Vì sao con người lại bị kiệt quệ thể chất lẫn tinh thần ?

Thứ tư - 21/08/2024 13:52
Làm việc quá sức, suy nghĩ quá nhiều, luôn sống trong môi trường áp lực, căng thẳng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Trong đó có căn bệnh được y học gọi là Hội chứng kiệt sức, “sát thủ vô hình” đánh cắp sức khỏe của con người.
bsck2 nguyen thi ngoc bich
BSCKII. NGUYỄN THỊ NGỌC BÍCH
Giám đốc Y khoa Bệnh viện Quốc tế Minh Anh
 

1. Hội chứng kiệt sức là gì?

Hội chứng kiệt sức (Burnout syndrome) là bệnh lý khi căng thẳng kéo dài ở nơi làm việc không được kiểm soát đúng cách. Nó biểu hiện qua ba khía cạnh là cảm giác cạn kiệt năng lượng hoặc kiệt sức, tinh thần ngày càng xa cách với công việc, bao gồm cảm giác tiêu cực hoặc hoài nghi, và giảm cảm giác hiệu quả nghề nghiệp. Ví dụ, các bác sĩ và y tá thường xuyên cảm thấy kiệt sức, và choáng ngợp như trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19 gần đây là một ví dụ.

Kiệt sức xảy ra khi các cá nhân cảm thấy không thể đáp ứng những nhu cầu liên tục. Nó không chỉ đơn giản là kết quả của việc làm việc nhiều giờ hoặc phải đối mặt với những tình huống khó khăn mà thường là sự kết hợp của nhiều yếu tố bao gồm khối lượng công việc, sự thiếu kiểm soát và sự không phù hợp giữa giá trị cá nhân và nhu cầu công việc. Nó để lại hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe thể chất và tinh thần, hiệu suất công việc và sức khỏe tổng thể nếu không được giải quyết.

Hầu hết chúng ta đều có những ngày cảm thấy bất lực, quá tải, tuy nhiên nếu thường xuyên cảm thấy như vậy thì có thể bạn đang kiệt sức vì nó diễn ra theo quá trình tăng dần. Các dấu hiệu và triệu chứng lúc đầu rất khó phát hiện nhưng trở nên nặng hơn theo thời gian.

Các dấu hiệu điển hình về kiệt sức thể chất: Luôn mệt mỏi và kiệt sức; sức đề kháng suy giảm, bệnh tật thường xuyên; đau đầu thường xuyên hoặc đau cơ; thay đổi khẩu vị hoặc thói quen ngủ.

Đối với kiệt sức tinh thần: Luôn có cảm giác thất bại và nghi ngờ bản thân; cảm thấy bất lực, thất bại; cảm thấy cô đơn; mất động lực. Cái nhìn ngày càng hoài nghi và tiêu cực; giảm sự hài lòng về những thành tựu…

2. Sự  khác nhau giữa căng thẳng và kiệt sức

Kiệt sức (Burnout) có thể là kết quả của sự căng thẳng kéo dài, nhưng nó không giống như căng thẳng (Stress) quá mức. Nhìn chung, căng thẳng liên quan đến quá tải hay quá nhiều lực. Tuy nhiên, những người bị căng thẳng vẫn có thể kiểm soát được tình hình.

Ở chiều kia, kiệt sức có nghĩa là cảm thấy trống rỗng và kiệt sức về tinh thần, không có động lực và không còn sự quan tâm. Những người bị kiệt sức thường không thấy bất kỳ hy vọng nào về sự thay đổi tích cực trong hoàn cảnh của họ. Nếu căng thẳng quá mức khiến bạn cảm thấy như đang chìm đắm trong trách nhiệm rất có thể là cảm giác kiệt sức.

Stress: Đặc trưng bởi sự tham gia quá mức, cảm xúc đang phản ứng thái quá, tạo ra sự , cấp bách và hiếu động thái quá, mất năng lượng, dẫn đến rối loạn lo âu, gây sát thương chính là vật lý, hậu quả có thể tử vong sớm.

Kiệt sức : Cảm xúc bị cùn mòn, tạo ra sự bất lực và tuyệt vọng, mất động lực, lý tưởng và hy vọng, dẫn tới sự tách biệt và trầm cảm, thiệt hại chính là về mặt cảm xúc, và có thể  dẫn đến chán chường tuyệt vọng không đáng sống.

3. Giải pháp phục hồi sau kiệt sức

Rất đa dạng nhưng ở cấp độ cá nhân, thực hiện các bước chủ động sẽ giúp ngăn ngừa tình trạng kiệt sức, loại bỏ tác nhân gây căng thẳng. Đặt ra ranh giới và ưu tiên thời gian cá nhân giúp tránh cam kết quá mức và duy trì sự cân bằng.

Thực hành các kỹ thuật quản lý căng thẳng như thiền và tập thể dục giúp giảm bớt căng thẳng và thúc đẩy thư giãn. Nuôi dưỡng cơ thể bằng những thói quen lành mạnh như bữa ăn bổ dưỡng và ngủ đủ giấc sẽ hỗ trợ sức khỏe tổng thể. Tìm kiếm sự hỗ trợ từ những cá nhân đáng tin cậy và ngắt kết nối với công nghệ định kỳ sẽ giúp trẻ hóa cảm xúc. Ưu tiên các hoạt động chăm sóc bản thân mang lại niềm vui và thư giãn sẽ thúc đẩy khả năng phục hồi chống lại tình trạng kiệt sức.

Ngoài ra, việc đánh giá lại việc phân bổ khối lượng công việc và đề cao sự tiến bộ hơn là sự hoàn hảo là điều cần thiết để có được hạnh phúc lâu dài.

Nếu đã cố gắng mà không mang lại kết quả thì phải cần đến sự trợ giúp y tế . Đôi khi, suy kiệt sức khỏe kéo dài còn có thể do những nguyên nhân khác. Nếu bạn nhận thấy các triệu chứng khác không rõ nguyên nhân, chẳng hạn như cơn đau xuất hiện bất chợt, thay đổi cảm giác thèm ăn hoặc khó chịu dạ dày, bạn nên trao đổi với bác sĩ để được thăm khám và chẩn đoán chính xác. Bác sĩ sẽ giúp tìm ra căn nguyên chính xác đằng sau biểu hiện mệt mỏi kèm theo các vấn đề sức khỏe khác.

Nên dành thời gian để hồi phục năng lượng và thiết lập một ranh giới rõ ràng giữa công việc và cuộc sống gia đình. Nếu các vấn đề về thể lực và tinh thần bắt đầu ảnh hưởng đến các mối quan hệ hoặc chất lượng cuộc sống của bạn, tốt nhất bạn nên đến gặp bác sĩ ngay lập tức để được chẩn đoán và xử trí kịp thời. Việc khám sức khỏe tổng quát sẽ giúp bác sĩ phát hiện ra những dấu hiệu bất thường để từ đó có những điều chỉnh cho phù hợp.
 

Tác giả bài viết: BVQT Minh Anh

Tổng điểm nội dung là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá

  Ý kiến khác

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Bạn cần hỗ trợ?