NHỮNG GHI CHÉP TRONG CHIẾN DỊCH TIÊM CHỦNG VẮC XIN COVID 19
Thứ năm - 24/06/2021 17:58
Đoàn BVQT Minh Anh tham gia cùng các cơ sở y tế khác trong chiến dịch tiêm chủng vắc xin ngừa covid – 19 lớn nhất từ trước đến nay của TP.HCM.
Sài Gòn yên ắng lạ thường…Vài chiếc xe vụt qua âm thầm như muốn nuốt nhanh khoảng cách. Các khu phố buôn bán, ẩm thực sôi động ngày đêm, giờ cửa đóng then cài. Những vỉa hè xô bồ không còn lối đi vì quán xá đã đìu hiu, gió hút…Đến chiếc lá rơi cũng còn nghe thấy. Ngoài đầu ngõ, anh chủ tiệm hớt tóc đang tháo bảng hiệu, trả mặt bằng. Như bao hộ kinh doanh khác, công việc làm ăn của anh đã tan tác vì dịch.
Cơn bão covid – 19 không nghĩ có thể hoành hành ở cái nơi nắng nóng như vầy. Vậy mà… Sáng nay, Sài Gòn đã lên trên 2.000 ca nhiễm covid – 19, đứng thứ 2 sau Bắc Giang.
Sau khoanh vùng, cách ly, không còn cách gì khác là giãn cách xã hội, biện pháp 5K (Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tụ tập – Khai báo y tế). Nhưng như thế vẫn chưa đủ, giải pháp 5K giờ phải cộng thêm chiến lược vaccine mới có thể giúp vượt qua đại dịch COVID, đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Và chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 lớn nhất từ trước đến nay tại TP.HCM được khởi động. Với tổng cộng 836.000 liều vắc xin, cố gắng dứt điểm trong vòng 5- 7 ngày, TP.HCM đã huy động tổng lực các lực lượng, tổ chức tiêm chủng tại 1.000 bàn tiêm.
Bệnh viện quốc tế Minh Anh cũng huy động lực lượng, ngoài cơ số ở lại để đảm bảo việc khám, điều trị, bệnh viện đã thành lập 4 đội tiêm vắc xin phòng COVID-19 do BSCK1 Nguyễn Thị Bích Thủy Trưởng khoa Khám bệnh làm trưởng đoàn - cùng hơn 900 đội tiêm toàn thành khác tham gia thực hiện chiến dịch mang nhiều hy vọng cho cộng đồng này.
Theo chân đoàn đi chiến dịch nhằm cố gắng ghi hình đầy đủ hoạt động của đoàn, là sự trải nghiệm, tìm hiểu những niềm vui, sự vất vã của họ, những khó khăn mà mọi người sẽ phải đối mặt và vượt qua trên mặt trận phòng chống dịch bệnh. Nghe nói hôm qua, đoàn chích ngừa tại khu Công nghiệp Tây Bắc Củ Chi, mãi đến 22g mới về đến bệnh viện, có nghĩa là tầm hơn kém 23g những chiến sĩ áo trắng của chúng ta mới về được tới nhà.
Đoàn xe chở chúng tôi lướt qua những con đường thênh thang, trống trải, một số vỉa hè, lề đường trước kia là nơi chợ tự phát ( muốn chạy qua cũng phải chật vật), giờ chính quyền đã căng dây màu vàng phong tỏa. Những đầu dây phất phơ trong gió… Một hình ảnh như dự báo những vấn đề mà chúng tôi sẽ gặp phải hôm nay…
Những trúc trắc
Trên chiếc xe chở bác sĩ, bác sĩ Thủy vẫn không ngừng trao đổi qua điện thoại với bộ phận đảm nhiệm việc liên lạc Sở Y tế, bộ phận điều phối vắc xin HCDC và các đại diện cho đơn vị được tiêm. Có trục trặc về điểm tiêm, bác sĩ Thủy cho biết, rằng tiếp tục tại khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi ( điểm cũ) hay khu công nghiệp Đông Nam Củ Chi ( điểm mới ) vẫn chưa thống nhất, trong khi đoàn đã khởi hành để kịp tiến độ.
Không thống nhất được, nên đoàn đang hướng về khu Đông Nam thì có ý kiến phải quay ngược về khu Tây Bắc. Tạm thời, trưởng đoàn cho 2 xe chở nhân viên y tế và thiết bị tiếp tục duy trì đi về Đông Nam, riêng chiếc xe bác sĩ Thủy lủi vào đường nhỏ theo google map kiếm lối tắt, tiết kiệm thời gian, ngược về khu Tây Bắc theo chỉ thị.
Theo bác sĩ Thủy, điểm tiêm tại khu Công nghiệp Tây Bắc hôm qua còn khoảng 700 chỉ tiêu chưa kịp tiêm, tối qua 5 bệnh viện được giao trách nhiệm tại đây cùng HCDC đã thống nhất: hôm nay 2 bệnh viện sẽ tiếp tục tiêm cho dứt, còn 3 bệnh viện, trong đó có Minh Anh sẽ qua điểm mới, nhưng sáng nay trên Sở vẫn cứ lệnh tiêm chỗ cũ, trong khi 2 bệnh viện thôi cũng đã dư năng lực để giải quyết 700 chỉ tiêu này rồi. Vả lại HCDC đã đưa cơ số vắc xin qua bên kia, mình có đến chỗ cũ thì cũng có vắc xin đâu mà tiêm. Thật bức xúc! Giờ xe mình cứ chấp hành qua đó, qua đó để chỉ cần đại diện điểm tiêm xác nhận họ không cần sự hỗ trợ của mình là xe sẽ ngược về điểm mới tập kết cùng anh em.
Điện thoại reo, thông báo 2 chiếc xe của đoàn đã tới khu Công nghiệp Đông Nam. Sau khi dặn dò mọi người nhanh chóng vào khu vực và triển khai, bác sĩ Thủy liên lạc ngay với đại diện HCDC tại đó để hỗ trợ và cung cấp vắc xin. Xong đầu này, phải liên lạc ngay với đầu bên kia để tiếp tục cập nhật các thông tin hầu tìm cách giải quyết.
Chiếc xe vẫn theo “ông Google” bám vào những con đường nhỏ để tới khu Công nghiệp Tây Bắc. Một số con đường đang được sửa chữa, đặt cống nên xe cứ gập ghềnh, lắc lư khổ sở. Điện thoại lại reo. Lần này thì tin vui, có lệnh cho phép bác sĩ Thủy thấy gì hợp lý thì có quyền quyết định. Vậy là đỡ mất thời gian qua khu công nghiệp Tây Bắc. Xe lộn ngược về hướng Đông Nam. Nhưng…
Phong tỏa
Khi xe định rẽ trái vào một con đường theo hướng đi, thì một chốt chặn đã hiện diện tại đây – khu vực đang bị phong tỏa bởi Covid – 19. Thật là phiền, giờ đã 9 giờ rồi, sao đây? Mình chỉ đi ngang qua thôi mà. Bác sĩ Thủy xuống xe trình bày với chốt dịch, nhưng quân lệnh như sơn, vị công an dứt khoát nói đoàn phải đi lối khác. Anh Hoàng - lái xe bắt đầu bối rối, quay đầu xe lại kiếm hướng đi, địa bàn này không rành lắm phải theo goole map thôi, quẹo phải, rồi quẹo trái, rồi đi thêm 600 mét nữa quẹo phải vào đường…Tiếng hướng-dẫn-máy cứ đều đều chói chát.
Trời! nghe lời ông Google, giờ phía trước có cục gạch, nhánh cây thò lên gắn bảng cảnh báo “đường đang bị phong tỏa”. Ngập ngừng một chút, xe nhấn ga, anh Hoàng nói có thấy chốt và dây vàng đâu, mình cứ đi. Qua khúc cua độ 50m, chình ình trước mặt quả là một cái chốt chặn.
Thôi đành lùi xe, quay đầu, tìm đường khác…
Sốt ruột bác sĩ Châu than, cái ông Goole này không cập nhật điểm phong tỏa, nên ổng cứ chỉ mình vào đường ‘cấm”. Thực vậy, nãy giờ dính 2 chốt rồi, vậy mà chốt chưa tha. Sau khi vượt quãng đường dài, ngay lúc này chỉ còn cách con đường chính để di chuyển tới điểm chưa đầy 20m - chỉ là muốn ra tới - phải băng qua con đường ngách, mà con đường ngách thì lại bị phong tỏa rồi. Thật xúi quẩy! Chưa đầy 20m, chỉ băng qua cái vù là thoát, vậy nên bác sĩ Thủy lại thân chinh xuống xe điều đình. Lại những cái lắc đầu, dù chốt chặn hết sức thông cảm…
Rồi cũng qua
Một thành viên của chốt bước tới tận tình hướng dẫn cho anh Hoàng đường đi tránh được các điểm phong tỏa, anh lắng nghe, nhưng không tự tin mình nhớ đường lắm, khu vực vùng ven mà, phát triển ào ào, nhiều còn đường mới bao quanh trục đường chính, ngay dân địa bàn còn không cập nhật được, huống chi là dân lạ nước, lạ cái.
Thời may, một thành viên khác của chốt nhiệt tình xách xe tình nguyện chạy trước hướng dẫn đoàn. Phào! ngoằn ngoèo độ 10 phút - sau khi cám ơn anh “tốt bụng”, chúng tôi gọi vậy - xe đi thẳng một mạch tới điểm tập kết cùng anh em.
Tại đây những hàng dài công nhân đang chờ vào tiêm. Bên trong khu vực, các bệnh viện khác đã vào việc rồi. Đoàn BVQT Minh Anh hối hả triển khai, phân bàn, để có thể tiếp nhận ngay người tiêm chủng. 10g 30, các thành viên đã có thể hoạt động.
Mỗi người, mỗi việc theo sự phân công, bỏ lại những rắc rối sau lưng, hòa thành một nhịp, vận hành một dây chuyền "tiếp nhận – đo sinh hiệu – khám sàng lọc – tiêm ngừa – theo dõi sau tiêm"…cứ thế cho đến khi xong việc.
Chậm quá!
Đó là lời than của bác sĩ Thủy khi nói về nhịp độ đưa công nhân lên tiêm ngừa của công ty. Chậm như vầy tiến độ công việc cũng chậm theo, đã có một độ giãn lớn trong hoạt động. Nghe nói số lượng cần tiêm còn đông, nhưng người cứ lên thưa thớt, chả bù với điểm hôm qua, họ điều phối rất hay, lúc nào cũng có công nhân, các dây chuyền tiêm ngừa phải hoạt động hết công suất mới giải tỏa được áp lực.
Sau khi làm việc với đại diện công ty, lượng công nhân mới bắt đầu dày trở lại và cuốn mọi người theo công việc. Rõ là, phải có sự phối hợp tốt giữa các bên, buổi sáng việc định địa điểm chưa tốt gây mất thời gian, đến được điểm hẹn, thì việc điều phối tại công ty lại có vấn đề.
Vượt qua khó khăn
Có đi thực địa mới thấy những khó khăn mà đoàn phải đối phó, tìm cách vượt qua. Như tại khu CN Linh Trung 1, đoàn được phân công tiêm ngừa cho công nhân một công ty làm thú bông. Đến nơi mới ngã ngửa, vì chỗ họ bố trí cho công tác tiêm ngừa là nhà giữ xe công nhân, được che phủ bởi mái tôn cách mặt đất chừng hơn 2m. Mới 8 giờ mà ở đây hơi nóng đã hầm hập, đó là chưa có ai, chừng khi công nhân tập trung vào đây chích ngừa, chắc sẽ không thở nổi, có khi lại có người ngất vì nóng. Chưa hết đâu, khu vực còn “dành riêng” một chỗ theo dõi sau tiêm chỉ chừng 6m vuông, và ở đó duy nhất là một cái ghế đẩu nhỏ (?)
Đoàn không chấp nhận khu vực tiêm ngừa tiềm ẩn những “hiểm họa” này, và đề nghị cho đi xem các mặt bằng khác. Cuối cùng, cũng tìm ra nơi tương đối thích hợp để bày binh, bố trận. Và thực sự may là buổi tiêm đó cũng có khoảng gần chục công nhân có biểu hiện mệt, choáng ( có một ca phải chuyển cấp cứu lên bệnh viện), nếu không thay đổi địa điểm, thì lấy đâu ra giường và nơi riêng biệt thích hợp để những người này nằm nghỉ cho bác sĩ theo dõi.
Tại một công ty khác, điểm tiêm ngừa là một khu vực hàng hiên lợp tôn, thực sự họ không còn chỗ nào khác. Họ cố gắng giải quyết “nhiệt” bằng cách tăng cường quạt gió, quạt hút, và xả nước lên mái tôn theo yêu cầu của đoàn. Thực sự thì ai cũng hiểu khó khăn của họ, đâu ai lường trước dịch bệnh để phải có một chỗ đủ điều kiện. Chỉ tội cho công nhân, vì nóng nên nhiều người bị tăng nhiệt, tăng mạch, tăng huyết áp không thể tiêm. Biện pháp giải quyết là cho họ vào một phòng có máy lạnh để họ nghỉ một chút, khi nhiệt độ, huyết áp trở về bình thường thì sẽ tiêm liền.
Tiếng trẻ ê a trong phòng tiêm ngừa
Đó là tiếng của trẻ qua điện thoại.
Tranh thủ thời gian rỗi, mọi người lôi điện thoại ra nhắn gọi í ới… nhất là các bà mẹ trẻ, zalo video call được tận dụng tối đa, trong đoàn cũng hết 4, 5 điều dưỡng nữ có con nhỏ mới dưới 2 tuổi, có điều dưỡng con còn chưa tới tuổi thôi nôi. Tiếng ê a của con trẻ, tiếng chật lưỡi, nựng con qua màn hình thật là thương.
Thường thì đến chiều, chỉ tiêu tiêm chủng cho 200 người mỗi đội là hoàn thành, khi ấy đoàn sẽ thu xếp trang thiết bị ra về nghỉ ngơi để đảm bảo sức khỏe ngày hôm sau và duy trì cho suốt chiến dịch. Dù biết là vậy, nhưng khi thấy công nhân họ lên xếp hàng đợi mình, thì mọi người cũng cố gắng ở lại tiêm vét cho bằng hết, cho nên cái cảnh sáng đi chiến dịch con chưa ngủ dậy, khi mẹ về thì con đã ngủ rồi… vẫn phải diễn ra - “cái kiểu này mình về con nó lạ, có khi ẳm nó, nó khóc, nó đẩy ra” – một điều dưỡng nói vui.