TOÀN CẢNH COVID - 19

Chủ nhật - 18/07/2021 07:16
Điểm tin và ghi nhận tình hình mới về covid - 19 ngày 18/7/2021
Từ 0 giờ ngày 19.7: 19 tỉnh phía nam giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Đó là tin đáng chú ý trong Toàn cảnh covid – 19 sáng nay.
Theo đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng ý áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên phạm vi toàn địa bàn theo quy định tại Chỉ thị 16 đối với 3 địa phương TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai (đã thực hiện), bổ sung 16 địa phương, gồm: TP.Cần Thơ, Bình Phước, Tây Ninh, Tiền Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau và Kiên Giang.
Thời gian thực hiện giãn cách xã hội là 14 ngày. Thời điểm bắt đầu áp dụng đối với các tỉnh, TP do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định, nhưng không muộn hơn 0 giờ ngày 19.7.

Sáng 18/7, Bộ Y tế công bố 3.098 bệnh nhân Covid-19, gồm 2.472 ca bệnh mới phát hiện và 626 trường hợp được TP.HCM đăng ký bổ sung.

TP HCM đang thiếu rau củ quả và trứng gia cầm. Vâng, những ngày qua khi Chỉ thị 16 được ban hành, tình hình chung là mọi nhà “khát rau”. Theo Sở Công Thương TP.HCM thì vì các địa phương cùng áp dụng chỉ thị 16 nên nhiều người miền Tây cũng tranh thủ trữ mặt hàng này. Mặt khác việc chuyên chở cũng gặp những ách tắc nhất định. Vì vậy các nhà cung cấp tại TP HCM luôn trong tình trạng không đảm bảo được nguồn hàng đáp ứng nhu cầu người dân.
Xa rồi cái thời câu nói cửa miệng “rẻ như rau”, nhiều bà nội trợ tiu nghĩu xách giỏ ra về vì xếp hàng mua mớ rau mà không được. Khi cơn đại dịch qua đi, khi nhịp sống trở lại bình thường, người ta hẳn sẽ nhớ lắm cái lúc “ khát rau” như thế này.
Hôm nay chủ nhật, có lẽ sẽ cần vui vui một chút. Vậy nên chúng tôi xin giới thiệu Anh bán rau bị chê dại vì 'không hốt bạc mùa dịch' qua bài viết của Nguyễn Sơn ( VietNamnet )
 
Bảy năm qua, anh Phạm Hồng Minh thường xuyên tặng thực phẩm cho sinh viên, công nhân nghèo. Sau khi đến một sạp bán rau có người nhiễm Covid-19, anh tự cách ly tại nhà để đảm bảo an toàn cho mọi người.
 
1
Trước khi bị cách ly tại nhà, anh Minh bán rau ở khu chợ
dành cho công nhân của Khu công nghiệp Biên Hòa 1.

Bị chê là dại vì không tăng giá, tạm ngừng bán rau

Sắp xếp xong hàng trăm vỉ trứng gia cầm, anh Phạm Hồng Minh (37 tuổi, còn gọi là Minh Râu, ngụ TP Biên Hòa, Đồng Nai) lại đặt mua rau củ quả với các thương lái. Anh đang bị cách ly tại nhà nên việc đặt hàng chỉ thực hiện qua điện thoại.

Anh Minh là hộ kinh doanh rau củ nổi tiếng tại khu chợ dành cho công nhân của Khu công nghiệp Biên Hòa 1, phường An Bình, TP Biên Hòa. Sự nổi tiếng của sạp rau củ này đến từ những tấm bảng viết tay với nội dung hài hước, nhân văn.

Lúc bán rau muống, anh viết: “Rau muống đột biến 5 tỷ/bó, không cần bán gấp. Nay giảm giá chỉ còn 5 nghìn đồng/bó. Ai mua thì bán, ai xin thì cho”. Khi bán trứng vịt, anh lại ghi: “Mua về ăn thì 40K (40 nghìn đồng)/10 trứng. Mua về bán thì 45K/10 trứng”.

Thời điểm dịch bệnh căng thẳng, anh không ngần ngại đặt bảng lưu ý khách hàng như: “Không đeo khẩu trang, bán đắt gấp đôi”; “Mang khẩu trang hở mũi, không thêm hành ngò”…

Thậm chí, có hôm mệt quá, anh “lăn ra ngủ”. Việc mua bán, anh để khách tự lo. Anh viết vội dòng thông báo khách hàng tự chọn rau, củ rồi gửi tiền vào một cái hộp để sẵn trong sạp.

Ngoài ra, anh còn bán rau củ với giá thấp, thậm chí tặng người nghèo nên sạp rau của anh vô cùng đắt khách. Bởi vậy việc anh tạm ngưng kinh doanh khiến nhiều người bất ngờ, thậm chí chê cười.

Đặc biệt, mới đây, anh còn bị bạn hàng nhắn tin chê là ngu dại, khoe họ vẫn đang thu lời 5-10 triệu đồng/ngày. Tin nhắn trên có đoạn: “Mấy tuần nay, tụi tao hốt bạc Minh Râu ơi. Ngày lời 5-10 triệu bình thường, mày ngu lắm…”.

Đáp lại, anh Minh chỉ nhắn: “Kiếm tiền cả đời chứ đâu nhất thiết phải kiếm ngay lúc này đâu. Ừ tao nghỉ đây, bán vừa giá thôi”.
 

4
Sạp rau của anh Minh được khách hàng thích thú vì những tấm bảng viết tay tếu táo.

Giải thích về “cái ngu” nói trên, anh Minh kể: “Sau khi tiếp xúc với một sạp bán rau tại chợ Tân Biên có người nhiễm Covid-19, tôi đã chủ động đến cơ sở y tế khai báo và được yêu cầu phải cách ly tại nhà 14 ngày”.

“Tôi nghĩ cho gia đình và khách hàng nên quyết định khai báo y tế, chấp nhận cách ly và dừng việc buôn bán dù lúc này, việc kinh doanh đang rất tốt vì giá rau củ tăng cao.

Tuy vậy, có nhiều người bằng cách nào đó, dù đến chợ Tân Biên nhưng vẫn không khai báo y tế để không bị cách ly. Họ tiếp tục kinh doanh và thu lời. Tôi làm ngược lại nên bị chê cười”, anh giải thích thêm.

5
Không chỉ vậy, anh còn có hoạt động tặng rau củ miễn phí.


7 năm tặng rau công nhân, sinh viên nghèo

Anh nói thêm rằng, việc anh tạm ngưng kinh doanh rau củ khiến một số người cùng buôn bán mặt hàng này thoải mái đội giá. Bởi khách hàng không còn tìm thấy sạp bán rau củ giá cả phải chăng, thậm chí còn được tặng miễn phí như sạp rau của Minh Râu nữa.

Suốt gần 10 năm bán rau, anh tạo dựng cho mình nguyên tắc bán hàng không giống ai. Anh nói: “Nguyên tắc bán hàng của tôi là mua đắt bán đắt, mua rẻ bán rẻ, lợi nhuận thu về chỉ từ 20-30%. Đối với mặt hàng đột ngột đắt giá, tôi sẵn sàng bán mặt hàng ấy không cần thu lời”.

6
Đối tượng anh tặng rau củ là sinh viên, công nhân, người lao động nghèo


“Như tháng này, tôi bán lời ít thôi hoặc không cần lợi nhuận cũng được. Bán đắt quá không ai mua rồi đổ đi sẽ lãng phí lắm. Tôi rất ghét lãng phí thực phẩm”, anh nói thêm.
 
Thậm chí, suốt 7 năm qua, anh liên tục trích 10-30% lợi nhuận từ việc buôn bán để mua rau, củ tặng miễn phí cho công nhân và sinh viên, người có thu nhập thấp. Minh Râu kể rằng, anh làm việc này là để hiện thực hóa ước mơ từ thời còn là chàng sinh viên nghèo.
 

7
Rất nhiều người đã tiết kiệm được khoản chi phí khi được anh tặng rau miễn phí.


“Khi còn là sinh viên, chúng tôi khổ lắm, không có tiền mua bó rau mà ăn. Lắm lúc ăn mì tôm, chúng tôi ngồi nghĩ: “Nếu ai đó cho bó rau muống để nấu mì ăn thì ngon lắm”. Thế rồi, cả đám hứa sau này nếu ổn định cuộc sống sẽ mua rau tặng sinh viên, người nghèo”, anh kể.
 
Sau này, khi lập gia đình, anh bén duyên với nghề bán rau. Nhớ lời hứa ngày trước, anh trích lợi nhuận từ việc kinh doanh để mua rau củ tặng công nhân, sinh viên nghèo.
 
Mỗi chiều, anh đều chở những phần rau củ tươi, sạch đến sạp rau của mình để tặng. Mỗi loại rau, củ phát tặng, anh đều để bảng với những dòng thông tin "tếu táo, dễ thương”.
 

8
Anh cho biết, sẽ tiếp tục hoạt động trên ngay khi hết thời gian cách ly.


Người cần cứ nhìn vào nội dung trên bảng để lấy rau củ theo nhu cầu của mình với số lượng vừa đủ. Anh kể: “Tôi không nhận tiền hỗ trợ của ai trong hoạt động tặng rau củ này. Tất cả là từ tiền túi của tôi. Mỗi khi đi chợ, thấy rau, củ, quả nào có hàng đẹp, giá tốt, tôi lại cố gắng mua thật nhiều về để gửi tặng công nhân, sinh viên”.
 
“Tôi cho đi ít, nhưng nhận về nhiều lắm. Tôi nhận về niềm vui, hạnh phúc khi san sẻ được với người khó khăn. Suốt 7 năm qua, biết bao kỷ niệm nhưng tôi nhớ nhất lần có một chị đến nói nhờ những bó rau miễn phí của tôi mà chị tiết kiệm được một số tiền đủ để mua 1 chiếc xe đạp cho con đi học. Đó là lý do vì sao tôi vẫn duy trì được công việc ấy suốt bao nhiêu năm nay”, anh chia sẻ thêm.
Nguyễn Sơn - VietNamnet 
 

 

Tác giả bài viết: Biên tập: Khắc Phương

Tổng điểm nội dung là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá

  Ý kiến khác

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Bạn cần hỗ trợ?