Bệnh Lao có thể chữa được và có vắc xin để phòng ngừa bệnh này. Tuy nhiên có một vấn đề đang được đặt ra cho cộng đồng, cho ngành y tế, đó là lao kháng thuốc.
Phong – Lao – Cổ – Lại, theo quan niệm người xưa là tứ chứng nan y, thuộc loại khó trị. Trong đó bệnh Lao do vi trực khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra.
Ngày nay, bệnh Lao có thể chữa được và có vắc xin để phòng ngừa bệnh này. Tuy nhiên có một vấn đề đang được đặt ra cho cộng đồng, cho những nhà chuyên môn về y tế, đó là lao kháng thuốc.
Chúng ta hãy gặp PGS.TS.BS Nguyễn Thị Thu Ba – Nguyên là Trưởng bộ môn Lao và Bệnh phổi Đại học Y Dược TP.HCM, hiện đang công tác tại Phòng khám Chuyên gia BVQT Minh Anh để tìm hiểu vấn đề này.
- Thưa bác sĩ, cách đây gần 140 năm, chính xác là vào ngày 24/3/1882 tại Berlin (Đức) bác sỹ Robert Koch quốc tịch Đức đã công bố kết quả đã tìm ra vi khuẩn Lao. Khi đó bệnh Lao đang tàn phá khắp châu Âu và Châu Mỹ với tỉ lệ cứ 7 người sống có 1 người chết vì bệnh này. Kể từ đó bằng nhiều thực nghiệm, nhiều phát minh, nhân loại đã có thuốc điều trị cũng như vắc xin BCG chủng ngừa. Nhưng vì sao hôm nay thực trạng bệnh lao vẫn dấy lên những lo ngại?
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Thu Ba: Vâng, y học hiện đại ngày nay đã giúp bệnh lao không phải thuộc diện tứ chứng nan y nữa. Chúng ta đã có thuốc điều trị, có thuốc phòng ngừa, thế nhưng mỗi năm trên thế giới vẫn có hơn 1 triệu người tử vong do bệnh Lao. Căn bệnh này được xếp vào top 10 căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và gây tử vong nhiều nhất hiện nay.
Với Việt Nam, nước ta hiện là nước đứng thứ 16/30 nước có số bệnh nhân lao cao nhất trên thế giới. Mỗi năm có khoảng 130.000 người mắc lao mới.
Vi khuẩn lao là một loại khuẩn hình que, sinh sản chậm và dễ đột biến kháng thuốc. Nó có thể sống vài tuần trong không khí và nước; khi bệnh nhân nhổ đờm xuống đất ẩm và nơi tối thì trực khuẩn lao lại tồn tại đến 2-3 tháng. Bệnh có thể lây nhiễm từ người này sang người khác qua đường hô hấp. Vi khuẩn lao xâm nhập cơ thể khi ta hít các hạt li ti chứa vi khuẩn bay trong không khí do người bệnh khạc nhổ, ho, hắt hơi, hoặc khi nói chuyện trực tiếp với người bệnh.
Người mang vi khuẩn lao có thể vẫn khỏe mạnh nếu hệ miễn dịch tốt. Khi hệ miễn dịch suy giảm (như mắc cảm cúm, đái tháo đường, bụi silic phổi, HIV/AIDS...) hoặc uống thuốc ức chế miễn dịch như corticoid, thuốc điều trị ung thư… bệnh lao sẽ phát triển.
Chính những đặc tính của chúng cũng như đường lây truyền dễ dàng như vậy, nên:
+ Không có nơi nào tránh được vi khuẩn Lao; bất kỳ ai hít thở không khí cũng bị đe doạ.
+ Cả thế giới đang gần lại, còn vi khuẩn Lao đang phát triển mạnh hơn.
- Cả thế giới đang gần lại, vâng, điều này thật dễ hiểu khi các phương tiện giao thông vận tải giúp người ta đi từ nơi này đến nơi khác dễ dàng, nhanh chóng.. (điều đó cũng khiến nguy cơ dịch bệnh dễ lan truyền). Nhưng còn vi khuẩn lao đang phát triển mạnh hơn thì tại sao, thưa bác sĩ?
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Thu Ba : Vi khuẩn lao là loại vi khuẩn dễ đột biến, nói dễ hiểu hơn là chúng “rất khôn”, dễ thay đổi cấu trúc để chống lại thuốc lao. Ngay cả khi bệnh nhân được điều trị đúng cách và tuân thủ tốt việc dùng thuốc thì vi khuẩn lao vẫn có khả năng tìm cách chống lại thuốc lao.
Thêm nữa, một số bệnh nhân sau một thời gian uống thuốc, thấy mình khỏe và không có triệu chứng gì, cho rằng mình đã khỏi bệnh nên tự ý bỏ trị. Bệnh nhân không biết rằng vi khuẩn lao “sống dai” và rất nguy hiểm. Sau một thời gian “nằm ẩn mình” và tìm cách chống lại thuốc lao, chúng sẽ hoạt động gây bệnh trở lại. Khi đó, chúng sẽ nguy hiểm hơn, mạnh mẽ hơn lúc phát bệnh lao ban đầu. Đây là nguyên nhân chính để vi khuẩn lao phát triển mạnh hơn.
- Có phải bác sĩ đang đề cập đến lao kháng thuốc?
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Thu Ba: Vâng, hàng năm nước ta có khoảng 5.000 bệnh nhân lao kháng thuốc, và con số này sẽ tăng lên nếu như chúng ta không có biện pháp hiệu quả. Có 3 loại lao kháng thuốc:
- Lao kháng đơn thuốc: Chỉ kháng với một loại thuốc chống lao hàng thứ nhất.
- Lao kháng đa thuốc: Lao kháng đa thuốc là do vi khuẩn lao kháng với ít nhất là isoniazid và rifampicin, là hai loại thuốc trị lao mạnh nhất.
- Lao siêu kháng thuốc: là một lọai lao kháng đa thuốc hiếm gặp, nó kháng với isoniazid và rifampicin cộng thêm với bất kỳ loại fluoroquinolone nào và ít nhất một trong ba loại thuốc tiêm hàng thứ hai.
-Thưa bác sĩ, nước ta rất chú trọng đến căn bệnh này, các đơn vị phòng chống lao trong cộng đồng đã hoạt động xuống tận các trung tâm y tế quận, huyện. Nay, với bệnh lao kháng thuốc thì ngành y tế nước ta có động thái gì? Và cộng đồng cần góp tay ra sao?
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Thu Ba: Việc điều trị bệnh lao đa kháng thuốc phức tạp hơn, thuốc điều trị tốn kém nhiều hơn, nhưng hiện thuốc điều trị lao kháng thuốc được Chương trình Chống lao Quốc Gia cung cấp miễn phí theo hệ thống tới tận địa phương. Mặt khác, tại Việt Nam đã áp dụng những phác đồ điều trị mới nhất nên kết quả điều trị thành công lao đa kháng lên tới 70%, kết quả này tốt hơn rất nhiều so với các quốc gia khác.
Vì thế, bệnh nhân không nên giấu bệnh khi mắc lao. Thay vào đó, cần chủ động đi khám sớm để đạt được kết quả điều trị tốt nhất. Bên cạnh được cung cấp thuốc miễn phí, với bệnh nhân nghèo chưa có thẻ bảo hiểm y tế, sẽ được Chương trình Chống Lao Quốc gia và Bệnh viện Phổi Trung ương, Quỹ hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao (PASTB) hỗ trợ kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế và chi phí điều trị.
Do vậy, quan trọng nhất là ý thức của cộng đồng. Với bệnh nhân lao, cần tuân thủ phác đồ điều trị, bao gồm:
- Giai đoạn tấn công: từ 2 đến 3 tháng nhằm tiêu diệt nhanh số lượng lớn vi khuẩn có trong các vùng tổn thương để ngăn chặn các vi khuẩn lao đột biến kháng thuốc.
- Giai đoạn duy trì: kéo dài từ 4 đến 6 tháng nhằm tiêu diệt triệt để các vi khuẩn lao tránh nguy cơ tái phát.
Còn những bệnh nhân lao kháng thuốc cần nhận thức đúng liệu trình điều trị bệnh, và họ cần phải hiểu rằng họ sẽ là người lây lan bệnh lao kháng thuốc cho những người khác khi họ chưa được điều trị dứt điểm hay bỏ dở quá trình điều trị. Có nghĩa là họ cần phải tuân thủ đầy đủ hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa để quá trình đạt hiệu quả tốt nhất. Song song đó, những người có tiếp xúc với bệnh nhân lao kháng thuốc hay những bệnh nhân lao phổi nói chung thì cần phải được đi khám kiểm tra để có cơ sở kiểm soát và điều trị bệnh. Đối với trẻ mới sinh ra trong tháng đầu tiên cần tiêm phòng vắc xin lao BCG.
-Xin cám ơn sự chia sẽ thông tin hữu ích mà PGS.TS. BS Nguyễn Thị Thu Ba đem lại. Hy vọng cộng đồng rồi đây sẽ nâng cao ý thức hơn về phòng bệnh cũng như điều trị căn bệnh này, để bệnh lao không trở về bảng phong thần “ tứ chứng nan y” như nó từng ngự trước đây. Hẹn gặp bác sĩ trong các chủ đề lần sau.