Chăm sóc vết thương cho người bệnh đái tháo đường

Thứ năm - 11/11/2021 07:56
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi phút trôi qua trên thế giới lại có 2 bệnh nhân đái tháo đường phải đoạn chi vì loét bàn chân. Điều đáng buồn là rất nhiều trường hợp trong số đó xuất phát từ những vết trầy xước nhỏ nhưng do chăm sóc không đúng cách.

   Trong chuyên mục Sống Khỏe kỳ này, chúng ta sẽ xem xét kỹ vấn đề này qua các phần trao đổi cùng bác sĩ TRƯƠNG VĂN TÀI - Chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình, vi phẫu thuật và tạo hình – BVQT Minh Anh.

BS. Trương Văn Tài
   Phần 1: VÌ SAO VẾT THƯƠNG Ở NGƯỜI ĐÁI THÁO ĐƯỜNG CẦN ĐƯỢC CHĂM SÓC ĐÚNG CÁCH?
 
+Thưa bác sĩ, không ít trường hợp,  người bệnh đái tháo đường chỉ cần một vết trầy xước ở chân cũng có thể dẫn đến hậu quả nghiệm trọng là đoạn chi. Bác sĩ có thể giải thích điều này?
 
   BS TRƯƠNG VĂN TÀI:
   Ở bệnh nhân đái tháo đường do đường huyết cao gây tổn thương thần kinh khiến người bệnh giảm khả năng nhận biết cảm giác đau, nóng hay lạnh. Vì vậy khi va, quẹt, dẫm, đạp vật sắc, nhọn thường thì họ không nhận biết. Hậu quả là nhiều trường hợp khi phát hiện thì vết thương đã nhiễm trùng hay loét nặng.
   Chúng ta cũng cần biết rằng, lượng đường trong máu cao là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Vì thế, khi xuất hiện vết thương, vi khuẩn từ bên ngoài có thể dễ dàng xâm nhập và sinh sôi gây nhiễm trùng. Bên cạnh đó, hệ miễn dịch của người bệnh cũng kém nên việc tự chữa lành vết thương sẽ lại càng khó khăn hơn bình thường.
   Và khi phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, hoặc điều trị trễ, chăm sóc không đúng cách thì khả năng giữ lại các chi rất thấp.
   Đây cũng là lý do tại sao các bác sĩ luôn yêu cầu người bệnh cần khám bàn chân mỗi ngày, kể cả vết thương hay vết chai dù nhỏ cũng phải biết cách xử lý.
 
   + Như vậy chăm sóc vết thương ở người bệnh đái tháo đường là một chăm sóc y tế cần có chuyên môn?
 
   BS TRƯƠNG VĂN TÀI:
   Với các vết thương nông ( độ 0, độ 1), chưa nhiễm trùng, bệnh nhân đái tháo đường có thể tự chăm sóc và theo dõi tại nhà. Với vết thương sâu (độ 2 trở lên) hoặc nhiễm trùng, bắt buộc phải có sự hỗ trợ từ bác sĩ.
   Việc điều trị cũng như chăm sóc vết loét bệnh nhân đái tháo đường rất khó và tốn nhiều công sức. Bệnh đái tháo đường dẫn đến những thay đổi trong mạch máu bao gồm cả động mạch. Và trong bệnh mạch máu ngoại biên, chất béo tạo thành từng mảng bám và gây tắc nghẽn các mạch ở xa não và tim. Hiện tượng kém nuôi dưỡng do máu đến ít sẽ hạn chế khả năng điều trị khỏi nhiễm trùng và lành các vết loét. Trường hợp bị tắc hoàn toàn động mạch, bàn chân và các ngón chân có thể bị hoại tử toàn bộ.
   Nghiêm trọng hơn khi hoại tử lan rộng, bác sĩ phải chỉ định cắt cụt chi nhằm ngăn ngừa nhiễm trùng huyết có thể đe dọa đến tình mạng bệnh nhân.
   Với tính đặc hữu của bệnh, việc chăm sóc đòi hỏi tính chuyên biệt cao, vì vậy không phải ngẫu nhiên mà các bệnh viện tuyến trung ương phải thành lập khoa riêng mang tên “Chăm sóc bàn chân đái tháo đường”.
   Với Bệnh viện quốc tế Minh Anh, bằng đội ngũ bác sĩ chấn thương chỉnh hình, vi phẫu thuật và tạo hình kết hợp với bác sĩ nội tiết đã hình thành đơn vị chăm sóc bàn chân đái tháo đường. Đây cũng là một dịch vụ đã được bệnh viện triển khai và đẩy mạnh trong thời gian qua.
 
(Đón xem phần 2: Các tổn thương ở bàn chân đái tháo đường)
 

Tác giả bài viết: Khắc Phương - BVQT Minh Anh

Tổng điểm nội dung là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá

  Ý kiến khác

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Bạn cần hỗ trợ?