Tiêm chủng rất cần thiết cho trẻ em và rất quan trọng đối với những người trưởng thành.
“Hồi nhỏ tiêm ngừa đủ bệnh rồi, lớn lên đầu cần chích nữa”. Rất nhiều người còn mang tâm thế này, vì họ đang khỏe mạnh mà, có sao đâu?
Thế rồi đại dịch covid – 19 xãy ra, đã có một sự thay đổi nhận thức lớn lao về vaccin qua 2 câu thơ truyền mạng hiện nay:
Ngày xưa mơ ước đủ điều
Ngày nay chỉ ước " hai liều vaccin"
Có lẽ vì dịch covid – 19 rầm rộ quá…trong khi chúng ta – những người đã lớn – thực tế bấy lâu nay phải đối mặt nhiều căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm luôn rình rập và tấn công. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới có hơn 1,5 triệu người tử vong vì những bệnh truyền nhiễm có thể phòng ngừa bằng vắc xin.
Đó là những bệnh gì? Việc tiêm chủng ra sao? Sau đây chúng ta sẽ trò chuyện với BSCK1 Nguyễn Thị Bích Thủy – Trưởng khoa Khám bệnh, phụ trách đơn vị Tiêm chủng Bệnh viện quốc tế Minh Anh.
BSCK1 Nguyễn Thị Bích Thủy:
Tiêm chủng rất cần thiết cho trẻ em và rất quan trọng đối với những người trưởng thành.
Trẻ em khi mới sinh ra, hệ miễn dịch chưa đầy đủ, sức đề kháng kém nên rất dễ bị nhiễm bệnh. Như vào những năm tháng đầu đời, trẻ rất dễ mắc các bệnh truyền nhiễm như thủy đậu, ho gà, sởi, lao... Chính vì vậy, việc tiêm vắc xin cho trẻ là biện pháp tốt nhất để ngăn ngừa bệnh cũng như hạn chế các biến chứng và giảm nguy cơ tử vong ở trẻ. Và nếu tiêm phòng vắc xin đầy đủ theo đúng lịch tiêm chủng sẽ giúp bảo vệ trẻ em khỏi gần 30 bệnh lý nguy hiểm.
Trẻ em lớn lên sẽ là người trưởng thành. Khi đó, người trưởng thành sẽ cần tiêm ngừa những bệnh sau đây:
Viêm phổi do phế cầu khuẩn
Sởi – Quai bị - Rubella
Thủy đậu
Bạch hầu - Uốn ván – Ho gà
Viêm não Nhật Bản
Viêm màng não, Nhiễm khuẩn huyết, Viêm phổi do não mô cầu
Viêm gan A
Viêm gan B
Trở lại với câu chuyện ban đầu, không ít những thắc mắc rằng hồi nhỏ, nhiều vắc xin người ta đã được tiêm theo Chương trình tiêm chủng quốc gia mở rộng rồi, vì sao lớn lên phải tiêm ngừa lại? Thí dụ như viêm gan B mà bác sĩ đề cập ở trên.
BSCK1 Nguyễn Thị Bích Thủy:
Tại Việt Nam, vắc-xin viêm gan B liều sơ sinh được triển khai trong chương trình tiêm chủng mở rộng từ năm 1997. Như vậy những người sinh trước đó, để phòng ngừa căn bệnh có thể gây ung thư gan này thì tốt nhất là chủng ngừa siêu vi viêm gan B ( trừ một số người, cơ thể tự sinh ra kháng thể do tiếp xúc với virus này, thì không cần tiêm). Thêm nữa thông thường tiêm phòng viêm gan B cho trẻ sẽ có hiệu quả tốt nhất trong khoảng thời gian từ 5-10 năm. Chính vì vậy sau khoảng thời gian này khi kiểm tra lại lượng kháng thể HBsAb, nếu kháng thể HBsAb <10ml thì nên tiêm viêm gan B nhắc lại để tăng cường khả năng kháng bệnh.
Cũng vậy, vắc-xin quai bị, sởi, rubella được khuyến nghị nên tiêm ngừa ở phụ nữ chuẩn bị mang thai. Vì dù có thể bản thân đã được tiêm phòng từ nhỏ hoặc từng bị bệnh trước đây và có khả năng miễn dịch, khuyến nghị của các nhà chuyên môn tốt nhất vẫn cần xét nghiệm lại, để nếu cần thiết thì phải được tiêm lại.
Chúng ta nên biết, rubella là căn bệnh nguy hiểm, khiến 90% trường hợp mẹ mang thai nhiễm trong 3 tháng đầu sẽ gây dị tật bào thai, sảy thai, có thể để lại di chứng cho trẻ khi chào đời với các dị tật bộ phận não, tim, mắt, tai... Sởi cũng tương tự, nếu người mẹ mắc trong thai kỳ thì khả năng cao trẻ bị dị dạng, có thể sinh non, thai chết lưu, sảy thai. Còn virus quai bị sẽ gây viêm nhiễm buồng trứng, phá hủy tế bào trứng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe sinh sản của chị em, gây sinh non, thai chết lưu hay dị tật bẩm sinh.
Ngay cả uốn ván, chúng ta khi mới 2 tháng tuổi đã được tiêm chủng uốn ván theo Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Tuy nhiên, với bà mẹ mang thai lần đầu chưa được tiêm phòng vắc-xin trong 5 năm gần nhất thì cần tiêm 2 mũi phòng bệnh, 1 mũi trong 3 tháng giữa thai kỳ, 1 mũi sau đó tối thiểu 1 tháng, trước ngày sinh tối thiểu 1 tháng.
Trên đây là một số ví dụ về những vắc xin đã được tiêm hồi nhỏ, nhưng lớn lên khi cần thiết vẫn phải tiêm nhắc lại.
Vâng, như vậy đã rõ, bất cứ ở giai đoạn nào của tuổi sinh học, chúng ta cũng đều cần đến vắc xin để bảo vệ, ở từng trường hợp cụ thể mà nên cần vắc xin gì, tiêm vào thời điểm nào. BSCK1 Nguyễn Thị Bích Thủy:
Đúng vậy, như vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung HPV khuyên được tiêm ở phụ nữ dưới 26 tuổi và có chỉ định bác sĩ. Để đạt hiệu quả cao nhất, cần tiêm đủ 3 liều vắc xin, trong đó liều thứ 2 cách liều 1 từ 1-2 tháng, liều 3 sau liều 1 khoảng 6 tháng. Và nếu chuẩn bị mang thai thì cần chủ động tiêm vắc xin trước khi mang thai ít nhất 6 tháng.
Với người cao tuổi và người mắc các bệnh mạn tính có hệ miễn dịch suy giảm nên sẽ nhạy cảm hơn với các tác nhân gây bệnh. Do đó, họ có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm cao hơn, và khi mắc bệnh thì biến chứng của bệnh cũng sẽ nghiêm trọng hơn, tỷ lệ tử vong cao hơn. Như người bệnh COPD, cúm mùa là tác nhân gây ra các đợt cấp, làm bệnh trở nặng và nguy hiểm khiến họ nhập viện do suy hô hấp, phải thở máy, tỷ lệ tử vong lên đến 50%. Và nếu có qua cơn nguy kịch, thì số tiền viện phí bỏ ra không phải là nhỏ.
Trong khi đó, vắc xin cúm mùa, chỉ một mũi tiêm hàng năm sẽ giúp giảm khả năng mắc bệnh, giảm tỷ lệ biến chứng, tử vong. Và tất nhiên, khi không phải nhập viện cấp cứu, thì bệnh nhân, và người nhà không phải mất một số tiền quá lớn để điều trị.
Vâng, để kết luận câu chuyện ngày hôm nay, chúng ta nhắc lại quan điểm luôn đúng ở mọi thời đại, đó là ”phòng bệnh hơn chữa bệnh”, mà vắc xin là phương tiện phòng bệnh tuyệt vời, không chỉ ở trẻ em mà còn cho cả người lớn. Và “tiêm chủng không chỉ ngừa được bệnh mà còn ngừa được khó khăn về kinh tế”, không phải là một nhận định hết sức chí lý sao ? Xin cám ơn bác sĩ và hẹn gặp lại bác sĩ vào các chương trình sau.