NGHỆ THUẬT GIAO TIẾP TRONG Y KHOA

Thứ hai - 26/12/2022 09:11
pgs ts bs nguyen hoai nam
 PGS TS BS Nguyễn Hoài Nam
Phẫu thuật viên Lồng ngực Tim mạch
Giảng viên chính Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh
  1. 2. Các quy tắc cơ bản trong giao tiếp:

Điều đầu tiên là cần xác định rõ cụ thể mục đích của cuộc giao tiếp là: Nhằm chẩn đoán bệnh chính xác và có phương pháp điều trị hợp lý. Trong quá trình giao tiếp, thầy thuốc vừa là diễn viên vừa là tác giả kịch bản vừa là đạo diễn.

Bước đầu tiên của cuộc giao tiếp là thu thập thông tin: Muốn có những thông tin chính xác và đa dạng về bệnh tật của bệnh nhân, người thầy thuốc cần phải chủ động tiếp xúc với nhiều đối tượng xung quanh người bệnh như: cha mẹ, anh em hay những người thân thuộc. Phải có thái độ tích cực và chủ động, cân nhắc kỹ càng trước mỗi thông tin dù là nhỏ nhất. Muốn đạt được điều này, người thầy thuốc phải có những kiến thức rộng, quan hệ xã hội phong phú bên cạnh vốn chuyên môn vững. Điều này, nói thật ra phần lớn những thầy thuốc của chúng ta đều thiếu. Cũng dễ hiểu thôi, khi mà hầu hết  chúng ta khi vào học trong trường Y khoa, đều chỉ cắm cúi học hành về chuyên môn, trong các buổi nói chuyện, mọi người đều chỉ ca ngợi những thầy thuốc giỏi về chuyên môn. Họ quên rằng: hiệu quả chữa bệnh mới là mục đích cuối cùng của ngành y. Nhất là trong thời đại bùng phát của khoa học  kỹ thuật của thông tin và mọi ngành nghệ thuật. Ngày nay, ở rất nhiều quốc gia trên Thế giới, người ta quan niệm: nghệ thuật chữa bệnh chứ không phải chỉ là chữa bệnh. Muốn nâng cao chất lượng cuộc sống, tất cả mọi thứ đều phải nâng lên hàng nghệ thuật. Chúng ta phải trở thành những người nghệ sĩ trong nghệ thuật chữa bệnh, chứ không phải là những người thợ. Nghệ thuật giao tiếp chính là một phần rất quan trọng của nghệ thuật chữa bệnh.

Chuẩn bị kỹ thời gian, địa điểm và khung cảnh của cuộc giao tiếp: Nơi giao tiếp cần phải sạch sẽ, rộng rãi, trang trí hài hoà với màu sắc trang nhã và khoa học. Cần phải giải quyết tốt đẹp mối quan hệ với các thành viên trong gia đình, cũng như hàng xóm láng giềng của bệnh nhân, trước khi tiến hành giao tiếp với người bệnh.

Không nên giao tiếp giống nhau với những bệnh nhân khác nhau: Phải phân biệt được type thần kinh của bệnh nhân cũng như khuynh hướng hoạt động trong xã hội của họ mà chọn phương pháp giao tiếp thích hợp. Có những bệnh nhân rất khó giao tiếp như những người tự kỷ, có lòng tự tôn quá cao, ích kỷ, phô trương, không tự kềm chế, không nói thật v.v…Ngược lại, người thầy thuốc cũng rất khó thành công khi không lịch sự, không tế nhị, có những hành vi cử chỉ quá lố, nói năng thiếu quả quyết, nghĩ một đàng và làm một nẻo. Chúng ta cũng cần phải biết kích thích, cuốn hút người bệnh, biết giúp họ vượt qua sự e dè, lo lắng và các chướng ngại xảy ra trong quá trình giao tiếp.

Quan sát kỹ bệnh nhân khi giao tiếp, để từ đó hiểu rõ hơn về bệnh nhân về bệnh tật và cuộc sống tinh thần. Khi quan sát cần nhìn bệnh nhân ở tư thế nghiêng, vì lúc này bộ mặt của bệnh nhân đẹp và trung thực nhất. Khi quan sát ở tư thế nhìn thẳng, do trạng thái thần kinh căng thẳng, nét mặt bệnh nhân trở nên căng thẳng, thiếu tự nhiên. Khi đối mặt trong trò chuyện, nếu thầy thuốc cúi mặt xuống sẽ làm cho câu chuyện trở nên kém thuận lợi. Nét mặt thâm trầm sẽ tạo cảm giác buồn tẻ, nét mặt cau có sẽ gây khó chịu trong giao tiếp.

Trang phục của thầy thuốc: Là yếu tố rất quan trọng mà trong một thời gian dài vừa qua, hình như chúng ta đã bỏ quên. Đó là một trong những cách thể hiện bản thân của người thầy thuốc tốt nhất. Những kiểu ăn mặc quá cầu kỳ, không đúng quy định của ngành Y tế hoặc quá đơn giản đến mức độ cẩu thả cũng không thích hợp cho việc giao tiếp và điều trị bệnh nhân. Việc ăn mặc theo kiểu hiện đại, hấp dẫn và diêm dúa, làm nổi bật mình một cách quá đáng sẽ là biểu hiện của những thầy thuốc thiếu tự tin trong chuyên môn và về chính bản thân mình của người Thầy thuốc. Một trong những kinh nghiệm cho thấy: những người có mặc cảm tự ti thường cố gắng sử dụng quần áo để che đậy những cái mà mình còn thiếu. Cách ăn mặc hài hoà, tự nhiên thường có ở những người biết tự lập và tự trọng trong công việc.  Ngoài trang phục của thầy thuốc ra, chúng ta cũng phải quan sát trang phục của bệnh nhân, tất nhiên không phải là quần áo của bệnh viện rồi, để từ đó biết được trạng thái tâm lý và type người của họ, nhằm chọn ra phương thức giao tiếp thích hợp.

Phải tự giới thiệu về mình trước khi giao tiếp với bệnh nhân: Phải biết tự quảng cáo mình và sử dụng những người khác tuyên truyền cho mình. Tuyên truyền cho bạn bè cũng có nghĩa là tuyên truyền cho mình, bệnh nhân sẽ hiểu mình thông qua bạn bè của thầy thuốc. Song không được tự cao tự đại, khoe khoang, tán dương quá mức. Cần làm cho mọi người hiểu về sự tồn tại, giá trị đích thực của bản thân và không ngừng tự hoàn thiện mình. Cần tạo cho người bệnh ấn tượng tốt đẹp về mình là người thầy thuốc. Nhất là ấn tượng ở lần gặp gỡ, tiếp xúc đầu tiên. Nếu để lại ấn tượng không đẹp, sẽ mất nhiều thời gian để làm lại. Trong giao tiếp, thỉnh thoảng cũng phải thể hiện tính đột phá, gây ấn tượng mới mẻ và bất ngờ trong cách tiếp xúc. Cần xây dựng hình tượng rõ ràng về bản thân của người thầy thuốc. Hình tượng này phải được thống nhất về nội dung và hình thức, từ tính cách đến trang phục v.v…nếu không xây dựng được tốt, bị người bệnh ngộ nhận thì sẽ rất khó giao tiếp thành công. Người bệnh sẽ coi thường thầy thuốc và giữ khoảng cách trong giao tiếp. Không giao tiếp với bệnh nhân trong trạng thái tinh thần và sức khoẻ mệt mỏi và luôn chủ động để gây thiện cảm với người bệnh.

Phải có thói quen nhún nhường, khiêm tốn đối với bệnh nhân: Là người thầy thuốc, rất cần phải quan tâm, giúp đỡ bệnh nhân trong phạm vi cho phép. Song không nên vì giúp đỡ người khác để đề cao uy tín của mình. Những tính toán so đo, hơn kém đều không có lợi cho giao tiếp. Cần phải đề cao ưu điểm, có thái độ đúng đắn với những khuyết điểm. Cần phải tích cực khích lệ người bệnh vượt qua bệnh tật. Không được giao tiếp bằng những định kiến hẹp hòi. Cần phải có trái tim, tích cực đem những cái mà người thầy thuốc có: kiến thức, thời gian, sức lực và nhất là lòng nhiệt tình để giao tiếp với người bệnh. Đối xử bằng lòng tốt, tình thân ái và sự nhiệt tình cùng lòng bao dung, thông cảm với những khó khăn của bệnh nhân. Phải làm cho họ đồng thuận với mình trong chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân. Trong giao tiếp cần phải đối xử bình đẳng với bệnh nhân. Nhất là bệnh nhân nữ, cần phải giao tiếp ở những nơi sáng sủa, công khai. Phải săn sóc, quan tâm đến họ nhưng không nên quá dễ dãi và không cần phải quan tâm quá đặc biệt. Bệnh nhân nữ thường có trực giác nhạy cảm, nên không được sử dụng thủ đoạn gian dối.

Biết duy trì trạng thái cân bằng về tâm lý trong khi giao tiếp: Người thầy thuốc phải biết loại bỏ cảm giác mệt mỏi, lo âu, giận dữ, đơn độc và hồi hộp v.v…bằng cách tự vấn an, tự kỷ ám thị. Không nên xấu hổ trước người bệnh vì xấu hổ là tỏ ra yếu kém và ý thức quá mạnh về bản thân mình. Thái độ ân cần, tự nhiên chính là bí quyết quan trọng giúp thành công trong giao tiếp. Khắc phục sự lúng túng bằng cách luyện ý chí: tập trung vào một điểm và thường xuyên luyện tập thể chất, tinh thần, tránh các căng thẳng quá mức về nội tâm.

Thầy thuốc phải biết cách tự đạo diễn cuộc tiếp xúc với bệnh nhân: Tự mình tìm ra lối diễn xuất thích hợp với từng người bệnh, cần phải dẫn dắt người bệnh theo chủ đề đặt ra từ đầu của cuộc tiếp xúc. Không đề cập đến những vấn đề mà mình không biết, không nằm vững hoặc không liên qua đến chủ đề của cuộc giao tiếp. Phải bắt đầu cuộc giao tiếp một cách nhẹ nhàng. Nếu chưa tìm ra được chủ đề chung thì  trước hết hãy bắt đầu thể hiện bản chất của mình, cười nói vui vẻ, thật lòng với những chuyện xung quanh và tự giới thiệu về mình. Cần lựa chọn thời điểm thích hợp nhất để đi vào cuộc tiếp xúc một cách có hiệu quả.

Phải biết lựa chọn thứ tự các bước để giao tiếp được thuận lợi. Trong khi giao tiếp, cần chú ý đến thái độ, ánh mắt, vẻ mặt v.v…của bệnh nhân xem họ có sốt ruột hay không? Có giữ được bình tĩnh khi biết về bệnh tật của mình hay không? Mà từ đó quyết định có tiếp tục hay dừng cuộc nói chuyện. Những dấu hiệu cần phải dừng cuộc giao tiếp là nhìn thấy ánh mắt của bệnh nhân không còn sinh khí, mắt nhìn đi chỗ khác, lạc thần v.v…

Trong giao tiếp, không cần phải quá chú ý đến tính hợp lý của buổi nói chuyện, vì nó sẽ không được mọi người đồng tình, ngoài ra nó còn tạo nên cảm giác cách biệt và tâm linh trở nên cứng nhắc, nhạt nhẽo. Nếu người thầy thuốc chỉ tính đến lợi ích quản lý, không điều khiển cuộc nói chuyện bằng nhân bản tính thì cuộc nói chuyện sẽ bị thất bại. Chúng ta không thể tìm được nguồn năng lượng nội tâm. Phải thường xuyên đốt cháy nguồn năng lượng này và trao đổi nó với người bệnh để tạo sự đồng thuận trong chẩn đoán và điều trị. Đôi khi cần phải thoát khỏi một số ràng buộc: Những người có tình nghĩa thường có quan hệ giao tiếp tốt đẹp. Họ có tinh thần hy sinh bản thân mình. Song, nếu cứ giao tiếp với ai cũng tốt đẹp thì họ sẽ mất dần đi các góc cạnh và tính độc đáo của bản thân. Cần có dũng khí để khắc phục những ràng buộc, những mê hoặc và tự mình tìm ra cách suy ngĩ, cách làm mới, sát với thực tế hơn. Quyết đoán và dũng cảm sẽ làm cho ta hạnh phúc hơn. Khi gặp những khủng hoảng và những nguy cơ xấu trong cuộc sống thì cần phải đấu  tranh khắc phục, nhanh chóng thoát khỏi nghịch cảnh, xây dưng tương lai để tự mình vươn lên. Lúc này không nên hành động theo thông lệ hoặc theo sự chỉ đạo của người khác mà phải hành động theo tâm ý trung thực nhất, xuất phát từ con tim của mình. Khi gặp rắc rối, không nên rời bỏ vai trò diễn viên và đạo điễn của mình, vì như thế sẽ rơi vào tình trạng hưu quạnh, muộn phiền. Khi mà vai diễn chính của mình không còn nữa, thì cuộc đời mình trở thành con người khác, sự năng nổ và nghị lực không còn và hậu quả rất xấu sẽ xảy ra. Lúc này chỉ còn cách thắp lên ngọn lửa của ý chí, khắc phục lo âu, tìm mọi cách để vượt qua trắc trở. Sau nhiều vấp váp, con người sẽ trưởng thành bằng chính sức mạnh nội lực của mình.

Cần phải tuân theo những khuôn phép của cuộc giao tiếp: Thầy thuốc cần phải hiểu và thực hiện nghiêm túc vai diễn của mình và tạo điều kiện tốt để cho bệnh nhân cũng hoàn thành kỹ thuật diễn xuất. Người thầy thuốc phải chứng minh được sự tồn tại của mình, vì nếu mình không tồn tại thì mọi cái khác cũng sẽ không tồn tại. Phải giành lấy tình cảm của bệnh nhân và thân nhân bệnh nhân bằng cách hành động đúng chỗ, đúng lúc và có hiệu quả thiết thực.

Cần phải có một chút khôi hài, vui vẻ trong khi giao tiếp: Có một vị danh nhân đã nói: “Nguời biết hài hước là con người thông minh”, người thầy thuốc cần có tính cáchh vui vẻ, hài hước, linh hoạt, làm cho người bệnh có ân tượng sâu sắc. Qua những câu chuyện vui để nắm bắt lòng người và chi phối hành động của họ.

- Trong các buổi giao tiếp không thể chỉ xây dựng bằng sự hợp lý hoá, tiết kiệm tiền của, sức lực và thời gian của người Bác sĩ mà còn phải chú ý đến việc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm trong từng thời kỳ của buổi nói chuyện. Chuyện tặng quà giữa bệnh nhân và thầy thuốc là biểu hiện tấm lòng, khi nhận quà thì cả thầy thuốc và bệnh nhân đều thấy vui khi cho và nhận. Tuy nhiên người Bác sĩ không được vì quà biếu mà quên đi trách nhiệm và ngĩa vụ phục vụ người bệnh của mình.

Khi tiến hành giao tiếp bằng ngôn ngữ, cần phải nhanh chóng nói ra trọng điểm của đề tài. Muốn truyền đạt vấn đề có kết quả, cần phải có những kiến giải độc đáo. Không nên nói những lời lẻo mép, những điều làm cho bệnh nhân không được vui. Không nên trình bày quá tường tận mọi việc hoặc phô bày toàn bộ những điều mà mình muốn nói. Cần phát biểu một cách tóm gọn, có trọng tâm, có lời giải thích dễ hiểu và sớm đưa ra kết luận về những điều mình đề cập. Cần phải biết lắng nghe. Biết nghe, sẽ làm cho người bệnh biết nói. Cần để cho người bệnh trình bày hết mọi ý và sớm tìm ra những lý lẽ trong cõi lòng của họ. Cố gắng thu lượm những ý kiến bổ ích. Không nên sử dụng những lý lẽ thiếu tình cảm. Những thầy thuốc mà lúc nào cũng muốn dùng lý luận logic để giao tiếp thì sẽ trở thành cứng nhắc, không được người khác hoan nghênh, đôi khi còn gây nên những phản ứng xấu. Khi nói cần phải trôi chảy, mạch lạc, có ngữ điệu, ôn hoàvà lễ độ. Tránh dùng những từ không cính xác và thô lỗ. Giọng nói cương quyết là cực kỳ quan trọng. Nếu nói nhỏ sẽ làm cho người nghe có cảm giác người nói thiếu quyết đoán. Nên sử dụng nhiều câu khẳng định, khéo léo trong khi dùng các động tác phi ngôn ngữ khi minh hoạ như gật đầu, nhướn người, mở mắt to tỏ vẻ ngạc nhiên v.v… Trong giao tiếp, rất cần sự chân thực, nhưng không cần phải bộc lộ hết những cái mà mình có. Điều này rất quan trọng để giữ vững khu vực của mình và không xâm phạm sang lĩnh vực của người khác. Nếu cần phải lộ bí mật, cũng nên chỉ dừng ở những giới hạn cần thiết. Mỗi người đều có cái riêng của bản thân mình và không nên đem cái riêng của người này áp đặt cho người khác. Mặt khác, đôi khi cũng cần giả vờ không biết đối với những việc đã biết, đôi khi cũng rất cần thiết. Cần cho người bệnh biết những điều cần thiết về bệnh tật của họ, nhưng không phải là cho biết hết. Luật pháp không cấm điều này.

Hãy chào hỏi nhau một cách tự nhiên và nói câu: “Tôi có thể giúp gì được cho bạn” một cách thuận miệng và chân thành. Theo kinh nghiệm từ xưa chúng ta đều biết: tâm trạng con người được phản ánh rõ trong ngữ điệu âm thanh và tình cảm của câu chào. Khi chúng ta có tâm trạng vui vẻ, ngữ điệu của âm thanh sẽ hoạt bát, nhẹ nhàng và thuận tai. Lời chào buổi sáng sẽ thể hiện tâm trạng giao tiếp trong cả ngày hôm đó. Trườc khi chào mọi người, nên chào hỏi chính mình để giữ được thăng bằng về tâm lý. Hãy chúc nhau một ngày mới với mọi điều tốt lành.

Kết thúc buổi giao tiếp một cách hợp lý: gây được ấn tượng sâu sắc cho người bệnh và tạo được bước nối tiếp cho những lần gặp sau.

Số tiếp theo: ngày 27/12/2022
 

Tác giả bài viết: BVQT Minh Anh

Tổng điểm nội dung là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá

  Ý kiến khác

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Bạn cần hỗ trợ?