Bệnh quầng thâm dưới mắt dưới góc nhìn y học
Theo giới da liễu, quầng thâm dưới mắt (Dark Circles Under the Eyes) là vùng da dưới mắt bị sẫm màu, có thể là màu tím hoặc xanh đến nâu sẫm hoặc đen, tùy thuộc vào màu da. Trong dân gian, nó được gọi là mắt quầng thâm và mọi người chúng ta ai cũng có thể trải qua trong giai đoạn nào đó của cuộc đời với mức độ khác nhau. Ở người này, chỉ hơi thâm và thoáng qua trong một vài ngày, còn ở người kia thì ngược lại, thâm sẫm hơn và lâu dài hơn.
Quầng thâm dưới mắt có thể có nguyên nhân không phải do bệnh lý có từ trước. Ví dụ như tiền sử gia đình có quầng thâm, mệt mỏi, thiếu ngủ, dị ứng, dụi mắt hoặc tiếp xúc với ánh nắng quá mức. Lý do, vùng da mí mắt dưới là vùng mỏng nhất trong hệ thống da cơ thể. Máu chảy qua các tĩnh mạch nhỏ bên dưới làm cho vùng da này phơn phớt xanh nên có nhiều yếu tố tác động làm cho vùng da này sậm lại. Trong một số trường hợp, quầng thâm dưới mắt báo hiệu sự cần thiết phải thay đổi lối sống, chẳng hạn như cải thiện thói quen ngủ nghỉ hay ăn uống.
Nguyên nhân gây bệnh quầng thâm dưới
Theo trang tin y học Mỹ Mayoclinic, có nhiều nguyên nhân, trong đó có bệnh và do lối sống. Về bệnh có một số bệnh lý khiến vùng dưới mắt thâm quầng:
Kinh nguyệt không đều, ở phụ nữ, nếu xuất hiện quầng thâm dưới mắt trong thời gian dài có thể do đau bụng kinh, hoặc kinh nguyệt không đều gây ra. Ngoài ra, kinh ra quá nhiều, hoặc chị em có hiện tượng xuất huyết tử cung cũng dễ bị quầng thâm dưới mắt.
Do thận yếu, suy thận, điều này nó làm cho cơ thể suy ngược, do viêm dạ dày mãn tính, bị suy nhược thần kinh, có bệnh về nội tạng cũng dễ xuất hiện quầng thâm dưới mắt. Theo nghiên cứu, có khoảng 20% người bị bệnh gan thường xuất hiện quầng đen ở những vùng cơ thể lộ ra ngoài như khuôn mặt, vùng quanh mắt… Do mắc một số bệnh viêm nhiễm như viêm mũi dị ứng, nhất là kéo dài không được điều trị… Đôi khi còn do cơ thể bị suy nhược, do mang thai, yếu tố tuổi tác, sắc tộc, nhất là nhóm có tông màu da sẫm.
Ngoài ra còn có lý do ăn uống, lối sống, do căng thẳng, thiếu ngủ, dị ứng, hen suyễn, chàm, tăng sắc tố (có quá nhiều melanin), suy giảm mô mỡ quanh mắt, da mỏng dần, do mỹ phẩm, dược phẩm, thiếu máu do thiếu sắt, phơi nhiễm quá nhiều với ánh sáng mặt trời, do hút thuốc, mất nước v.v.
Giải pháp khắc phục
Tuy chưa có kỹ thuật tối ưu, dứt điểm nhưng theo các bác sĩ da liễu, chị em có thể giảm quầng thâm dưới mắt bằng một số kinh nghiệm dưới đây:
· Tăng cường giấc ngủ, cả về thời lượng lẫn chất lượng, ngủ đủ không chỉ tốt cho sức khỏe chung mà còn làm giảm quầng thâm, mỗi ngày nên ngủ ít nhất 6-8 tiếng.
· Nếu quầng thâm dưới mắt do kinh nguyệt không đều, chị em cần điều tiết kinh nguyệt theo chỉ định của bác sĩ.
· Uống đủ nước mỗi ngày (khoảng 1,5 -2 lít), tăng cường rau quả tươi và đầy đủ dưỡng chất, hạn chế muối, đường, thực phẩm chế biến công nghiệp, các loại nước ngọt, nước giải khát có gas.
· Khi ra ngoài nắng nên đeo kính râm và đội nón rộng vành.
· Tránh lạm dụng mỹ phẩm, không nên dùng kem trộn hay thuốc tẩy trắng da.
· Duy trì lịch làm việc, nghỉ ngơi điều độ, hợp lý. Tránh để cơ thể quá tải gây mệt mỏi, tránh thức khuya. Nên sinh hoạt điều độ, đồng thời tăng cường dưỡng tâm, giữ tâm trạng vui vẻ, lạc quan
· Dùng dưa chuột thái lát đắp lên mắt để làm dịu mệt mỏi và giảm sưng. Hàm lượng nước và vitamin C cao của dưa chuột có thể giúp nuôi dưỡng và giữ ẩm cho da. Dưa chuột cũng chứa silica, rất cần thiết cho các mô khỏe mạnh.
· Chườm lạnh, giúp hạn chế các mạch máu và làm giảm sự xuất hiện của quầng thâm.
· Dùng trà túi lọc đắp lên vùng thâm quầng, caffeine có đặc tính chống oxy hóa và kích thích lưu thông máu quanh mắt. Có thể sử dụng trà túi lọc đen, xanh hoặc thảo dược.
· Trước khi đi ngủ, có thể dùng ngón tay mát-xa vùng quanh mắt sau đó dùng nước trà ấm thấm khăn đắp lên mắt để giúp tăng lượng tuần hoàn máu đến các mô, thư giãn cơ quanh mắt.
· Sử dụng sản phẩm chăm sóc da chống oxy hóa như kem bôi mặt và các sản phẩm dưỡng dưới mắt chứa chất chống oxy hóa. Vitamin E và C là những chất chống oxy hóa có thể giúp giảm quầng thâm.
· Áp dụng nghệ thuật trang điểm, tuy không làm thay đổi quầng thâm, nhưng có thể che khuyết điểm dưới mắt.
· Liệu pháp laser có thể là cách điều trị hiệu quả cho quầng thâm. Các thủ thuật laser ít xâm lấn, chẳng hạn như laser xung màu hoặc laser diode, có thể làm giảm nguy cơ để lại sẹo hoặc các tác dụng phụ tiềm ẩn khác.
· Nên đi khám chuyên khoa mắt để phát hiện tật khúc xạ và các bệnh về mắt khác khi thấy có những biểu hiện bất thường ở mắt và quanh mắt, kiểm tra sức khoẻ tổng thể để có phác đồ xử trí đúng cách và hiệu quả.
Tác giả bài viết: BVQT Minh Anh
Ý kiến khác