Đầu gối chúng ta là một khớp bản lề được kết nối bởi bốn dây chằng - là cấu trúc quan trọng giúp giữ các xương lại với nhau và kiểm soát cử động của khớp. Đặc biệt, dây chằng còn đảm bảo khoảng cách mà xương chày có thể “trượt” về phía trước so với xương đùi để tạo điều kiện cho chúng ta di chuyển một cách thuận tiện và an toàn.
Tổn thương dây chằng chéo trước là một tổn thương hay gặp nhất.
Dựa vào tỉnh trạng tổn thương, các bác sĩ chia thành 3 cấp độ như sau:
• Cấp độ 1: Ở cấp độ này, dây chằng chéo trước đã bị giãn quá mức, nhưng vẫn có thể giữ cho đầu gối ổn định.
• Cấp độ 2: dây chằng bị đứt một phần làm khớp gối trở nên lỏng lẻo.
• Cấp độ 3: Dây chằng chéo trước đứt hoàn toàn không còn kiểm soát được xương bánh chè.
Tùy theo mức độ tổn thương, tùy theo đòi hỏi vận động của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định: điều trị bảo tồn hay điều trị phẫu thuật.
Việc điều trị bảo tồn chủ yếu dựa vào vật lý trị liệu - phục hồi chức năng, bao gồm việc điều chỉnh đúng tư thế, hướng dẫn bệnh nhân cách phòng ngừa tình trạng mất vững và sử dụng nẹp chỉnh hình có bản lề cho khớp gối. Tuy nhiên, các tổn thương thứ phát do lỏng khớp gối kéo dài như rách sụn chêm, thoái hóa khớp gối có thể xảy ra ở nhóm bệnh nhân lựa chọn điều trị bảo tồn.
Điều trị ngoại khoa thường được dùng để xử trí các tổn thương phối hợp (đứt dây chằng chéo trước phối hợp với những tổn thương khác ở khớp gối - như trường hợp bệnh nhân 19 tuổi này ngoài đứt hoàn toàn dây chằng chéo trước, bệnh nhân còn bị rách sụn chêm).
Với đứt dây chằng chéo trước khớp gối, phương pháp khâu nối thường không mang lại hiệu quả theo thời gian. Vì vậy, dây chằng chéo trước bị đứt được thay thế bằng một mảnh ghép gân của chính bệnh nhân. Ở trường hợp này các bác sĩ Bệnh viện quốc tế Minh Anh dùng gân mác.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ cần thực hiện những bài tập vật lý trị liệu. Đây là một phần hết sức quan trọng trong việc làm vững khớp gối, lấy lại vận động cũng như tham gia các hoạt động thể thao khác.
Tác giả bài viết: BVQT Minh Anh
Ý kiến khác