1. Đau tim và ngừng tim khác nhau ?
Các thuật ngữ “đau tim” (Heart attack) và “ngừng tim” (Cardiac arrest) thường được sử dụng thay thế cho nhau. Nhưng thực tế, chúng khác biệt, và có nguyên nhân khác nhau nên cần có những phản ứng khác nhau. Dưới đây là một số điểm chính giữa cơn đau tim và ngừng tim.
Một cơn đau tim xảy ra khi bị tắc nghẽn động mạch cấp máu cho mô tim. Khiến thiếu oxy đi nuôi tế bào tim và xảy ra các triệu chứng như đau ngực, nhưng tim vẫn tiếp tục đập. Ngược lại, ngừng tim có nghĩa là tim ngừng đập. Trong một số trường hợp, cơn đau tim gây ngừng tim, nhưng cũng có nhiều nguyên nhân khác gây ngừng tim.
Ngừng tim mô tả tình trạng khi tim ngừng bơm máu và oxy lên não cũng như các cơ quan và mô khác. Nó có thể được gây ra bởi bất cứ thứ gì khiến tim ngừng đập, kể cả một số cơn đau tim nghiêm trọng. Một cơn đau tim có thể gây ngừng tim, nhưng không phải tất cả các trường hợp ngừng tim đều do đau tim.
Sự tắc nghẽn gây ra cơn đau tim có thể xảy ra đột ngột, nhưng sự thu hẹp các động mạch trong tim dẫn đến tắc nghẽn thường xảy ra trong một khoảng thời gian dài hơn. Huyết áp cao, bệnh tiểu đường, lối sống ít vận động và lựa chọn chế độ ăn uống làm tăng nguy cơ thu hẹp mạch máu (gọi là xơ vữa động mạch). Khi tình trạng hẹp mạch máu trầm trọng hơn, lượng máu lưu thông bị hạn chế này sẽ gây ra cơn đau ngực khi người bệnh gắng sức. Một người có thể tiếp tục cuộc sống hàng ngày của họ mà không có bất kỳ đau đớn hay khó chịu nào, nhưng khi họ gắng sức, họ có thể bị đau ngực do lưu lượng máu bị hạn chế.
Thông thường, một khi ngừng gắng sức, cơn đau sẽ biến mất. Đây là những gì chúng ta gọi là đau thắt ngực. Đó là một dấu hiệu của sự tắc nghẽn nhưng thường không liên quan đến việc cơ tim bị tổn thương và tiến triển theo thời gian. Khi có những triệu chứng này nên đi khám và tư vấn bác sĩ. Nếu cơn đau không biến mất, đó là dấu hiệu của một cơn đau tim và cần cấp cứu ngay lập tức.
Các cơn đau tim cũng có thể có các triệu chứng khác không chỉ là đau ngực. Một số bệnh nhân mô tả các triệu chứng như áp lực; đau nhói hoặc giống như bị đâm, nhất là ở phía bên trái của ngực lan xuống cổ và cánh tay trái. Có người lại mô tả ngứa ran hoặc đau ở cánh tay, thậm chí đau cổ họng hoặc hàm, khó thở. Các dấu hiệu và triệu chứng khác gồm buồn nôn và đổ mồ hôi. Bất cứ ai gặp phải những triệu chứng này mà không hết khi nghỉ thì nên khám để được đánh giá vì nguy cơ bị đau tim cao.
2. Ngừng tim có thể có nguyên nhân không liên quan đến tim
Ngừng tim xảy ra khi tim không đập đủ để bơm máu lên não và các mô khác. Một nguyên nhân phổ biến, đặc biệt ở người lớn, là nhịp tim bất thường. Một nguyên nhân khác có thể là ngừng thở, nghẹn thứ gì. Ngừng tim cũng có thể xảy ra nếu một người không thể thở đủ tốt do nhiễm trùng phổi nặng hoặc lên cơn hen suyễn nặng mà không được điều trị. Một cục máu đông rất lớn trong phổi cũng có thể gây ngừng tim. Thường rất khó để xác định nguyên nhân ngừng tim khi nó xảy ra.
Một điểm chung của các cơn đau tim và các đợt ngừng tim là đe dọa đến tính mạng cần được chăm sóc y tế ngay lập tức.
Một cơn đau tim cũng giống như một cơn đột quỵ — các chuyên gia y tế có thể mở chỗ tắc nghẽn càng nhanh thì cơ tim càng ít bị tổn thương vĩnh viễn. Những người bị đau tim nên luôn gọi dịch vụ cấp cứu để đến bệnh viện thay vì tự lái xe để đảm bảo an toàn.
Đối với tình trạng ngừng tim, cần trợ giúp y tế càng sớm càng tốt. CPR nên được bắt đầu ngay lập tức bởi một người cứu hộ trong khi một người khác liên hệ với các dịch vụ khẩn cấp và lấy máy khử rung tim bên ngoài tự động (AED) nếu có. Không nên trì hoãn CPR trong khi thực hành AED và có thể sử dụng AED ngay khi có sẵn. Sử dụng AED đã được chứng minh là có thể cứu sống nếu nguyên nhân ngừng tim là do nhịp tim bất thường.
Tác giả bài viết: BVQT Minh Anh
Ý kiến khác