khác.
nguyen an chau
BSCKII. NGUYỄN AN CHÂU
Chuyên khoa Nội tổng hợp
Bệnh viện Quốc tế Minh Anh

1. Nấm da đầu từ đâu ra?

Theo giới chuyên gia da liễu, khí hậu ẩm ướt,  không khí ô nhiễm khiến da con người dễ bị viêm, tạo thuận lợi để vi sinh vật và ký sinh trùng gây bệnh ngoài da phát triển.

Thủ phạm gây bệnh nấm da đầu là nấm sợi thuộc loài Trichophyton và Microsporum. Bệnh xuất hiện ở mọi mọi lứa tuổi, dễ nhầm với các bệnh khác về da đầu như chấy rận, vẩy nến, á sừng. Thông thường khi da bị nấm, người bệnh luôn khó chịu do ngứa ngáy, nếu để chậm không điều trị sẽ phát sinh nhiễm trùng, rụng tóc và để lại sẹo vĩnh viễn.

Nguyên nhân đa dạng, chủ yếu là do vệ sinh da không sạch sẽ, do lối sống, thói quen sinh hoạt thiếu khoa học, khiến đầu bẩn, tích gàu, hoặc do thói quen gội đầu vào buổi tối, không sấy khô rồi đi ngủ, sử dụng chung vật dụng cá nhân như lược, mũ, chăn gối, dao cạo râu…. của người mắc bệnh. Ngoài ra còn có nguyên nhân lây nhiễm nấm từ động vật, thú cưng hay vật nuôi gia đình, do ô nhiễm môi trường, tia UV trong ánh nắng mặt trời, hay do nguồn nước kém chất lượng….

Dấu hiệu nhận biết là da nổi gàu, ngứa ngáy, xuất hiện mụn, rụng tóc, xuất hiện các mảng hói gây tự ti về vẻ bề ngoài và nhiều hệ lụy tinh thần lẫn thể chất khác.

2. Giải pháp phòng ngừa, chữa trị

Để chữa trị hiệu quả nấm da đầu, các chuyên da da liễu khuyến cáo đã được ứng dụng thành công:

Trước tiên, cần phát hiện sớm biểu hiện bệnh.

Cần giữ vệ sinh sạch sẽ bởi môi trường ẩm ướt là điều kiện lý tưởng để các loại nấm da đầu phát triển. Sau khi tắm gội, bạn nên dùng một chiếc khăn khô sạch để lau khô tóc. Lưu ý không dùng khăn này để lau khô người. Sau khi sử dụng khăn, bạn nên giặt lại bằng nước ấm và phơi khô ngay trước lần sử dụng sau đó. Cách làm này giúp hạn chế tình trạng nấm lây lan, hỗ trợ hiệu quả cho các biện pháp điều trị nấm da đầu khác.

Chỉ nên gội 3 lần/tuần, hoặc nếu đi mưa về tóc ướt cũng nên gội qua với nước sạch để bảo vệ tóc khỏi các axit có trong nước mưa sau đó nên sấy khô.

Vào buổi tối chỉ nên gội bằng nước ấm, thay vì gội bằng nước lạnh bởi nước lạnh có thể tiếp tay cho nấm da phát triển. Nước ấm không chỉ giúp da đầu bớt ngứa mà còn làm phá vỡ các mảng bám trên da do nấm tạo ra. Nên sấy khô tóc hoàn toàn trước khi lên giường, điều này sẽ tránh được bệnh đau đầu kinh niên và ngăn ngừa nấm tái phát. 

 Cách trị nấm da đầu tại gia bằng nguyên liệu tự nhiên:

·       Dùng bồ kết:

Nên dùng bồ kết để gội đầu vì bồ kết giàu acid oleanic và acid echynocystic giúp sát khuẩn da đầu, giảm ngứa và trị nấm tận gốc. Trước khi gội, nên nướng bồ kết trên than hồng, sau đó cho vào đun sôi. Nên gội 2 ngày một lần, nấm tóc sẽ giảm sau 2-3 tuần. Sau khi gội có thể sử dụng thuốc trị nấm, kể cả dạng uống và dạng kem bôi, nhưng dạng uống thường có tác dụng tốt hơn.

·       Trị nấm da đầu bằng lá chè xanh

Lá chè xanh là một dược liệu lành tính, thường được dùng để thanh nhiệt giải độc và cũng là một nguyên liệu hiệu quả trong điều trị nấm da đầu vì có chứa nhiều thành phần hoạt chất hữu ích như polyphenol, epicatechicalat, epicatechin,… đã được chứng minh có tính kháng khuẩn, chống nấm và chống oxy hóa hiệu quả.

Cách làm là đun sôi 1 nắm lá chè xanh tươi, đun sôi trong 3 lít. Đổ nước chè xanh vừa nấu ra thau, pha thêm nước sạch cho đến khi nước ấm vừa để gội đầu.  Khi gội đầu dùng tay massage nhẹ nhàng khoảng 5-10 phút để tinh chất từ lá chè thẩm thấu vào da đầu.

·       Gội lá trầu không

Gội đầu với nước sắc lá trầu không là một cách trị nấm da đầu tại nhà hiệu quả và an toàn. Với thành phần giàu chất kháng viêm, kháng nấm và sát trùng mạnh mẽ, lá trầu không thường được dùng nhiều trong các bài thuốc trị bệnh da liễu, đặc biệt là các bệnh nấm ngoài da.

·       Gội đầu bằng lá ổi

Lá ổi là một trong các loại thảo dược dễ tìm, được trồng ở nhiều nơi Gội đầu với nước lá ổi không chỉ giúp bạn ức chế hoạt động của vi khuẩn, nấm men mà còn giúp giảm ngứa. Ccash làm giống như gội bằng trà xanh hay lá trầu không nêu ở trên.

Cách phòng ngừa nấm da đầu hiệu quả nhất vào mùa mưa là mang nón mũ, trang phục khi ra ngoài trời, nhất là lúc mưa. Mũ nón không chỉ che mưa nắng, mà còn ngăn ngừa khói bụi gây hại cho tóc. Nên dùng chất tẩy rửa chuyên dụng an toàn với tóc để vệ sinh nón mũ. Tránh dùng các chất tẩy công nghiệp có cường độ mạnh, vì nó không an toàn cho da tóc do phải đội nón mỗi ngày. Khi gội không dùng xà phòng gội hay nước có độ tẩy gàu cao, không cào gãi mạnh, nên xả nhiều nước sau khi gội, làm khô tóc triệt để sau khi gội hay đi ngoài trời mưa về.

Vào mùa đông không đội mũ quá chật và ủ quá lâu. Khi thấy ngứa và nổi mẩn lâu ngày, cần đi khám chuyên khoa da liễu để được tư vấn đầy đủ, đặc biệt là dùng thuốc. Nên nhớ, nếu được phát hiện và điều trị sớm, đúng cách, có chế độ gội đầu hợp lý, ăn uống khoa học…bệnh tình có thể chữa khỏi vĩnh viễn.
 

Tác giả bài viết: BVQT Minh Anh

Tổng điểm nội dung là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá

  Ý kiến khác

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Bạn cần hỗ trợ?