I. Tổng quan ung thư đại trực tràng
Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ung thư đại trực tràng (Colorectal Cancer), gọi tắt CC là một trong những bệnh ung thư thường gặp ở cả nam lẫn nữ. Mỗi năm, thế giới có khoảng 700.000 đến 80.000 người tử vong vì căn bệnh này, chiếm 8,5 % tổng số ca chết vì ung thư, CC đứng thứ 3 về tỷ lệ mắc (10%). Hầu hết bệnh ung thư đại trực tràng giai đoạn đầu có những dấu hiệu sớm nhưng không được quan tâm nên khi phát hiện thấy là giai đoạn muộn, khó chữa trị. Triệu chứng rất đa dạng, bao gồm chán ăn, đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu, nhất là trên vùng rốn. Ngoài ra, còn các dấu hiệu như sút cân bất thường, táo bón, đi ngoài phân nhỏ, kèm máu đỏ tươi, chóng mặt, co thắt dạ dày… Chán ăn là dấu hiệu phổ biến ở người bệnh ung thư đại tràng, kéo dài khiến cơ thể càng thêm mệt mỏi, sút cân.
Theo CDC, sàng lọc ung thư đại trực tràng có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa chữa trị. Tại Mỹ, đây là căn bệnh ung thư có tỷ lệ tử vong cao thứ ba, phần lớn rơi vào nhóm từ 50 tuổi trở lên chưa được sàng lọc. Còn tại Việt Nam, theo số liệu của Bệnh viện K, năm 2018, Việt Nam ghi nhận 14.733 trường hợp mắc mới và 7856 ca tử vong vì căn bệnh này. Việc phát hiện và điều trị sớm không chỉ giúp bệnh nhân kéo dài thời gian sống, mà còn làm giảm chi phí điều trị và nhiều lợi ích khác. Nếu xuất hiện các triệu chứng trên, hãy tìm gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. Việc khám kiểm tra tại các bệnh viện và tiến hành điều trị sẽ giúp giảm các triệu chứng đau, và giúp can thiệp y tế kịp thời. Về phòng bệnh, hãy tránh ăn chất béo cao, protein, thực phẩm chất xơ thấp, nên có kiến thức nhất định để phòng bệnh ngay từ khi chưa có triệu chứng.
II. Dưới đây là những điều mọi người cần biết về ung thư đại trực tràng
1. Tất cả người trưởng thành, bắt đầu từ tuổi 50 nên đi khám, kiểm tra ung thư đại trực tràng và làm nội soi để phát hiện và ngăn ngừa bệnh. Những người có tiền sử gia đình mắc bệnh, có khuynh hướng di truyền mắc bệnh hoặc có tiền sử viêm ruột hoặc bệnh Crohn, thì nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng cao hơn và nên đi khám, kiểm tra sớm hơn.
Cần cho bác sĩ biết các triệu chứng, bác sĩ có thể kê đơn làm các xét nghiệm, như xét nghiệm phân hoặc chụp CT, nội soi đại tràng, một thủ thuật xâm lấn tối thiểu cho phép kiểm tra toàn bộ ruột già. Đây là phương thức phổ biến và hiệu quả nhất để phát hiện ung thư, và can thiệp sớm nhằm loại bỏ mọi sự tăng trưởng tế bào tiền ung thư, hoặc polyp, giúp nâng cao hiệu quả điều trị. Nếu không tìm thấy polyp hoặc các bất thường khác, thì 10 năm tiếp theo nên lặp lại quy trình này một lần nữa,
2. Ung thư đại trực tràng đang có chiều hướng trẻ hóa: Theo WHO, trong khi hơn 90% bệnh ung thư đại trực tràng được chẩn đoán ở bệnh nhân trên 50 tuổi, thì một nghiên cứu năm 2019 cho thấy, ung thư đại trực tràng tuy nhưng đang có xu hướng trẻ hóa, xuất hiện ở nhóm người tuổi từ 20 đến 40. Các nhà khoa học không chắc chắn về nguyên nhân là do di truyền, béo phì hay chế độ ăn uống. Vì lý do này, WHO khuyến cáo mọi người không nên bỏ qua bất kỳ triệu chứng nào và sớm cho bác sĩ nếu có triệu chứng phát sinh.
3. Các triệu chứng của ung thư đại trực tràng: Như đề cập, ở người lớn, đặc biệt là những người có các yếu tố nguy cơ, cần lưu ý đến các triệu chứng sau đây:
• Chảy máu trực tràng
• Mọi thay đổi trong thói quen đại tiện, chẳng hạn như táo bón, đại tiện ra máu tươi, phân lỏng hoặc tiêu chảy
• Giảm cân ngoài ý muốn
• Đau bụng, đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu, nhất là trên vùng rốn
• Mệt mỏi, uể oải, chán ăn
4. Nên lên lịch nội soi: Theo các chuyên gia tiêu hóa, không bao giờ là quá muộn khi đi thăm khám bác sĩ. Bác sĩ khuyến cáo những người trưởng thành nên đi làm nội soi. Lợi ích của việc sàng lọc ung thư đại trực tràng là quá rõ, khám sớm, phát hiện sớm và có các phòng ngừa thích hợp, áp dụng lối sống khoa học sẽ có tác dụng kéo dài tuổi thọ, hạn chế chi phí điều trị nếu phát hiện muộn.
5. Lựa chọn chế độ ăn uống và lối sống khoa học để ngăn ngừa bệnh. Một chế độ ăn nhiều trái cây và rau quả, chất xơ và cá có thể ngăn ngừa ung thư đại trực tràng. Hạn chế ăn nhiều thịt chế biến, như thịt xông khói, giăm bông và xúc xích, thực phẩm nhiều đường, nhiều mỡ, ít chất xơ. Ngoài ra, béo phì, hút thuốc, sử dụng rượu nặng và không hoạt động thể chất cũng là những yếu tố làm tăng bệnh.
Nên bổ bổ sung thêm các vitamin E, C và A…; duy trì trọng lượng cơ thể hợp lý, khỏe mạnh, tránh thừa cân béo phì; không hút thuốc lá, hạn chế sử dụng rượu bia và đồ có cồn; năng vận động, luyện tập thể dục thường xuyên…
Tác giả bài viết: BVQT Minh Anh
Ý kiến khác