NGHỆ THUẬT GIAO TIẾP TRONG Y KHOA

Thứ bảy - 24/12/2022 08:50
Trong thực hành lâm sàng hàng ngày tại bệnh viện, phòng khám bệnh hay các phòng mạch, thường xuyên diễn ra các hoạt động giao tiếp giữa bệnh nhân với nhau, giữa các đồng nghiệp trong ngành y và quan trọng nhất là giao tiếp giữa thầy thuốc và bệnh nhân. Hoạt động này góp phần chính yếu trong việc quyết định sư thành bại của công tác chẩn đoán và điều trị. Trong phạm vi bài này, chúng tôi chỉ muốn đề cập đến: nghệ thuật giao tiếp với bệnh nhân.
pgs ts bs nguyen hoai nam
PGS TS BS Nguyễn Hoài Nam
Phẫu thuật viên Lồng ngực Tim mạch
Giảng viên chính Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh
1. Các yếu tố ảnh hưởng đến sự giao tiếp:
  1. Yếu tố đặc trưng của sự giao tiếp giữa thầy thuốc và bệnh nhân:
Theo các chuyên gia về tâm lý học Y học thì: loại hình giao tiếp chính giữa thầy thuốc và bệnh nhân là giao tiếp bằng lời nói. Trong đó, chủ thể và khách thể có thể là những cá nhân đơn lẻ: thầy thuốc và bệnh nhân, hoặc giữa thầy thuốc với tập thể gia đình bệnh nhân, hoặc giữa tập thể thầy thuốc với tập thể gia đình bệnh nhân. Trong mỗi trường hợp như vậy, người thầy thuốc có một vai diễn khác nhau.

Các phương tiện dùng để giao tiếp ngày càng hiện đại, đi đôi với sự phát triển của ngành công nghệ thông tin. Bạn có thể sử dụng điện thoại, sử dụng các hình ảnh có được, các bằng chứng về bệnh tật mà mình có để thuyết phục bệnh nhân cùng gia đình. Tuy nhiên cách giao tiếp tốt nhất hiện nay phù hợp với hoàn cảnh, phong tục, tập quan của người Việt Nam là giao tiếp trực tiếp. Bạn cũng nên nhớ một đặc điểm rất quan trọng là ở Việt Nam, vai trò của gia đình bệnh nhân là rất quan trọng, phần lớn các vụ kiện cáo, những nỗi khó chịu đều xuất phát từ những thành viên trong gia đình chứ không phải từ chính người bệnh.

Uy tín, phong cách và trang phục của ngừơi thầy thuốc đôi khi đóng một vai trò rất quan trọng trong kết quả của cuộc giao tiếp. Các bạn có đọc bài viết của chúng tôi về mốt trong Y khoa đăng trên tạp chí mốt Việt Nam và tuần báo Sức Khoẻ và Đời sống? Không hiểu các  bạn nghĩ sao chứ, nếu tôi bị bệnh, một Bác sĩ ăn mặc lôi thôi, áo Blouse nhàu nát, chân đi dép lê bảo mổ cho tôi, tôi cũng đành nói: xin Bác sĩ cho em nghĩ lại đã và sau đó là khăn gói quả mướp ba sáu chước thì tẩu vị thuợng sách?

  1. Các yếu tố của Thầy thuốc và bệnh nhân:
Yếu tố đầu tiên cần kể đến là năng lực, trình độ chuyên môn của thầy thuốc và trình độ văn hoá cũng như những hiểu biết về xã hội, Y học của bệnh nhân. Là nền tảng cơ bản cho cuộc giao tiếp.

Phải thống nhất với nhau ngay từ đầu về nhiệm vụ, mục tiêu và hiệu quả của cuộc giao tiếp là nhằm đến một kết quả tối ưu trong chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa bệnh tật. Để tránh cho cuộc giao tiếp không đi chệch hướng và trở thành cuộc tranh luận tay đôi, có nhiều hậu quả xấu không lường trước được.

Kỹ năng giao tiếp, nhất là kỹ năng đã được học tập, rèn luyện, các kinh nghiệm về ứng xử, khả năng trình bày mạch lạc, liên tục của người thầy thuốc sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả của buổi nói truyện.

Ngoài ra còn phải kể đến sự linh hoạt, sáng tạo và nghệ thuật giao tiếp của cả thầy thuốc và bệnh nhân, cũng như đặc điểm của cá nhân thầy thuốc như: vẻ mặt, ánh mắt, nụ cười, giọng nói v.v…các đặc trưng về bệnh tật của bệnh nhân: bệnh nhẹ, bệnh nan y, bệnh có khả năng tử vong v.v…cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả của sự giao tiếp.

  1. Các yếu tố về môi trường xã hội và điều kiện giao tiếp:
Trình độ phát triển của nền kinh tế, văn hoá, xã hội nói chung và trình độ phát triển của Y học, tâm lý học nói riêng.
Đặc điểm phong tục, tập quán, dân tộc và tôn giáo của bệnh nhân và thầy thuốc.
Chức năng, nhiệm vụ và chức vụ của người thầy thuốc cùng các thành viên trong nhóm thầy thuốc.
Địa điểm, thời gian, không gian v.v… của cuộc giao tiếp.
  1. ............ Số tiếp theo ngày 26/12/2022: Các quy tắc cơ bản trong giao tiếp

Tác giả bài viết: BVQT Minh Anh

Tổng điểm nội dung là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá

  Ý kiến khác

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Bạn cần hỗ trợ?