Bệnh nhân nữ 58 tuổi được Bệnh viện quốc tế Minh Anh phẫu thuật do chẩn đoán có khối u ác tính ở thùy dưới phổi trái.
Bệnh nhân được cắt thùy dưới kèm thùy lưỡi phổi trái cùng nạo hạch (những vị trí bị khối u xâm lấn). Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khả năng hồi phục hậu phẫu của phái nữ khi mắc ung thư phổi nhanh hơn so với phái mạnh và tỷ lệ sống sót cũng như của bệnh nhân nữ thường cao hơn nam giới.
Tiếp sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được Bệnh viện tiếp tục điều trị với các liệu trình phù hợp.
Qua ca bệnh này cho thấy, bấy lâu nay, nhiều người vẫn lầm tưởng rằng ung thư phổi chỉ nam giới mới gặp nhiều, do nam giới thường hay hút thuốc lá. Tuy nhiên, theo các con số thống kê chỉ ra rằng, ung thư phổi là bệnh lý ung thư đứng thứ 2 ở phụ nữ. Số liệu từ Tổ chức Ung thư toàn cầu cho biết, Việt Nam ghi nhận hơn 26.000 ca mắc ung thư phổi, gần 24.000 ca tử vong vào năm 2020. Trong đó, tỷ lệ nam, nữ bị ung thư phổi lần lượt là 18,9% và 9,1%.
Có nhiều yếu tố khác nhau có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư phổi ở phụ nữ, bao gồm:
• Hút thuốc lá thụ động, tức là những người không hút thuốc nhưng hít phải khói thuốc của người khác. Sống với người hút thuốc có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi lên khoảng 20 -30%.
• Tiếp xúc với Amiăng và các chất độc khác: Những người đã tiếp xúc với amiăng (theo truyền thống được sử dụng trong vật liệu xây dựng) và các chất độc khác như radon (một loại khí phóng xạ được sử dụng trong ngành khai thác) có nguy cơ phát triển ung thư phổi cao hơn.
• Tuổi tác: Ở phụ nữ, hầu hết các bệnh ung thư phổi được chẩn đoán ở những người trên 60 tuổi.
• Tiền sử bệnh: Những người có tiền sử bệnh phổi như COPD hoặc xơ phổi có thể tăng nguy cơ phát triển ung thư phổi.
LỜI KHUYÊN CỦA BÁC SĨ
Có một nguyên lý không bao giớ thay đổi, đó là trong việc chăm sóc sức khỏe, việc thực hiện các bước phòng ngừa có thể giúp giảm rất nhiều nguy cơ mắc bệnh tiềm ẩn.
Và ở đây, với phụ nữ, điều quan trọng là phải tránh khói thuốc thụ động càng xa càng tốt, vì bất kỳ hình thức tiếp xúc lâu dài nào cũng có thể gây hại cho sức khỏe tổng thể. Tất nhiên với những ai có hút thuốc thì cần bỏ ngay thuốc lá, và không bao giờ là quá muộn khi phải bỏ.
Mặc dù không có cách nào chắc chắn để ngăn ngừa ung thư, nhưng việc ăn uống lành mạnh và thực hiện lối sống năng động có thể giúp chúng ta giảm nguy cơ một cách lâu dài.
Tác giả bài viết: BVQT Minh Anh
Ý kiến khác