Phòng ngừa đau nhức xương khớp khi chuyển mùa

Thứ tư - 23/11/2022 10:11
Vì sao khi giao mùa bệnh xương khớp lại trở nên trầm trọng, khiến người bệnh đau đớn, cơ cực. Hiểu được bản thân và tình trạng đau nhức khi giao mùa sẽ giúp chủ động ngăn ngừa và khắc phục tốt hơn.
bs boi chau
BSCKII. Nguyễn Thúc Bội Châu
Chuyên gia Cơ xương khớp và
Chấn thương chỉnh hình BVQT Minh Anh

Tại sao đổi mùa lại gây đau nhức xương khớp?

Đến nay khoa học vẫn chưa hiểu chính xác nguyên nhân gây  đau khớp khi đổi mùa, nhất là khi thời tiết lạnh. Theo  lý thuyết, áp suất khí quyển giảm làm cho gân, cơ và các mô xung quanh giãn ra, để lại ít không gian hơn trong cơ thể. Điều này có thể gây đau các khớp, đặc biệt nếu có sẵn bệnh. Theo giả thuyết khác, sự thay đổi của áp suất không khí còn ảnh hưởng đến các dây thần kinh tiếp xúc trong các khớp bị mòn và gây ra đau đớn và khó chịu.

Bất kể giả thuyết là gì, các nhà khoa học đã đưa ra mối liên hệ giữa đau khớp và thời tiết lạnh, mưa và ẩm ướt. Điều này cũng áp dụng cho các trường hợp dị ứng và thay đổi tâm trạng. Những người đang cảm thấy buồn bã hoặc chán nản có khả năng bị đau nhiều khi thời tiết lạnh so với nhóm người ổn định về cảm xúc.  Điều quan trọng, mọi người phản ứng khác nhau với những thay đổi của thời tiết, riêng những người bị viêm khớp, đau mãn tính và các tình trạng sức khỏe khác dễ bị tổn thương hơn khi thời tiết lạnh.

Nhận biết thủ phạm gây đau nhức xương khớp?

Đau nhức xương khớp là dấu hiệu của nhiều bệnh, trong đó có thoái hóa khớp, nên phải cần chẩn đoán chính xác mới điều trị đúng, và hiệu quả. Thoái hóa khớp, đây là tình trạng tổn thương nơi sụn khớp và xương dưới sụn, sinh ra các phản ứng sưng, viêm, giảm dịch khớp, thường gặp ở khớp gối. Nó xảy ra khi  sụn khớp bị hao mòn không thể che phủ toàn bộ đầu xương, khiến tình trạng cọ xát giữa xương đùi và xương chày xảy ra khi vận động khớp gối. 

dau nhuc xuong khop
Các vị trí thường đau nhức khi vào mùa lạnh

Tiếp đến là viêm khớp dạng thấp khiến đi lại, vận động, sinh hoạt rất khó khăn và gây khó chịu, cơ cực cho người bệnh. Bệnh gút, căn bệnh phổ biến và thường gặp ở những người trẻ do cuộc sống hiện đại do ăn uống thiếu khoa học, gây rối loạn chuyển hóa purin trong cơ thể gây nên khi cơ thể dư thừa quá nhiều chất đạm. Một số nguyên nhân nặng ký khác có chứng loãng xương, thường gặp ở nhóm người lớn tuổi do mật độ xương suy giảm; bệnh lao xương khớp, nhất là ở khớp háng, cột sống và khớp gối.

Làm thế nào để ngăn ngừa đau khớp theo mùa?

Nên trọng tâm đến chiến lược, đừng để mất cảnh giác, luôn nhận biết thời tiết để phòng ngừa sớm. Ví dụ, nếu nhạy cảm với sự thay đổi của các mức nhiệt độ, thì nên học cách bảo vệ khớp của mình trước khi những thay đổi xảy ra. Cách tốt nhất là theo dõi thời tiết, có thể theo dõi qua báo chí, truyền hình hay thông qua ứng dụng trực tuyến, có thể tải ứng dụng thời tiết miễn phí trên điện thoại di động.

Giữ ấm cơ thể bởi khi nhiệt độ giảm, nó tác động trực tiếp lên thể chất lẫn tinh thần. Mặc quần áo nhiều lớp khi ra ngoài và nên tắm nước ấm. Các vật dụng như chăn điện và đệm sưởi cũng có thể giúp giữ ấm, đặc biệt là vào ban đêm, đừng quên mang găng tay, tất và các loại quần áo ấm khác khi mùa đông đến.

Nên duy trì cuộc sống vận động, hoạt động thể chất nhiều hơn hoặc ít hơn tùy thuộc vào các loại đau khớp.

Điều chỉnh chế độ ăn uống, đây là nền tảng quan trọng để ngăn ngừa đau khớp. Hãy đảm bảo tăng cường vitamin, khoáng chất và uống đủ nước. Vitamin D, E, A và K, axit béo omega-3 được biết rất tốt cho sức khỏe xương khớp, có nhiều trong cá hồi hoặc các loại hạt, rau xanh đậm màu. Riêng cam, ớt đỏ và cà chua cung cấp nguồn vitamin C cần thiết để làm chậm quá trình mất sụn.

Chườm đá khi sưng khớp: Mặc dù phương pháp này không hữu ích cho tất cả mọi người, nhưng nó tiện lợi trong một số trường hợp nhất là khi cơ và gân bị sưng và đau do viêm và thay đổi thời tiết, giúp làm giảm triệu chứng  và trả lại các khớp về tình trạng khỏe mạnh, hoạt động bình thường.  Nếu đau nhức, cũng có thể chườm nóng, hãy sử dụng một miếng đệm nóng, chai nước hoặc khăn để làm ấm các khớp. Ngoài ra có thể massage khớp và quanh khớp, giúp lưu thông máu tốt hơn, giảm đau nhức khi thời tiết thay đổi với tần suất 3 - 5 lần /tuần, đặc biệt khi thời tiết thay đổi. Trong trường hợp nếu xuất hiện bất kỳ triệu chứng bất thường hoặc mới nào, đừng ngần ngại liên hệ với bác sĩ. Sưng và đỏ dai dẳng, đau không thể chịu được…là điều bác sĩ cần biết để có các liệu pháp điều trị thích hợp, hiệu quả hơn.
 

Tác giả bài viết: BVQT Minh Anh

Tổng điểm nội dung là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá

  Ý kiến khác

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Bạn cần hỗ trợ?