1. Phát hiện mới về thiếu máu do dùng Aspirin liều thấp
Nghiên cứu vừa được công bố cuối tháng 6/2023 trên tạp chí Annals of Internal Medicine của Mỹ, phát hiện thấy sử dụng Aspirin không đúng cách có thể gia tăng bệnh thiếu máu ở người lớn tuổi. Nghiên cứu đã kiểm tra nồng độ huyết sắc tố trong hơn 19.000 người khỏe mạnh ở Mỹ từ 65 tuổi trở lên và phát hiện ra rằng những người lớn tuổi dùng aspirin liều thấp hàng ngày có nguy cơ mắc bệnh thiếu máu cao hơn 20%.
Hàm lượng huyết sắc tố thấp, một loại protein giàu chất sắt trong các tế bào hồng cầu mang oxy đi khắp cơ thể, có thể dẫn đến thiếu máu, thường gặp ở người lớn tuổi và có thể gây mệt mỏi, nhịp tim nhanh hoặc không đều, đau đầu, đau ngực hoặc tiếng kêu vù vù trong tai. Nó cũng có thể làm trầm trọng thêm các tình trạng như suy tim sung huyết, suy giảm nhận thức và trầm cảm ở những người từ 65 tuổi trở lên.
Tiến sĩ, nhà huyết học học Zoe McQuilten ở Đại học Monash ở Úc (UoM), tác giả chính của nghiên cứu cho biết, từ các thử nghiệm lâm sàng lớn, cho tới thử nghiệm mới nhất của UoM đều cho thấy, Aspirin liều thấp hàng ngày làm tăng nguy cơ chảy máu đáng kể trên lâm sàng. Chính vì vậy mà tại Mỹ người ta đã thay đổi khuyến nghị về Aspirin như một biện pháp phòng ngừa chính cho bệnh tim mạch vào năm 2022, không nên bắt đầu dùng aspirin liều thấp cho người lớn từ 60 tuổi trở lên mà chỉ dùng cho nhóm từ 40 đến 59 tuổi có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao.
Theo nghiên cứu những người dùng aspirin có nhiều khả năng có nồng độ ferritin trong huyết thanh thấp hơn sau 3 năm so với những người dùng giả dược. Mức giảm trung bình của ferritin ở những người trong nghiên cứu dùng aspirin cao hơn 11,5% so với những người dùng giả dược. Nguy cơ thiếu máu ước tính trong vòng 5 năm là 23,5% ở nhóm aspirin và 20,3% ở nhóm giả dược. Nhìn chung, liệu pháp aspirin làm tăng 20% nguy cơ thiếu máu.
2. Vì sao người lớn tuổi dễ bị thiếu máu?
Thiếu máu là tình trạng cơ thể không có đủ các tế bào hồng cầu khỏe mạnh. Các tế bào hồng cầu cung cấp oxy cho cơ và mô nhưng khi bị thiếu máu có thể khiến cơ thể suy nhược và chóng mặt. Ở nhóm trên 65 tuổi, nguy cơ thiếu máu và các biến chứng do thiếu máu cao.
Những người trên 65 tuổi bị thiếu máu có thể liên quan đến chế độ ăn uống hoặc các bệnh lý nền. Bệnh lý nền là một yếu tố nguy cơ gây thiếu máu và hầu hết những người trên 65 tuổi đều có ít nhất một bệnh. Thiếu máu thường dẫn đến suy nhược và mệt mỏi và những triệu chứng này có thể góp phần làm suy giảm sức khỏe tổng thể. Những người bị thiếu máu có thể trở nên ít hoạt động thể chất hơn và hậu quả làm cho bệnh lý nền trở nên tồi tệ hơn và có thể dẫn đến mất cơ bắp, giảm khả năng giữ thăng bằng và sức mạnh.
Thiếu máu có các triệu chứng không đặc hiệu và mơ hồ, dễ bị nhầm lẫn với cảm giác suy sụp hay già đi. Vì vậy nên đi khám và được tư vấn. Các triệu chứng thiếu máu có thể bao gồm mệt mỏi, suy nhược, chóng mặt, cáu gắt, chân tay lạnh, người xanh xao, nhịp tim nhanh, hụt hơi, đau ngực, nhức đầu… Nguyên nhân rất đa dạng như do dùng một số loại thuốc, như thuốc ức chế men chuyển và thuốc chống co giật, hóa trị liệu, bị ung nhọt, mắc bệnh gan, thận, bệnh tuyến giáp, viêm dạ dày, viêm ruột, thiếu dinh dưỡng…
Thiếu máu thường được chẩn đoán bằng các xét nghiệm phổ biến như xét nghiệm công thức máu toàn bộ (CBC). Đo các tế bào bạch cầu, hồng cầu và tiểu cầu trong máu. Nếu thiếu máu bác sĩ khuyến cáo nên làm các xét nghiệm máu bổ sung để giúp tìm ra nguyên nhân đích thực gây thiếu máu.
3. Điều trị bệnh thiếu máu ở người lớn tuổi như thế nào?
Bệnh thiếu máu có thể điều trị được bằng cách thay đổi chế độ ăn uống và uống bổ sung sắt và nhiều lựa chọn điều trị khác nhau. Điều trị thiếu máu phụ thuộc vào nguyên nhân. Nếu thiếu máu do thiếu hụt dinh dưỡng, bác sĩ có thể đề nghị thay đổi chế độ ăn uống hoặc uống bổ sung. Nếu thiếu máu do loét, điều trị loét sẽ là một phần của điều trị thiếu máu. Các phương pháp điều trị khác bao gồm: thay đổi thuốc, liều lượng; truyền máu; điều trị bằng corticosteroid; phẫu thuật lá lách, phẫu thuật sửa chữa mạch máu…
Vì bệnh thiếu máu thường do một tập hợp các nguyên nhân nên không phải lúc nào cũng có thể ngăn ngừa được. Tuy nhiên, mọi người có thể thực hiện các bước phòng ngừa bằng cân bằng dưỡng chất.
Cụ thể, nên tăng cường nhóm thực phẩm giàu khoáng chất, dinh dưỡng như chất sắt từ thực phẩm giàu chất sắt như thịt bò và các loại thịt khác, đậu lăng, ngũ cốc tăng cường chất sắt, rau lá xanh đậm và trái cây sấy khô. Tăng cường folate, có trong trái cây và nước ép trái cây, rau lá xanh đậm, đậu xanh, đậu thận, đậu phộng, và các sản phẩm ngũ cốc như bánh mì, ngũ cốc, mì ống và gạo. Bổ sung vitamin B12 từ thực phẩm, bao gồm thịt, các sản phẩm từ sữa và các sản phẩm ngũ cốc, đậu nành tăng cường. Vitamin C từ trái cây giàu vitamin C như cam quýt, ớt, bông cải xanh, cà chua, dưa và dâu tây. Loại vitamin này hỗ trợ cơ thể hấp thụ sắt tốt hơn.
Tác giả bài viết: BVQT Minh Anh
Ý kiến khác