1. Trào ngược dạ dày thực quản là gì?
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản hay còn gọi tắt là GERD (Gastroesophageal Reflux Disease) là tình trạng dịch dạ dày như thức ăn, men tiêu hóa, hơi... trào ngược lên thực quản gây bỏng rát. Thông thường, khi ăn uống, thức ăn đưa từ miệng xuống thực quản, cơ vòng thực quản dưới mở ra cho phép thức ăn đi xuống, sau đó tự động đóng kín lại để ngăn không cho thức ăn và dịch vị trào ngược trở lại. Nhưng khi mắc bệnh, cơ vòng thực quản hay còn được ví là chiếc van một chiều này suy yếu phát sinh hiện tượng trào ngược, dịch dạ dày trào lên gây tổn thương các cơ quan thực quản, thanh quản, miệng,..
Nhiều người thỉnh thoảng có thể bị trào ngược axit, khó tiêu hoặc ợ nóng. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng trào ngược axit hơn hai lần mỗi tuần, bạn có thể mắc bệnh GERD.Trong thuật ngữ tiếng Anh, căn bệnh này dễ nhầm giữa ợ nóng và đau tim. Ợ nóng và đau tim là hai nguyên nhân phổ biến gây đau ngực. Tuy nhiên, nguyên nhân và cảm giác của chúng thường khác nhau. Ợ nóng có thể xảy ra khi axit trong dạ dày trào ngược lên thực quản. Điều này có thể gây ra cảm giác nóng rát bốc lên từ dạ dày và tỏa ra ngực. Còn đau tim là khi tim của bạn không nhận đủ máu và oxy do giảm lưu lượng máu trong một hoặc nhiều động mạch chính. Điều này có thể gây ra cơn đau đột ngột, khó chịu hoặc đau nhói ở giữa hoặc bên trái ngực của bạn, cảm giác như bị đè hoặc ép, đôi khi có thể lan đến cổ, hàm và vai của bạn.
2. Triệu chứng
Triệu chứng phổ biến nhất của GERD là chứng ợ nóng dai dẳng, có thể liên quan đến cảm giác nóng rát dạ dày dâng lên ngực, cổ và cổ họng; vị chua hoặc đắng ở phía sau miệng; trào ngược thức ăn hoặc chất lỏng từ dạ dày vào miệng. Ngoài ra còn có các triệu chứng khác như cảm giác no hoặc có khối u ở sau cổ họng; ho mãn tính; giọng nói khàn; hôi miệng… Triệu chứng dai dẳng và có thể ngày càng xấu đi mặc dù đã được điều trị y tế. Các triệu chứng báo động bao gồm khó nuốt , đau khi nuốt, buồn nôn hoặc nôn mửa. giảm cân, thiếu máu, chảy máu…
Triệu chứng ở trẻ sơ sinh có đôi chút khác người lớn như nôn trớ thường xuyên và bất thường. Đôi khi từ chối ăn, khó nuốt, khó thở, ợ ướt hoặc nấc cụt, khó chịu hoặc cong lưng trong hoặc sau khi cho ăn, giảm cân hoặc chậm lớn, ho tái phát hoặc viêm phổi, khó ngủ, quấy khóc.
3. Nguyên nhân gây bệnh GERD
GERD gây trào ngược axit, có thể do hoạt động không đúng của cơ vòng thực quản dưới (LES). LES là một dải cơ tròn ở cuối thực quản. Khi nuốt, nó giãn ra và mở ra để thức ăn và chất lỏng đi từ miệng xuống dạ dày, sau đó, nó thắt chặt và đóng lại giống như chiếc van như đề cập.
Trào ngược axit xảy ra khi LES không thắt chặt hoặc đóng đúng cách. Điều này cho phép dịch tiêu hóa và các chất khác trong dạ dày trào lên thực quản. LES bị sự cố nếu mắc một số bệnh như bị thoát vị hoành, ăn nhiều bữa, đi nằm ngay sau khi ăn , do lối sống thiếu khoa học như hút thuốc hoặc tiếp xúc với khói thuốc thụ động, ăn nhiều rồi đi nằm ngay, sử dụng nhiều loại thuốc chống viêm không steroid như aspirin và ibuprofen. Do yếu tố sức khỏe như bị béo phì, đang giai đoạn thai kỳ, rối loạn mô liên kết, do tuổi tác…., do stress nặng, mắc bệnh hen suyễn, hội chứng ruột kích thích, lạm dụng rượu bia, dùng nhiều thực phẩm cay nóng, lạm dụng đồ uống có ga..
4. Chẩn đoán
Bác sĩ cần xem tiền sử bệnh và khám sức khỏe thực thể. Nếu đang gặp các triệu chứng đáng báo động, chẳng hạn như đau ngực hoặc khó nuốt, thì cần làm một số khám và kiểm tra, xét nghiệm dùng đầu dò pH 24 giờ để đo mức độ tiếp xúc với axit mà thực quản; kiểm tra thực quản qua hình ảnh X-quang để kiểm tra đường tiêu hóa trên của bạn. Ngoài ra còn nội soi trên, đo áp suất thực quản, theo dõi pH thực quản…
Về phóng ngừa- điều trị : Để quản lý và làm giảm các triệu chứng của GERD, một số biện pháp khắc phục tại nhà và điều chỉnh thói quen sinh hoạt có thể hữu ích. Cụ thể:
Phương pháp không dùng thuốc luôn được khuyến cáo. Một chế độ sinh hoạt hợp lý hay một chế độ ăn khoa học sẽ giúp làm giảm bệnh, như ăn thành từng bữa nhỏ; lựa chọn các thực phẩm có tính kiềm, có khả năng trung hòa axit như thực phẩm từ tinh bột hay đạm dễ tiêu. Hạn chế thực phẩm kích thích tăng tiết axit hay kích thích cơ thắt dưới thực quản như thực phẩm có hàm lượng axit cao như chanh, cam, dứa.... Hạn chế thực phẩm giàu chất béo; thực phẩm chua cay.
Ngoài ra cũng nên luyện tập để duy trì cân nặng hợp lý, tránh xa thuốc lá, tránh ăn no vào buổi tối và chờ 2–3 giờ sau khi ăn để đi nằm, khi ngủ nên gối cao hơn bình thường một chút. Về thuốc, bác sĩ có thể kê đơn thuốc để giảm tiết axit dạ dày, nhưng việc kê đơn và dùng thuốc phải tuân thủ nguyên tắc ngành y, đúng thuốc, đúng liều và thời hạn sử dụng. Và cuối cùng mọi phương án không kết quả có thể phẫu thuật, nhất là khi đã phát triển các biến chứng.
Tác giả bài viết: BVQT Minh Anh
Ý kiến khác