Viêm môi có mấy loại và xử lý thế nào ?

Thứ ba - 25/10/2022 07:25
Viêm môi có nhiều loại, cả cấp tính lẫn mạn tính với những triệu chứng như sưng đỏ, khô, nứt nẻ, đóng vảy, ngứa và đau rát môi. Bệnh xuất hiện ở trẻ em lẫn người lớn với những đặc tính không đồng nhất nên việc điều trị phải dựa trên nguyên nhân cụ thể.
bs trinh xuan thuy
BSCKI. TRỊNH XUÂN THỦY
Chuyên khoa Da liễu Bệnh viện Quốc tế Minh Anh

Đại cương chung

Viêm môi (cheilitis) là tình trạng viêm trong viền môi hoặc lan qua viền môi, diễn biến cấp hoặc mạn tính. Đây là bệnh lý ngoài da khá phổ biến và triệu chứng như đỏ, sưng, teo, nứt, đóng vảy, bong vảy, nóng và đau rát...

Nguyên nhân gây viêm môi cũng rất phức tạp, có thể do ánh sáng, do dị ứng tiếp xúc, do thuốc... nhưng cũng có thể viêm môi là triệu chứng của một bệnh nào đó như Lupus ban đỏ, dày sừng actinic, lichen... hoặc nguyên nhân không rõ ràng.

Các dạng viêm môi thường gặp và cách xử lý

·       Viêm môi tiếp xúc

Viêm môi tiếp xúc (contact cheilitis) xuất hiện ở cả người lớn lẫn trẻ em do nhiều nguyên nhân. Nếu ở trẻ là do một số hóa chất tạo mùi tổng hợp như Bacitracin, Bronopol, Cobalt clorid, Cocamidopropyl betaine, Formaldehyde…

Còn ở người lớn cũng do một số hóa chất tổng hợp có khả năng gây kích ứng trong kem đánh răng, chỉ nha khoa, nước súc miệng, son môi chứa benzophenone, sơn móng tay, nhựa latex hoặc dị ứng với kim loại của dụng cụ chỉnh hình nha khoa...

Giải pháp: Sử dụng kem bôi dưỡng ẩm vùng môi, tránh tiếp xúc với hóa chất gây kích ứng, dị ứng. Bôi corticoid tại chỗ với liều 2 lần/ngày và sử dụng trong 1 - 2 tuần để ức chế calcineurin.

·       Viêm môi nhiễm trùng

Viêm môi nhiễm trùng (infectious cheilitis) chủ yếu do virus, vi khuẩn, ký sinh trùng gây ra. Trong đó, một số loại gây viêm môi vùng mép có thể là cấp hoặc mạn tính với biểu hiện phù nề, sưng đau, nứt, bong vảy, ngứa môi. Nguyên nhân là do virus HSV, HPV, varicella zoster.; do vi khuẩn giang mai, tụ cầu vàng, liên cầu khuẩn hoặc những vi khuẩn phát triển ở vùng miệng, nướu, răng ảnh hưởng đến môi. Do ký sinh trùng leishmania, nấm Candida.

Giải pháp: Nếu do nấm Candida: Bôi clotrimazole hoặc miconazole với liều dùng 2 lần/ngày, kéo dài 1 - 3 tuần. Dùng kem bôi fucidin hoặc mupirocin nếu viêm môi do vi khuẩn.

·       Viêm môi ánh sáng

Viêm môi ánh sáng (actinic cheilitis) do tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời, thường gặp ở môi dưới với biểu hiện khô nẻ, đóng vảy dày sừng và nhám. Bệnh phổ biến ở nhóm có da Type I hoặc II, người thường xuyên làm việc ở ngoài trời, người sống ở những vùng khí hậu khắc nghiệt khô và nóng. Ngoài ra, các yếu tố như tuổi tác, hút thuốc lá, nhạy cảm với ánh sáng… cũng có rủi ro mắc bệnh cao.

Giải pháp:  Dùng liệu pháp áp lạnh với nitơ lỏng, hạn chế, tránh tiếp xúc với ánh nắng, bôi thuốc corticoid tại chỗ …mang phòng hộ, đội nón mũ khi ra ngoài trời nắng.

·       Viêm môi u hạt

Viêm môi u hạt (cheilitis granulomatosa) là bệnh lý được biết đến là phản ứng u hạt không gây nhiễm trùng, biểu hiện vùng miệng-mặt, giống phản ứng quá mẫn chậm, bệnh hay gặp một bên môi dưới, giai đoạn đầu sưng mềm, sau đó chắc, không đau, không liên quan đến ăn uống. Tình trạng này thường gặp ở một bên môi dưới với biểu hiện sưng mềm giai đoạn đầu, sau đó dày và chắc nhưng không gây đau.

Giải pháp:  Sử dụng thuốc bôi corticoid tại chỗ, trường hợp nặng phải dùng corticoid toàn thân.

·       Viêm môi bong vảy

Viêm môi bong vảy (exfoliative cheilitis) là môi bị viêm do thói quen thường xuyên liếm môi, cắn môi... hoặc mắc phải một số rối loạn về mặt tâm lý. Triệu chứng điển hình của bệnh chính là môi bị khô, đóng vảy và sau đó bong tróc, quá trình này diễn ra nhanh.

moi bong vay 16301253392021683702944


Giải pháp:  Trước khi điều trị bằng các biện pháp dưỡng ẩm, dùng thuốc mupirocin, tacrolimus, liệu pháp điều trị tâm lý thì cần chẩn đoán phân biệt viêm môi bong vảy với viêm môi mép, do ánh sáng hoặc xâm nhập tương bào. Trong sinh hoạt không nên liếm môi, không rửa môi nhiều, uống nước bằng ống hút nhằm tránh cho môi tiếp xúc với nước do khi lớp bảo vệ trên cùng của môi bong ra nếu gặp nước sẽ làm cho tế bào môi bên dưới bị tổn thương làm môi lâu lành.

·       Viêm môi lành tính

Đến nay, viêm môi lành tính hay viêm môi xâm nhập tương bào (plasma cell cheilitis) y học vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân. Chính vì không rõ nguyên nhân nên điều trị viêm môi còn rất hạn chế, chủ yếu dùng thuốc bôi corticoid tại chỗ hoặc tiêm, thuốc ức chế calcineurin và chiếu laser.

·       Viêm môi mạn tính

Viêm môi mạn tính (cheilitis glandularis) liên quan đến tình trạng viêm tuyến dầu và nước bọt, thường gặp ở môi dưới. Đây là bệnh hiếm gặp, có thể nhìn thấy các lỗ nhỏ tiết nước bọt bên trong lớp niêm mạc, gây đau, dính và rát môi. Bệnh thường gặp người lớn tuổi, người trẻ tuổi và phụ nữ. Đôi khi bị nhiễm khuẩn thứ phát, hoặc một vài trường hợp ung thư biểu mô tế bào vảy có thể gặp.

Giải pháp:  Cần sử dụng thuốc bôi corticoid tại chỗ hoặc tiêm, trường hợp nhiễm trùng dùng kháng sinh, còn nặng và tổn thương lan rộng, nhiễm trùng thì phải phẫu thuật.

Tác giả bài viết: BVQT Minh Anh

Tổng điểm nội dung là: 5 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 2.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá

  Ý kiến khác

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Bạn cần hỗ trợ?