Sống khỏe | Thấy gì qua nghiên cứu trường thọ, hạnh phúc dài 85 năm

Thứ năm - 08/06/2023 12:59
Khỏe mạnh, sống lâu và hạnh phúc là mong ước của con người nhưng để làm được điều này người ta cần những gì? Trả lời câu hỏi trên, năm 1938 Trường Y Harvard (HMS) Mỹ đã thực hiện một nghiên cứu dài kỳ. Dưới đây là một số điểm nhấn rút ra từ nghiên cứu, cung cấp cho chúng ta nhiều điều bổ ích.
pgs ts bs nguyen hoai nam
PGS.TS.BS. NGUYỄN HOÀI NAM
Giảng viên cao cấp ĐH Y Dược TP. HCM
Chuyên gia Tim mạch - Lồng ngực Bệnh viện Quốc tế Minh Anh

1. Giới thiệu sơ lược về nghiên cứu

Dự án có tên Harvard Study of Adult Development (Nghiên cứu Harvard về Phát triển ở người lớn), gọi tắt SAD, theo dõi 724 người đàn ông từ khi còn là thanh thiếu niên, dự án bắt đầu vào năm 1938. Hiện còn khoảng 60 người đàn ông, tuổi 90 còn sống và có hoàn cảnh kinh tế và xã hội khác nhau, sống ở những khu vực nghèo nhất Boston cho đến sinh viên đại học Harvard.

Cụ thể, từ cuối những năm 1930, một nhóm các nhà nghiên cứu đã theo dõi tổng cộng 268 sinh viên tốt nghiệp Harvard từ các lớp 1939 đến 1944, cùng với 456 thanh niên tình cờ lớn lên ở nội thành Boston cùng thời điểm. Trong số người tham gia có cả Tổng thống Mỹ  John F. Kennedy, lúc đó ông là sinh viên tình nguyện tham gia nghiên cứu. Trong nhiều năm, các nhà khoa học đã thu thập tất cả các loại thông tin về sức khỏe và cứ hai năm một lần, lại đưa ra những câu hỏi cho các thành viên về cuộc sống cũng như sức khỏe tinh thần và cảm xúc của bản thân. Thậm chí còn phỏng vấn các thành viên trong gia đình.

Theo giáo sư tâm thần học Robert  J. Waldinger, hiện là người đứng đầu nghiên cứu, nhóm của ông đã phát hiện ra rằng những đặc điểm và hành vi cụ thể có liên quan trực tiếp đến mức độ gia tăng hạnh phúc trong toàn bộ nhóm. Trái ngược với những gì mọi người có thể nghĩ, chìa khóa không phải là thành tích nghề nghiệp, tiền bạc, thể chất hay chế độ ăn uống lành mạnh. Phát hiện nhất quán nhất này là các mối quan hệ xã hội tích cực sẽ giúp chúng ta hạnh phúc hơn, khỏe mạnh hơn và sống lâu hơn. “ Thông điệp rõ ràng nhất mà chúng tôi nhận được từ cuộc nghiên cứu kéo dài 75 năm này là: Những mối quan hệ tốt, tích cực giúp chúng ta hạnh phúc và khỏe mạnh hơn”, giáo sư Robert  J. Waldinger nhấn mạnh.

2. Vì sao mối quan hệ xã hội tích cực được xem là chìa khóa hạnh phúc?

HMS gọi đây là ‘chìa khóa số 1” theo thuật ngữ Social fitness. Thuật ngữ này đa nghĩa có thể hiểu là mối quan hệ xã hội tích cực hay ‘thể dục xã hội” bởi các mối quan hệ ảnh hưởng đến thể chất. Ví dụ, ta cảm thấy phấn chấn khi tin rằng ai đó đã thực sự hiểu mình trong lúc trò chuyện vui vẻ hay bất an khi thiếu ngủ trong khoảng thời gian xung đột.

Để đảm bảo các mối quan hệ lành mạnh và cân bằng, điều quan trọng là phải rèn luyện “sự phù hợp về mặt xã hội”. Chúng ta có xu hướng nghĩ rằng khi thiết lập tình bạn và các mối quan hệ thân thiết, họ sẽ tự lo cho mình. Nhưng đời sống xã hội của chúng ta là một hệ thống sống, sinh động, cần vận động. Sự phù hợp với xã hội đòi hỏi phải xem xét các mối quan hệ và trung thực với bản thân về nơi chúng ta đang dành thời gian của mình và liệu chúng ta có đang hướng tới những mối quan hệ giúp chúng ta phát triển hay không.

3. Cách kiểm chứng mối quan hệ có lành mạnh hay không?

Con người là sinh vật xã hội và không thể tách rời xã hội, cộng đồng vì vậy chúng ta cần những người khác để tương tác và giúp đỡ theo phương châm “ mình vì mọi người, mọi người vì mình”. Để kiểm chứng mối quan hệ của bản thân lành mạnh hay không, nghiên cứu của HMS tìm thấy 7 vấn đề:

  • An toàn và an ninh: Bạn sẽ gọi cho ai nếu bạn thức dậy trong sợ hãi vào nửa đêm? Bạn sẽ tìm đến ai trong lúc khủng hoảng?
  • Học hỏi và phát triển: Ai là người khuyến khích bạn thử những điều mới, nắm bắt cơ hội, theo đuổi mục tiêu của cuộc đời bạn?
  • Gần gũi và tâm sự về tình cảm: Ai biết mọi thứ về bạn? Bạn có thể gọi cho ai khi cảm thấy buồn và thành thật về cảm giác của mình?
  • Khẳng định bản sắc và chia sẻ kinh nghiệm: Có ai đó trong cuộc sống của bạn đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm với bạn và người giúp bạn củng cố ý thức về con người của bản thân không?
  • Sự thân mật lãng mạn: Bạn có cảm thấy hài lòng với mức độ thân mật lãng mạn trong cuộc sống của mình không?
  • Trợ giúp (cả thông tin và thực tế): Bạn sẽ liên hệ với ai nếu cần chuyên môn hoặc giúp giải quyết một vấn đề thực tế (ví dụ: trồng cây, sửa kết nối WiFi).
  • Vui vẻ và thư giãn: Ai làm bạn cười? Bạn sẽ gọi điện cho ai để đi xem phim hoặc đi du lịch cùng ai khiến bạn cảm thấy được kết nối và thoải mái?

4. Làm thế nào để chỉnh sửa cuộc sống nếu không có những mối quan hệ tốt?

Theo MHS, không nhất thiết mỗi người phải đáp ứng cả 7 tiêu chí, bởi mọi người đều có tiêng sở thích, khả năng, thiên hướng cho đến những ưu tiên khác nhau, quan trọng là kết nối đó khiến bạn cảm thấy có ý nghĩa và mang lại giá trị tích cực, và giúp cho bản thân luôn cảm thấy hài lòng, vui vẻ, và hạnh phúc.

Phát hiện trên mang tính “điểm nhấn dễ bị bỏ qua”  và cách mọi người nên làm thế nào để sửa chữa cuộc sống nếu không có những mối quan hệ tốt? Theo GS Waldinger hiện nay ‘đại dịch cô đơn’ đang có nguy cơ phủ sóng toàn cầu. “Thành thật mà nói, đây là điều đã làm tôi khó chịu về nghiên cứu trong một thời gian dài: sự rõ ràng của câu trả lời mà không có hướng dẫn thực sự về cách đạt được điều đó”, giáo sư Waldinger tâm sự. 
Box

Một số thống kê đáng báo động từ Cơ quan Quản lý Dịch vụ và Tài nguyên Y tế Mỹ (Health Resources and Services Administration) đã chứng minh con số liên quan đến ‘đại dịch cô đơn’ như nhiều nhà văn mô tả:

  • 40% người Mỹ nói rằng họ "đôi khi hoặc luôn luôn cảm thấy các mối quan hệ xã hội của họ không có ý nghĩa."
  • 20% tự mô tả mình là "cô đơn hoặc bị cô lập về mặt xã hội."
  • 28% người lớn tuổi sống một mình.
Từ góc độ sức khỏe thể chất thuần túy, các nhà nghiên cứu cho biết sự cô đơn có hại giống như hút 15 điếu thuốc mỗi ngày.

Theo một cuộc khảo sát của công ty bảo hiểm và chăm sóc sức khỏe đa quốc gia của Mỹ Cigna, chỉ khoảng 50% người Mỹ có "các tương tác xã hội trực tiếp có ý nghĩa" hằng ngày - và con số này là tồi tệ nhất đối với Thế hệ Z.

“Tôi nghĩ rất nhiều người trong chúng ta đã có những lúc trong đời cảm thấy cô đơn. Đôi khi không phải do lỗi của chúng ta; có thể là do chúng ta làm hỏng việc”, giáo sư Waldinger nói thêm.

Làm thế nào bạn có thể nuôi dưỡng những mối quan hệ tốt đẹp nếu bạn thấy mình đang ở trong một lối mòn mà bạn không có nhiều mối quan hệ như vậy để bắt đầu?.  Cuối cùng, có vẻ như khoa học đã đưa ra câu trả lời. Cách quan trọng mà mọi người dường như có thể phá vỡ vòng luẩn quẩn của cô đơn và bắt đầu phát triển các mối quan hệ tốt đẹp là tình nguyện hay  “Tôi có thể có một tình nguyện viên?”

Một nghiên cứu gần đây trên 10.000 người tại Vương quốc Anh công bố trên tạp chí Science của Mỹ cho thấy 2/3 cho biết hoạt động tình nguyện "giúp họ cảm thấy bớt bị cô lập hơn". Theo một nghiên cứu khác tại Mỹ liên quan đến 6.000 phụ nữ góa bụa đã phát hiện ra rằng những người bắt đầu làm tình nguyện chỉ hai giờ trở lên mỗi tuần nhận thấy "mức độ cô đơn trung bình giảm xuống tương đương với mức độ của những người trưởng thành đã lập gia đình".

Hơn nữa, hoạt động tình nguyện đặc biệt hữu ích cho những người lớn tuổi, những người có nhiều khả năng cô đơn ngay từ đầu. Và có lẽ không có gì đáng ngạc nhiên, hóa ra hoạt động tình nguyện lại có thể mở rộng: Bạn càng tình nguyện thường xuyên, bạn càng có nhiều khả năng phát triển các mối quan hệ.

Người Việt Nam với từ thiện

Tháng 12 năm 2021, Cimigo là tập đoàn chuyên về lĩnh vực Nghiên cứu thị trường hoạt động trên khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương có trụ sở tại Hong Kong, Indonesia, India, Macau, Singapore, Việt Nam đã thực hiện một nghiên cứu từ thiện ở Việt Nam. Cimigo đã phỏng vấn 600 người từ 16 đến 44 tuổi, sống ở TP.HCM và Hà Nội và phát hiện thấy người Việt Nam rất ủng hộ từ thiện. Sự phát triển của trẻ em, tiếp theo là hỗ trợ những người dễ bị tổn thương được coi là những nguyên nhân quan trọng hơn để hỗ trợ.

Tỷ lệ làm từ thiện ở Việt Nam cao nhất đối với những người trên 30 tuổi và những người đã lập gia đình và có con. Tỷ lệ hiện tăng theo trình độ học vấn, 8 trong 10 nhà tài trợ đã đóng góp vào hỗ trợ Covid-19 trong 12 tháng (tính đến cuối năm 2021) và 46% đã tăng hoạt động từ thiện trong thời gian diễn ra Covid. Đa số (83%) đã quyên góp hơn hai lần trong 12 tháng, trong đó tiền là hình thức đóng góp phổ biến nhất.

Cimigo đã thực hiện nghiên cứu này để giúp nâng cao nhận thức về hoạt động từ thiện ở Việt Nam. Mục đích là để hỗ trợ các tổ chức từ thiện ở Việt Nam hiểu cách mọi người cho đi, lý do tại sao họ chọn tặng cho tổ chức từ thiện này mà không phải tổ chức từ thiện khác và có lẽ điều quan trọng hơn là điều gì ngăn cản họ cho nhiều hơn. Nghiên cứu được thực hiện với sự hợp tác của hai tổ chức địa phương, Saigon Children và LIN Center, những người có chung niềm đam mê phát triển từ thiện tại Việt Nam.

Theo truyền thống của người Việt, từ thiện mang lại nhiều ý nghĩa tích, giúp “vượt lên chính mình”; giúp đỡ người khác trong hoàn cảnh khốn cùng; rèn luyện bản thân, giúp giảm cô đơn, nhàm chán và làm cho cuộc đời thêm ý nghĩa. Từ thiện đi nhiều nơi, làm nhiều việc từ thiện khiến mọi người thoải mái và dồi dào sức khỏe.

Làm từ thiện có nghĩa “cho đi để được nhận lại”; “không để ai lại phía sau”. Hành trình làm việc thiện là thói quen hữu ích, gieo cho người khó khăn động lực vươn lên... Làm từ thiện là một hành động biểu hiện rõ ràng nhất cho cuộc sống có ý nghĩa. Hãy chung tay để cùng xây dựng một cộng đồng văn minh và ấm áp tình người bằng những việc làm từ thiện, lợi ích khoogn chỉ cho cộng đồng mà còn cả cho bản thân chúng ta.
 

Tác giả bài viết: BVQT Minh Anh

Tổng điểm nội dung là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá

  Ý kiến khác

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Bạn cần hỗ trợ?