Bệnh ngứa da: Nguyên nhân và cách xử lý

Thứ năm - 22/09/2022 07:53
Ngứa da khiến người ta muốn gãi và càng gãi lại càng ngứa khiến da bị tổn thương. Bệnh thường phổ biến ở người trung cao tuổi do da mất dần độ ẩm và đàn hồi.
bs trinh xuan thuy
BSCKI. TRỊNH XUÂN THỦY
Chuyên khoa Da liễu Bệnh viện Quốc tế Minh Anh
   Tham khảo nhanh về ngứa da
    Da bị ngứa hay còn gọi là mẩn ngứa, cảm giác ngứa khó chịu và không kiểm soát được khiến người trong cuộc chỉ muốn gãi để giải tỏa cảm giác. Nguyên nhân gây ngứa rất đa dạng bao gồm cả bên trong và bên ngoài da. Tùy thuộc vào nguyên nhân, da có biểu hiện khác nhau như đỏ, sần sùi hay gồ ghề. Việc gãi nhiều có thể gây chảy máu hoặc nhiễm trùng.
 
   Nhiều người cảm thấy nhẹ nhõm với các biện pháp tự chăm sóc như dưỡng ẩm, sử dụng chất tẩy rửa nhẹ và tắm bằng nước ấm. Nhưng về lâu dài cần phải xác định nguyên nhân và điều trị dứt điểm.
 
   Dấu hiệu và triệu chứng ngứa da
   Cảm thấy ngứa một vùng nhỏ nhất định, như ở cánh tay, chân hoặc ngứa trên toàn bộ cơ thể. Vùng da bị ngứa không có bất kỳ dấu hiệu thay đổi đáng chú ý nào hoặc bị đỏ, sưng, nổi nốt sần hoặc mụn nước, da khô, nứt nẻ, da sần sùi hoặc có vảy…Tình trạng ngứa da càng lâu thì càng tệ hơn, đôi khi, chà hoặc gãi ở vùng da đó, cảm giác ngứa sẽ tăng, tạo ra một chu kỳ luẩn quẩn, kéo dài.
 
   Nguyên nhân rất đa dạng, nhưng phổ biến liên quan bên ngoài da như da khô, chàm (eczema), vẩy nến, ghẻ, bỏng, sẹo, côn trùng cắn hay mề đay đều có thể gây ngứa.

   Còn bên trong, mắc bệnh nội khoa như bệnh gan, suy thận, thiếu máu do thiếu sắt, các vấn đề ở tuyến giáp và một số bệnh ung thư, thủy đậu, bệnh sởi, phát ban do nấm, mắc ký sinh trùng như giun chỉ và giun xoắn, HIV, bệnh chân tay, đa xơ cứng, đái tháo đường hay tắc nghẽn đường ống mật….

   Do bị kích ứng và dị ứng như tiếp xúc môi chất gây bệnh như phấn hoa, len, hóa chất, xà phòng…, do dùng thuốc chữa bệnh, do chấy rận, một số tác nhân trong thực phẩm, mỹ phẩm… Riêng phụ nữ giai đoạn thai kỳ cũng có thể bị ngứa da…
 
   Về chẩn đoán,  điều trị và phòng ngừa
   Ngứa da nghiêm trọng hoặc kéo dài hơn sáu tuần (ngứa mãn tính) có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Như làm gián đoạn giấc ngủ của bạn hoặc gây ra lo lắng hoặc trầm cảm. Ngứa và gãi kéo dài có thể làm tăng cường độ ngứa, có thể dẫn đến tổn thương da, nhiễm trùng và để lại sẹo. Người bệnh nên đến gặp bác sĩ da liễu để được đánh giá đầy đủ nguyên nhân và điều trị toàn diện.
 
   Bác sĩ sẽ kê đơn làm xét nghiệm máu, xét nghiệm chức năng tuyến giáp, gan và thận. Rối loạn chức năng gan hoặc thận, bất thường ở tuyến giáp, nhất là cường giáp có thể gây ngứa. Chụp X-quang ngực để kiểm tra tình trạng hạch bạch huyết có bị sưng hay không vì đó có khả năng là nguyên nhân gây ngứa da. Đôi khi bác sĩ còn kê đơn cạo hoặc sinh thiết da và sử dụng các xét nghiệm này để xác định xem bạn có bị nhiễm trùng hay không.
 
   Việc điều trị thường tập trung vào nguyên nhân. Nếu các biện pháp tại nhà không giúp làm dịu da, bác sĩ sẽ khuyên dùng một số thuốc trị ngứa theo đơn hoặc các phương pháp điều trị khác như kem bôi hoặc thuốc mỡ chứa corticosteroid, dùng thuốc uống, sử dụng liệu pháp ánh sáng (quang trị liệu).
 
   Về phòng ngừa có các biện pháp tại nhà giúp giảm bớt ngứa da như tránh tiếp xúc với các tác nhân khiến bạn bị kích ứng, dị ứng gây ngứa. Giữ ẩm, sử dụng kem bôi, kem dưỡng thể hoặc gel có tác dụng làm dịu, mát da. Hạn chế gãi nên cắt ngắn móng tay hoặc có thể đeo bao tay vào ban đêm để tránh gãi mạnh trong khi ngủ. Tắm nước ấm và thêm muối Epsom, bột baking soda, bột yến mạch thô có thể giúp giảm ngứa ở một số người. Giảm stress như thiền, tập yoga, châm cứu, nhận tư vấn cùng các chuyên gia.  Ngoài ra cũng nên mang trang phục mỏng nhẹ, rộng rãi thoải mái để giữ cho da thông thoáng, dễ chịu, giảm cảm giác ngứa ngáy.
 

Tác giả bài viết: BVQT Minh Anh

Tổng điểm nội dung là: 21 trong 6 đánh giá

Xếp hạng: 3.5 - 6 phiếu bầu
Click để đánh giá

  Ý kiến khác

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Bạn cần hỗ trợ?