Những vụ bỏng xăng thương tâm diễn ra gần đây
Theo báo SKĐS, cách đây 1 năm chị Lê Thị Tâm (SN 1986), ở bản Bãi Sậy, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch sau tai nạn bỏng, di chứng của vụ bỏng xăng gây sẹo co toàn thân, mất đi 81% sức lao động nên không còn làm được gì nữa.
Sự việc bắt đầu bằng việc lau máy, dùng vải xô nhúng vào bát xăng để lau, cùng lúc, con chị nghịch lửa nên đã bén vào, khiến xăng, xe cháy cùng bốc cháy. Những phần da lành trên cơ thể chị đã được bác sĩ lấy để cấy ghép. Ngày nào gia đình cũng tiêu tốn tới cả chục triệu đồng vì băng gạc, thuốc kháng sinh, thuốc chống nhiễm trùng…. Trải qua nhiều lần phẫu thuật cấy ghép da, cuối tháng 12/2021, chị Tâm được ra viện và dùng thuốc bôi. Gần 1 năm trời, chị Tâm vẫn khổ sở vì những mảng sẹo co kéo, sưng đau rát ngứa.
Vụ bỏng xăng gần nhất đang gây xôn xao dư luận, không chỉ gây thiệt hại người và tài sản mà nó còn xói mòn đạo đức “vì đất mà mất tình thân” . Chuyện bắt đầu từ sự tranh chấp tài sản, chia quyền thừa kế đất, sáng 30-10-2022, ba người con gái đến nhà mẹ đẻ của mình là bà Vũ Thị Đ. (61 tuổi) cãi lộn. Sau đó dùng can xăng 10 lít đổ xuống nền nhà và châm lửa, khiến nhiều người bị bỏng, trong đó có bà Đ.
Thông tin từ Viện Bỏng quốc gia cho biết, họ đang điều trị cho bốn bệnh nhân liên quan đến vụ “nhân tai” này ở thôn Thiên Lộc, xã Trung Hòa, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Trong số 4 nạn nhân bị bỏng, có 1 bị bỏng khoảng 5%, đang điều trị tích cực, ba còn lại vẫn đang nguy kịch. Những người này đã được các bác sĩ điều trị chống sốc, nhiễm trùng, riêng sức khỏe người mẹ tiên lượng rất xấu do bỏng trên diện rộng, tuổi cao nên khả năng hồi phục kém.
Vì sao bỏng xăng lại gây nguy hiểm?
Bỏng xăng nguy hiểm hơn so với bỏng thông thường như bỏng dầu ăn, bỏng nước sôi vì nó phải mất nhiều thời gian để chữa lành nếu không được xử lý đúng cách. Vết bỏng trên diện rộng có thể dẫn đến hoại tử thứ phát, bỏng sâu, co rút bề mặt da và để lại sẹo nghiêm trọng. Nguy hiểm hơn, vết thương có thể bị nhiễm trùng dẫn đến nhiễm trùng máu, suy thận, suy đa tạng, nguy hiểm đến tính mạng.
Giới da liễu phân loại bỏng thành 4 mức để có các sơ cứu và điều trị thích hợp:
Mức hay cấp độ 1: Tình trạng da bị bỏng được đánh giá là nhẹ nhất, hay còn gọi là bỏng nông, có thể khỏi bệnh sau 3 đến 6 ngày. Cấp độ 2, với các triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải là da bị nổi mụn nước, mẩn đỏ và sưng tấy, mụn nước có thể mở ra và vết bỏng không khô mà có thể ẩm ướt, bỏng độ hai thường lành trong khoảng 3 tuần. Bỏng độ 3, vết bỏng rất nặng, ảnh hưởng đến mạch máu và nhiều cơ quan quan trọng trong cơ thể do tổn thương ngày càng lấn sâu vào da. Lúc này, nguy cơ tử vong của người bệnh rất cao nếu không được điều trị kịp thời và phù hợp. Bốn là cấp độ cao nhất, bỏng vô cùng nặng với tổn thương ngày càng nặng và lan rộng đến gân và xương.
Những việc cần làm ngay:
Dập đám cháy ngay lập tức: Hãy dập lửa hoặc ngăn người bệnh không tiếp xúc với lửa, nhiệt nóng. Loại bỏ vật liệu âm ỉ khỏi người như cởi bỏ quần áo nóng hoặc bỏng. Nếu quần áo dính vào da, hãy cắt hoặc xé xung quanh. Cởi đồ trang sức, thắt lưng và quần áo chật. Lưu ý không dùng nước khi dập lửa xăng, khiến xăng nổi trên mặt nước sẽ tiếp tục bắt lửa và lan rộng. Nên nhanh chóng chùm chăn, ga lên người nạn nhân.
Ngâm vùng bị bỏng vào nước sạch: Thời điểm ngâm mình trong nước lạnh càng sớm càng tốt, tốt nhất là trong vòng 30 phút sau khi bị bỏng.
Nước để ngâm cần phải là nước sạch với nhiệt độ tiêu chuẩn từ 16 đến 20 độ C, thời gian ngâm trong nước mát trong 10 hoặc 15 phút. Nên chọn các nguồn nước sạch, chẳng hạn như nước đun sôi, nước máy, nước mưa, nước giếng…Không sử dụng nước ấm, vì ít có hiệu quả trong việc làm mát và giảm đau. Đối với trẻ em và người già, khi thời tiết chuyển lạnh nên giảm thời gian ngâm mình để chống cảm lạnh.
Che tạm thời vết bỏng bằng vật liệu sạch như gạc y tế, khăn mặt, khăn tay, vải... rồi băng nhẹ bằng băng sạch. Tránh trang phục quá chật để khỏi tạo áp lực lên vùng bị bỏng. Nên giữ cho vết bỏng sạch sẽ và tuyệt đối không sử dụng thuốc bừa bãi và không làm vết bỏng bị vỡ ra.
Bù nước, điện giải sau bỏng: Nếu không nôn, không chướng bụng và tỉnh táo thì cho uống Oresol. Đối với trẻ nên cho uống trà có đường ấm, nước ép, nước trái cây và vẫn cho trẻ bú bình thường.
Đối với bỏng đường thở, không kê gối dưới đầu người bệnh khi người đó đang nằm, làm như vậy sẽ gây đóng đường thở. Cho người bị bỏng ngồi, kiểm tra mạch và nhịp thở để theo dõi tình trạng sốc cho đến khi được cấp cứu. Nên đưa nạn nhân đi cấp cứu tại cơ sở y tế gần nhất để được chăm sóc chuyên khoa kịp thời.
Tác giả bài viết: BVQT Minh Anh
Ý kiến khác