1. Amiăng là gì?
Amiăng (asbestos) là một nhóm khoáng chất xuất hiện tự nhiên dưới dạng các bó sợi nhỏ. Những sợi này có trong đất và đá ở nhiều nơi trên thế giới. Chúng được làm chủ yếu từ silicon và oxy, nhưng cũng có chứa các nguyên tố khác. Sợi amiăng bền, chịu nhiệt và nhiều hóa chất, và không dẫn điện. Do đó, amiăng đã được sử dụng làm vật liệu cách nhiệt trong các nhà máy, trường học, nhà ở và tàu thủy, cũng như để chế tạo các bộ phận ly hợp và phanh ô tô, ván lợp mái, gạch ốp trần và sàn, xi măng, dệt may và hàng trăm sản phẩm khác .
Theo Hiệp hội ung thư Mỹ (ACA), có nhiều loại sợi amiăng khác nhau (bao gồm chrysotile, crocidolite, amosite, tremolite, actinolite và anthophyllite), tất cả chúng đều có liên quan đến ung thư.
2. Con người tiếp xúc với amiăng bằng cách nào ?
· Hít phải amiăng
Hầu hết phơi nhiễm là do hít phải sợi amiăng trong không khí. Thường gặp ở những người khai thác hoặc chế biến amiăng, sản xuất các sản phẩm có chứa amiăng hoặc lắp đặt vật liệu cách nhiệt bằng amiăng. Nó cũng có thể xảy ra khi các tòa nhà cũ bị phá bỏ hoặc cải tạo, hoặc khi các vật liệu cũ chứa amiăng bắt đầu bị hỏng. Trong bất kỳ tình huống nào, sợi amiăng có thể trôi nổi trong không khí và được hít vào. Một số sợi này có thể đi đến tận cùng của các đường dẫn khí nhỏ trong phổi hoặc xuyên qua lớp lót bên ngoài của phổi và thành ngực (được gọi là màng phổi).
· Nuốt phải sợi amiăng
Điều này có thể xảy ra khi mọi người ăn hoặc uống thức ăn hoặc chất lỏng bị ô nhiễm (chẳng hạn như nước chảy qua ống xi măng amiăng). Nó cũng có thể xảy ra khi mọi người ho ra amiăng mà họ đã hít phải, sau đó nuốt nước bọt. Nhiều người tiếp xúc với lượng amiăng tự nhiên ở mức rất thấp trong không khí ngoài trời, xuất phát từ đá bị vỡ theo thời gian. Nguy cơ này cao hơn ở những khu vực đá có hàm lượng amiăng cao hơn. Ở một số khu vực, amiăng có thể được phát hiện trong nguồn cung cấp nước cũng như trong không khí. Nó có thể xâm nhập vào nước thông qua một số nguồn, chẳng hạn như xói mòn đất hoặc đá, ăn mòn ống xi măng amiăng hoặc sự cố của vật liệu lợp mái có chứa amiăng rồi đi vào cống rãnh sau khi trời mưa.
Tuy nhiên, những người bị phơi nhiễm nặng nhất là những người đã làm việc trong các ngành công nghiệp amiăng, chẳng hạn như đóng tàu và cách nhiệt. Các thành viên gia đình của công nhân amiăng cũng có thể tiếp xúc với amiăng ở mức độ cao vì các sợi này có thể được mang về nhà trên quần áo của công nhân, và sau đó những người khác trong nhà có thể hít phải.
Tiếp xúc với amiăng cũng là một mối quan tâm trong các tòa nhà cũ. Nếu vật liệu xây dựng có chứa amiăng (như vật liệu cách nhiệt cũ, gạch lát trần và sàn) bắt đầu bị hỏng theo thời gian, thì sợi amiăng có thể được tìm thấy trong không khí trong nhà và có thể gây ra mối đe dọa cho sức khỏe. Sẽ không có rủi ro về sức khỏe nếu amiăng được kết dính vào thành phẩm nguyên vẹn, chẳng hạn như tường và gạch, miễn là vật liệu không bị hư hỏng hoặc xáo trộn (ví dụ: do khoan hoặc tu sửa).
Những công nhân bảo trì quét dọn và xử lý bụi amiăng hoặc phá dỡ nhà cũng có thể gây ra một số phơi nhiễm, mặc dù các công nhân xử lý amiăng hiện đại được đào tạo để sử dụng thiết bị bảo hộ thích hợp để hạn chế phơi nhiễm.
3. Amiăng có gây ung thư không?
Các nhà nghiên cứu sử dụng 2 loại nghiên cứu chính để tìm hiểu xem amiăng có gây ung thư hay không. Bằng chứng từ các nghiên cứu ở cả người và động vật đã chỉ ra rằng amiăng có thể làm tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư.
Nghiên cứu ở người phát hiện thấy nguy cơ gây ung thư phổi. Hít phải sợi amiăng có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư phổi trong nhiều nghiên cứu khi công nhân tiếp xúc với amiăng. Nguy cơ gia tăng này xảy ra với tất cả các dạng amiăng, không có loại amiăng nào “an toàn” về nguy cơ ung thư phổi. Nói chung, tiếp xúc với amiăng càng nhiều thì nguy cơ ung thư phổi càng cao. Hầu hết các trường hợp ung thư phổi ở công nhân amiăng phát triển ít nhất một thập kỷ sau lần đầu tiên tiếp xúc với amiăng.
Đối với những công nhân tiếp xúc với amiăng đồng thời hút thuốc, nguy cơ ung thư phổi thậm chí còn lớn hơn so với việc cộng các rủi ro từ những lần phơi nhiễm này một cách riêng biệt.
Các nghiên cứu cũng đã tìm thấy mối liên hệ rõ ràng giữa việc tiếp xúc với amiăng tại nơi làm việc và ung thư thanh quản, buồng trứng, dạ dày, ruột kết và trực tràng. Không rõ chính xác làm thế nào amiăng có thể ảnh hưởng đến nguy cơ mắc các bệnh ung thư này, nhưng sợi amiăng nuốt vào có thể góp phần làm tăng nguy cơ.
Dựa trên bằng chứng trên động vật và con người Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phân loại tất cả các dạng amiăng là “chất gây ung thư cho con người”. Do tính độc hại nên việc sử dụng amiăng đã bị cấm ở Liên minh Châu Âu từ năm 2005, mặc dù lệnh cấm không yêu cầu loại bỏ amiăng đã có sẵn.
4. Làm thế nào để thể tránh hoặc hạn chế tiếp xúc với amiăng?
Nếu tiếp xúc với amiăng tại nơi làm việc, chẳng hạn như trong quá trình cải tạo các tòa nhà cũ, hãy sử dụng thiết bị bảo hộ thích hợp, thực hành công việc và quy trình an toàn được thiết kế khi làm việc với amiăng. Nếu sống trong một ngôi nhà cũ, nó có thể chứa vật liệu cách nhiệt có chứa amiăng hoặc các vật liệu khác thì nên kiểm tra mức độ amiăng trong không khí. Khi dùng vật liệu miễn là vật liệu không bị hư hỏng hoặc xáo trộn, chẳng hạn như do khoan hoặc tu sửa, các sợi này không được thải vào không khí.
Nếu bạn đã tiếp xúc với amiăng, điều quan trọng là phải hiểu mức độ tiếp xúc. Nếu chỉ tiếp xúc trong một thời gian ngắn hoặc chỉ ở mức độ rất thấp, thì nguy cơ mắc bệnh của bạn có thể thấp. Nhưng nếu dài hoặc trong thời gian dài, bạn có thể có nguy cơ cao mắc một số bệnh ung thư hoặc các bệnh khác đã thảo luận ở trên. Nghiên cứu cho thấy rằng những công nhân tiếp xúc với amiăng bỏ hút thuốc có thể giảm đáng kể nguy cơ phát triển ung thư phổi.
Bác sĩ khuyên những người bị phơi nhiễm amiăng nặng nên chụp X-quang ngực hoặc chụp CT thường xuyên và kiểm tra chức năng phổi, cũng như các xét nghiệm cần thiết khác bất kể tiền sử hút thuốc hay không. Nếu được chẩn đoán mắc bệnh liên quan đến amiăng, thì nên tư vấn bác sĩ để điều trị kịp thời.
Tác giả bài viết: BVQT Minh Anh
Ý kiến khác