Về mụn trứng cá
Thuật ngữ trứng cá ở người lớn (Adult acne) đề cập đến một nhóm mụn như sần, mụn mủ, mụn đầu đen, mụn đầu trắng, mụn đỏ, mụn mủ hay mụn u nang..... Bệnh trứng cá là tình trạng da xuất hiện các mụn có kích thước nhỏ khi các nang lông trên da bị tắc nghẽn do dính dầu và tế bào da chết.
Với biểu hiện là các mụn đầu trắng, mụn đầu đen hoặc mụn nhọt và thường xuất hiện trên mặt, trán, ngực, vùng lưng trên và hai bên vai. Các yếu tố góp phần trực tiếp gây mụn trứng cá ở nhóm này là do cơ thể sản xuất quá nhiều dầu, tế bào da chết mắc kẹt sâu trong lỗ chân lông, do vi khuẩn, và do viêm nhiễm.
Ngoài ra, còn có một số yếu tố gián tiếp, như kích thích tố, căng thẳng, chu kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ..., tất cả các tác động này khiến cơ thể sản sinh quá nhiều dầu. Do sản phẩm chăm sóc tóc, da, mỹ phẩm...làm tắc nghẽn lỗ chân lông; Do vệ sinh kém như không rửa mặt thường xuyên, không uống đủ nước, sử dụng các sản phẩm chăm sóc da hoặc trang điểm kém chất lượng; do chế độ ăn uống thiếu khoa học, do thuốc chữa bệnh…
Một số nguyên nhân khác có thể tăng mụn trứng cá như stress, rối loạn da, rụng tóc, mọc tóc quá mức, chu kỳ kinh nguyệt không đều, hoặc tăng hoặc giảm cân nhanh... Riêng nhóm phụ nữ mắc Hội chứng buồng trứng (PCOS), hoặc rối loạn nội tiết khác cũng có thể làm tăng trứng cá. PCOS có thể gây ra một số tác dụng phụ do mất cân bằng hormone, khiến cơ thể phát triển mụn trứng cá.
Vài cách ngăn ngừa mụn trứng cá
Giống như hầu hết những căn bệnh khác, con người không phải lúc nào cũng kiểm soát được mọi thứ. Tuy nhiên, nếu tuân thủ lối sống khoa học, tích cực, ăn uống cân bằng khoa học, lắng nghe khuyến cáo của bác sĩ... thì có thể giảm bệnh, giúp cơ thể khỏe mạnh, vẻ đẹp được cải thiện và duy trì.
Dưới đây là một số bí quyết đã được chứng minh áp dụng thành công: Không bao giờ đi ngủ với mỹ phẩm trang điểm còn trên mặt, trên cơ thể. Trước khi mua và sử dụng các sản phẩm mỹ phẩm và chăm sóc da hãy đọc kỹ nhãn mác, tránh xa chất gây nghiện, có dầu, đặc biệt là các loại mỹ phẩm dùng trang điểm mặt, tóc.
Một số đốm mụn thực sự không phải là mụn trứng cá mà là sự thay đổi sắc tố sau viêm từ các tổn thương do mụn trước đó hoặc từ việc nổi mụn, nên dùng kem chống nắng với SPF 30+ hàng ngày kể cả, mưa hoặc nắng để hạn chế các đốm nhám này. Có một số bằng chứng cho thấy những thay đổi chế độ ăn uống có thể giúp giảm nguy cơ bị mụn trứng cá. Qua phân tích cho thấy có mối liên quan giữa sản phẩm sữa, các loại thực phẩm có chỉ số GI (glycemic-index) cao (tăng đường huyết) cũng có thể làm tăng nguy cơ tăng mụn trứng cá.
Giải pháp trị mụn trứng cá
Theo các chuyên gia về da liễu, lựa chọn điều trị mụn trứng cá hiệu quả phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có mức độ nghiêm trọng của mụn. Ở thể nhẹ có thể điều trị bằng thuốc không kê đơn (OTC), như gel trị mụn, kem trị mụn, xà phòng rửa mặt, miếng dán mụn. Nếu ở thể trung bình đến nặng, nên điều trị theo phác đồ của bác sĩ da liễu như tiêm corticoid, dùng kháng sinh có tác dụng chống lại sự phát triển của vi khuẩn P. acnes và giúp giảm viêm...
Khi bị mụn trứng cá trên da, phản xạ tự nhiên của khá nhiều người là loại bỏ chúng bằng cách nặn mụn. Nặn mụn cũng là một phương pháp để trị mụn tuy nhiên không thể áp dụng chúng cho tất cả các loại mụn. Với những loại mụn viêm nặng như mụn mủ, mụn bọc, mụn nang, cần đến phòng khám, bệnh viện hoặc spa để được lấy nhân mụn một cách an toàn , nếu xử lý không tốt thì mụn trứng cá có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm như viêm nhiễm da lan rộng, ảnh hưởng đến sức khỏe, tạo sẹo thâm, sẹo rỗ, sẹo lồi.
Để loại bỏ sẹo có thể dùng kỹ thuật laser bề mặt, mài da cũng có tác dụng tích cực. Ngoài dùng thuốc, và để giảm mụn trứng nên duy trì lối sống khoa học, tích cực, ăn uống khoa học, đủ chất, chú trọng tới thực phẩm giàu vitamin A, vitamin E và kẽm, hạn chế đồ ngọt, sử dụng tinh dầu tràm trà 5% có tác dụng cho mụn trứng cá từ nhẹ đến trung bình. Dùng trà xanh, đồ uống giàu polyphenol có lợi trong việc giảm tiết bã nhờn và điều trị mụn trứng cá. Tuy chưa phải là cuối cùng song sử dụng kem dưỡng ẩm sẽ giúp làm mềm da để điều trị mụn trứng cá, nhất là kem hữu cơ chế từ các loại cây thuốc quý như lô hội hoặc cây phỉ... vừa có tác dụng làm dịu da, giảm trứng cá lại có tác dụng kháng viêm hiệu quả.
Tác giả bài viết: BVQT Minh Anh
Ý kiến khác